Tin tức

Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi 31/08/2011

0
Ngày 30/8, Liên hiệp các tổ chức khoa học Kỹ thuật Việt tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia tài nguyên nước về Dự thảo lần thứ 5 Luật Tài nguyên nước sửa đổi.

Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), sau 12 năm thi hành Luật Tài nguyên nước 1998 đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập không theo kịp với xu thế phát triển của công tác quản lý tài nguyên nước cũng như các Luật Tài nguyên nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, nhấn mạnh đến việc nhiều quy định của Luật Tài nguyên nước 1998 không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện; một số quan hệ mới trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung vào Luật.

Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự thảo lần thứ 5 Luật Tài nguyên nước sửa đổi với khá nhiều nội dung về quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh Dự thảo này.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý cho từng chương, điều, khoản của Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Theo GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn và Môi trường), việc phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành trong Dự thảo là chưa phù hợp. Chính việc quy định trách nhiệm dẫn đến tình trạng lộn xộn. Vì thế, GS. Nguyến Đức Ngữ đề nghị, ở các chương khác nhau không nêu trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành mà chỉ nêu những công việc được phép và không được phép thực hiện.

Đa số các đại biểu tập trung góp ý cho Chương 1 của Dự thảo. Theo các đại biểu, tại phần mở đầu nên có khái niệm về tài nguyên nước để người đọc có thể khái quát được một cách chung nhất về tài nguyên nước. Tại Điều 3, điểm 4, GS.Vũ Trọng Hồng (Hội Thủy lợi Việt Nam) đề nghị thêm quy định về “bảo vệ hồ chứa điều tiết lũ”. Bởi lẽ, trong số 800 tỷ m3 nước của Việt Nam thì có 2/3 là ở nước ngoài chảy vào. Bài học từ hồ Trị An bị xâm phạm nguy hiểm thời gian qua đã đặt ra vấn đề cần phải bảo vệ hồ chứa điều tiết lũ.

Riêng đối với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, ông Vũ Trọng Hồng đề nghị cần quy định thêm điều khoản về khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong khu đô thị tập trung.

Vấn đề khai thác nước dưới đất cũng được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung góp ý. Trong Dự thảo quy định “việc thăm dò khai thác nước dưới đất với quy mô nhỏ không cần phải xin phép”. Theo TS. Nguyễn Văn Đản (Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường nước), quy định này không được rõ ràng. Nếu khai thác nước dưới đất để phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu việc khai thác vẫn trong quy mô hộ gia đình nhưng để sản xuất kinh doanh như việc người dân các tỉnh Tây Nguyên khai thác nước để tưới cà phê…thì cần có quy định cụ thể về việc cấp phép. Đây là điều khoản để kiểm soát việc khai thác và phòng chống ô nhiễm môi trường.


Toàn cảnh Hội thảo

Những câu chuyện về việc khai thác không xin phép dẫn đến sụt lún đất ở huyện Hoài Đức, Thanh Oai (Hà Nội) là minh chứng cụ thể. Đối với quy định hạn chế khai thác nước dưới đất, ông Nguyễn Văn Đản cho rằng, trong trường hợp nước mặt, nước dưới đất ổn định thì nên khai thác mà không nên hạn chế.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung góp ý về các vấn đề biến đổi khí hậu, lưu vực sông, tổ chức công trình hồ chứa, sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước…

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn