Tin tức

Luật Tài nguyên nước và những đòi hỏi mới trong công tác quản lý nhà nước 01/07/2011

0
Sau hơn 12 năm đi vào cuộc sống, Luật Tài nguyên nước 1998 đang đứng trước những đòi hỏi mới của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Thiếu quy định cụ thể

Mặc dù Luật Tài nguyên nước đã xác định vai trò của việc xây dựng và thực hiện quy hoạch tài nguyên nước; quy định mọi hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch tài nguyên nước còn chậm do Luật mới chỉ quy định về nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể như nội dung, trình tự thủ tục lập, thẩm định, thẩm quyền phê duyệt… Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, biện pháp cụ thể để bảo đảm quy hoạch khai thác, sử dụng nước của các ngành, lĩnh vực có liên quan đến sử dụng tài nguyên nước phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, bảo đảm sử dụng tổng hợp, hiệu quả và đa mục tiêu các nguồn nước.

Việc thiếu quy hoạch và một tổ chức đủ mạnh để điều phối các hoạt động trên lưu vực sông đã phát sinh những vấn đề liên ngành, liên địa phương cần giải quyết nhưng chưa được xử lý kịp thời. Hệ quả của nó là việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý, chưa bảo đảm tổng hợp, hiệu quả; chưa gắn kết giữa khai thác, sử dụng với bảo vệ, với phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Mặt khác, trong khi hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước và thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước là nền tảng cơ bản của công tác quy hoạch, quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ và phòng chống tác hại do nước gây ra thì lại chưa có quy định cụ thể. Luật Tài nguyên nước mới chỉ quy định các nguyên tắc về trách nhiệm thực hiện điều tra cơ bản; thiếu các quy định về nguyên tắc, nội dung, yêu cầu, phân công, phân cấp trách nhiệm thực hiện... Từ việc không nắm được tài nguyên nước quốc gia dẫn đến không dự báo sớm được tình hình tài nguyên nước để có những biện pháp chủ động ứng phó, giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Bảo vệ tài nguyên nước: thiếu đồng bộ

Có thể thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước còn thiếu và chưa đồng bộ. Điều này, thể hiện ở việc không có điều luật quy định về bảo vệ các hệ sinh thái thủy sinh, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước và thiếu các quy định về bảo vệ số lượng nước. Một số văn bản được ban hành quá chậm khiến cho việc thực thi các điều luật vào trong cuộc sống còn rất khó khăn.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Kế Sơn chia sẻ, khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, đô thị hoá, một số quy định về bảo vệ tài nguyên nước trong Luật hiện không còn phù hợp. Đặc biệt, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được điều chỉnh như bảo vệ số lượng nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo vệ các nguồn nước quan trọng như sông, suối, hồ, đầm, hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nước ở các vùng nông thôn chưa được quan tâm thoả đáng.

Bên cạnh, những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn thì những quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, của UBND các cấp; giáo dục cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên nước. Chính vì thế, mặc dù có thể thấy rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước song việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước, vấn đề kinh tế, tài chính trong lĩnh vực tài nguyên nước chưa được coi là biện pháp quan trọng góp phần bảo vệ bền vững tài nguyên nước.

Những quy định mới của dự thảo Luật Tài nguyên nước

Dự thảo đã có những chương riêng về những vấn đề nêu trên, cụ thể bổ sung chương mới, quy định về nội dung chủ yếu của công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; kinh phí thực hiện công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước, kỳ hạn và thời gian lập quy hoạch tài nguyên nước; căn cứ lập quy hoạch tài nguyên nước; lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước; kinh phí lập quy hoạch tài nguyên nước; và lưu trữ hồ sơ quy hoạch…

Ngoài ra, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm đáp ứng yêu cầu mới của công tác bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo vệ lòng bờ, bãi sông; bảo vệ nguồn nước; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng bảo vệ môi trường là hoạt động mang tính cộng đồng cao, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước thì vai trò của từng cá nhân trong xã hội cũng hết sức quan trọng, chính vì lẽ đó việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về môi trường là một việc cần phải ưu tiên hàng đầu, và phải được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Bởi, thực tế sau hơn 12 năm đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước còn nghèo nàn, chưa đáp ứng yêu cầu hình thức thực hiện nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa được thực hiện thường xuyên, chưa được phổ biến sâu rộng tới người dân và doanh nghiệp. Nhiều quy định của pháp luật chưa đến  người dân, doanh nghiệp; ý thức chấp hành pháp luật còn thấp; nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ, gìn giữ các nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả còn hạn chế.

Nguồn tin:http://www.dwrm.gov.vn