Tin tức

Hội thảo xây dựng kế hoạch chỉ đạo quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công: Ứng phó với những vấn đề cấp bách của sông Mê Công 11/08/2011

0
Ngày 9/8, tại thành phố Hòa Bình, Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch chỉ đạo quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công. Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Nguyễn Thái Lai chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì còn có ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo và đại diện một số đơn vị chức năng trực thuộc Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai phát biểu chi đạo tại Hội thảo

Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước đã được Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế phê chuẩn vào tháng 1 năm 2011. Mục đích của Chiến lược nhằm giúp các nước Ủy hội có khả năng xây dựng cách thức chia sẻ, sử dụng, quản lý và bảo tồn tài nguyên nước và tài nguyên liên quan để đạt được mục đích của Hiệp định Mê Công 1995.

“Để thực hiện thành công Chiến lược quan trọng này, các quốc gia Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất cần xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo của các quốc gia thành viên. Với Việt Nam, Kế hoạch hành động không chỉ nhằm phát triển bền vững trong lưu vực sông Mê Công mà còn vì mục tiêu tối cao của chúng ta trong đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các lĩnh vực hoạt động chính trong quá trình xây dựng này bao gồm: Tăng cường hệ thống thông tin phục vụ quá trình ra quyết định; tăng cường khung pháp lý, thể chế, xây dựng danh mục dự án ưu tiên; tăng cường năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên nước…Việc xây dựng Kế hoạch hành động này là vô cùng cần thiết đặc biệt trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long đang chịu sức ép của thượng nguồn lưu vực sông Mê Công, sự đe dọa của thiên tai và biến đổi khí hậu trong vùng”, ông Lê Đức Trung nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia Dự án, lợi ích của Chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước giúp chia sẻ và cân bằng tài nguyên nước đảm bảo các hoạt động sử dụng nước ở thượng nguồn không ảnh hưởng tới hạ du. Khi các quốc gia thực hiện đúng các cam kết như trong Chiến lược, Việt Nam sẽ là nước có nhiều lợi ích trong việc phát triển tài nguyên nước và tài nguyên liên quan.

Ông Phạm Minh Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, là quốc gia cuối nguồn, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ các hoạt động ở thượng nguồn như việc xây dựng thủy điện trên dòng chính, Thái Lan mở rộng diện tích nông nghiệp ở vùng Đông Bắc kéo theo nhu cầu sử dụng nước gia tăng, các nước thượng nguồn tăng cường hoạt động giao thông thủy… Trong quá trình đi thực tế trên dòng sông Mê Công ông đã phát hiện ra một số tàu thuyền mắc cạn không đi qua được một số cửa khẩu ở Campuchia mà nguyên nhân là do nước này đã tự ý có hoạt động làm cản trở sự lưu thông của dòng chảy. “Vì vậy, mặc dù muộn nhưng chúng ta cũng cần gấp rút xây dựng kế hoạch hành động quốc gia để đảm bảo sự phát triển của lưu vực. Việc xây dựng kế hoạch hành động phải đảm bảo phục vụ cho cả lưu vực và các nước trong Ủy hội phải tuân thủ thực hiện. Trong Kế hoạch này, cần thiết phải ưu tiên hoạt động giao thông thủy”, ông Nghĩa đề xuất.


Toàn cảnh Hội thảo
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho rằng, việc xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó với 4 vấn đề đang tồn tại hiện nay là xây dựng thủy điện trên dòng chính ảnh hưởng đến Việt Nam, vấn đề thủy sản, cấp nước và giao thông thủy.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định, việc xây dựng kế hoạch hành động không chỉ trong phạm vi đồng bằng sông Cửu Long mà cả các vùng liên quan. Đây là kế hoạch chung của quốc gia vì vậy cần sự chung tay đóng góp của các Bộ, ngành và các địa phương liên quan. Thứ trưởng đề nghị, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công trong đó tập trung vào các ưu tiên được xác định trong Chiến lược phát triển lưu vực. “Trong Kế hoạch Chiến lược này phải lồng ghép được cả vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Văn phòng Thường trực cần nhanh chóng tập hợp nhóm chuyên gia giỏi trong lĩnh vực giao thông thủy, thủy sản, xây dựng, thủy lợi, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu ”, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nói.


 Tổng dân số sống ở bên dòng sông Mê Công ước tính khoảng 60 triệu người trong đó khoảng 90% dân số Campuchia (13 triệu người), 97% dân số Lào (5,9 triệu người), 39% dân số Thái Lan (23 triệu người) và 20% dân số Việt Nam (17 triệu người đồng bằng sông Cửu Long và 3 triệu người ở Tây Nguyên).
Trong 20 năm tới, dự kiến có 12 đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công và 30 đập trên dòng nhánh. Điều đó dẫn tới rủi ro: mất đi 60% hệ sinh thái sông giàu đa dạng sinh học, 9 điểm nóng môi trường bị tác động mạnh, 2/4 loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng, khó khăn cho cá di cư, bùn cát và dinh dưỡng bị giữ lại…


Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn