Tin tức

“Nhuộm xanh” nền kinh tế : Cơ hội nào cho các quốc gia GMS ? 08/12/2011

0
Đầu tháng 12, sáu nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) đã họp mặt tại Hà Nội nhằm thảo luận cách thức thực hiện mục tiêu về một khu vực thịnh vượng và công bằng hơn thông qua phát triển kinh tế xanh. Tăng trưởng xanh đã trở thành chủ đề trọng tâm của Diễn đàn Tiểu vùng Sông Mê Công lần này.

Phát triển làm cạn kiệt tài nguyên

Sáu quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái-lan, Myanmar và Trung Quốc được kết nối với nhau bởi dòng sông Mê Công. Khu vực tiểu vùng sông Mê Công là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới . Ít nơi trên trái đất mà các liên kết nền tảng giữa con người và sự giàu có của hệ sinh thái lại biểu hiện một cách rõ rệt như vậy. Khoảng 80% dân số phụ thuộc vào sức sản xuất của các hệ sinh thái tự nhiên khỏe mạnh để duy trì các chức năng chủ chốt của hệ sinh thái, như cung cấp nước sạch, thực phẩm và sợi nguyên liệu.


Sáu nước tiểu vùng sông Mê Công đã bàn về tăng trưởng xanh tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà, trong những năm qua, các quốc gia tiểu vùng sông Mê Công đã đạt được những thành tựu kinh tế xã hội quan trọng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về kinh tế của phần lớn các nước GMS vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, sản xuất các sản phẩm với trình độ công nghệ thấp. Hậu quả là sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái, ô nhiễm môi trường đang ngày càng tăng. Cùng với việc gia tăng các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, hơn bao giờ hết, các nước GMS đang đứng trước những thách thức lớn về phát triển bền vững.

Các quốc gia dọc tiểu vùng sông Mê Công đang dần nhận thức được sự cần thiết của việc tái cấu trúc lại nền kinh tế để phản ánh vai trò thực sự của nguồn vốn tự nhiên trong việc duy trì nền kinh tế và sự thịnh vượng của gần 400 triệu người dân.

Từ năng lượng, nước đến đa dạng sinh học

TS Nay Htun, nguyên trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc Các chương trình quốc tế Trung tâm Năng lượng cấp cao, ĐH Stony Brook cho rằng, ba nguồn tài nguyên quan trọng kết nối với nhau cho nền kinh tế xanh tăng trưởng xanh đó là năng lượng, nước và đa dạng sinh học. Trong khi đó, hiện nay, thế giới vẫn đang sử dụng đến 60% là nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than gây phát thải khí nhà kính lớn và phát tán các chất độc hại ra môi trường. Báo cáo về năng lượng thế giới của IEA năm 2009 dự báo nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn còn tiếp tục là nguồn nhiên liệu chính. Đến năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo dự đoán mới chỉ chiếm khoảng 33%.

Theo TS Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, năng lượng gió, mặt trời, điện nhiệt, điện sinh khối, sinh học, địa nhiệt... được coi là năng lượng sạch. Đầu tư vào nguồn năng lượng này khá tốn kém nhưng sau này vận hành thì sẽ có lợi. Theo ông Tài, nói rộng ra, đầu tư vào nền kinh tế xanh trước mắt sẽ tốn kém, hạn chế tiềm năng tăng trưởng, nhưng về lâu dài nó tạo ra động lực để thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, trong ngắn hạn nó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế, nhưng trong dài hạn thì tạo ra động lực và cơ hội tăng trưởng nhanh hơn cho nền kinh tế.

Với nguồn nước, ông Stuart Chapman, WWF tiểu vùng sông Mê Công đưa ra con số, các dòng sông, bể chứa, nơi nuôi trồng thủy sản đã tạo ra 1,5 tỷ USD trong nguồn thu hằng năm tại hạ lưu sông Mê Công.

Tuy nhiên, vì sự gia tăng của biến đổi khí hậu, việc ô nhiễm và suy thoái nguồn nước khiến chất lượng, sản lượng nước và khả năng tiếp cận nguồn nước sạch của người dân trong khu vực ngày càng khó khăn. Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC đã chỉ ra rằng, áp lực về nước là một trong những vấn đề môi trường căng thẳng nhất mà châu Á phải đối mặt, đặc biệt là các quốc gia Nam và Đông Nam Á. “Đã đến lúc chúng ta cần quản lý thận trọng và khôn ngoan với nước. Đừng để cho bất kỳ giọt nước nào chảy từ đỉnh núi vào lòng biển khơi, cho đến khi giọt nước đó đã phục vụ được nhu cầu của tự nhiên và con người”, TS Nay Htun nói.

Cũng theo ông Nay Htun, biến đổi khí hậu và gia tăng dân số tại các quốc gia châu Á đã làm tăng mối đe dọa lên đa dạng sinh học. Nó khiến cho đất rừng bị thu hẹp hoặc bị thay đổi chức năng sử dụng. Với những vùng ven biển, việc mất đất canh tác và đất nuôi trồng thủy sản vì ngập lụt và xói mòn do biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng mất an ninh lương thực và mất sinh kế.

Chuyển đổi sang kinh tế xanh – thách thức của thập kỷ tới

Sáng kiến nền kinh tế xanh được Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đề xuất thực hiện từ năm 2008. Báo cáo về nền kinh tế xanh năm 2010 của UNEp đã khuyến nghị những giải pháp cần thực hiện để hướng tới bảo tồn và phát triển các tài nguyên rừng, tài nguyên nước, thủy sản... Báo cáo chỉ ra rằng, đầu tư cho các nguồn vốn tự nhiên này về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích để phát triển bền vững.

“Với mục tiêu đến năm 2020 trở thành một khu vực hội nhập, phát triển hài hòa, thịnh vượng, không đói nghèo, có đa dạng sinh học cao, thì đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên hướng tới nền kinh tế xanh chính là cách tiếp cận đúng đắn để hài hòa phát triển kinh tế và môi trường ở các nước GMS”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Tại diễn đàn gặp gỡ giữa sáu nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, các thành viên đã bàn về việc đầu tư vào vốn tự nhiên vì nền kinh tế xanh. “Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sinh thái khu vực sông Mê Công có khả năng mang lại một lợi ích tuyệt vời”, TS Geoffrey Blate, Cố vấn cấp cao về Bảo tồn Cảnh quan của WWF Greater Mê Công cho biết. “Bằng cách đầu tư vào bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì nguồn vốn tự nhiên, khu vực Tiểu vùng sông Mê Công tạo ra nhiều lựa chọn hơn để tăng trưởng kinh tế, và bảo vệ xã hội khỏi thiên tai và bảo đảm tính bền vững dài hạn trước những biến đổi môi trường mang tính toàn cầu”.

Tại cuộc họp vào tháng 7 vừa qua ở Campuchia, các bộ trưởng môi trường GMS đã nhận ra rằng việc phát triển kinh tế của tiểu vùng đòi hỏi cơ sở hạ tầng sinh thái phải được cải thiện và quản lý hiệu quả hơn để đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như các nhu cầu mới về thức ăn, nước và năng lượng - là nền tảng đối với với sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai và sự thịnh vượng tại khu vực.

Tại cuộc họp đó, các bộ trưởng cũng lưu ý rằng, việc duy trì hiệu suất của các hệ sinh thái liên kết trải dài trên tiểu vùng sông Mê Công sẽ tạo ra khả năng chống đỡ linh hoạt trước những tác động đang gia tăng rõ rệt của biến đổi khí hậu.

“Hành động hướng tới một nền kinh tế xanh đã đặt đa dạng sinh học khu vực sông Mê Công vào vị trí trung tâm và sự chuyển đổi này là thử thách lớn nhất trong thập kỷ tới”, TS. Blate nói thêm.

Nguồn tin:http://www.dwrm.gov.vn