Tin tức

Phân bổ tối ưu tài nguyên nước 14/10/2011

0
Giải thưởng khoa học uy tín Eureka của Australia vừa được trao cho một nhóm nhà khoa học, trong đó có một nhà khoa học Việt Nam, nghiên cứu một công cụ xác định cách thức phân bổ tài nguyên nước một cách tối ưu. Nhà khoa học Việt đó là TS. Chu Hoàng Long đến từ Đại học Quốc gia Australia (ANU).

Một trong những vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên nước là cân đối giữa nước dành cho dân sinh và nước dành cho môi trường.

Ở Việt Nam, sự tranh chấp về nguồn nước ngày càng gay gắt. Cạnh tranh giữa sử dụng nguồn nước cho phát điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, nhất là cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn... đã trở nên căng thẳng.


TS Chu Hoàng Long (phải) và giải thưởng Eureka

Theo TS. Chu Hoàng Long, ở hầu hết các hệ thống sông trên thế giới, rất nhiều đập lớn được xây dựng để trữ nước, và từ những con đập này, nước được phân bổ cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Điều này, một phần giúp thỏa mãn nhu cầu sử dụng nước của con người, nhưng đồng thời cũng gây ra những tác động không nhỏ tới môi trường, ảnh hưởng tiêu cực như chế độ thủy văn bị đảo lộn, các hệ thống sông bị cạn kiệt, các loài thủy sản không còn môi trường phát triển, các vùng sinh thái bị ảnh hưởng... Trong nhiều trường hợp, sự tranh chấp lợi ích về nước gây ra tác động lớn về môi trường, làm trầm trọng hóa thêm tình hình khi thời tiết không thuận lợi. Phân bổ tài nguyên nước hợp lý là yêu cầu đặt ra một cách bức thiết cho mỗi quốc gia hiện nay.

Nhóm nghiên cứu này gồm 4 nhà khoa học : GS. R.Quentin Grafton (chủ trì), GS. Tom Kompas - Hiệu trưởng trường Kinh tế Quản trị Crawford, GS. Michael Stewardson (Đại học Melbourne) và TS. Chu Hoàng Long đến từ Đại học Quốc gia Australia (ANU). Họ đã dành nhiều thời gian để phát triển một mô hình giúp xác định phân bổ nguồn nước thế nào để tối ưu hóa lợi ích của xã hội trong khi vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường. Mô hình này có thể áp dụng cho tất cả các hệ thống thủy lợi trên thế giới.

"Nếu muốn áp dụng vào khu vực nào, ta chỉ cần tính toán các tham số tương ứng với khu vực đó và đưa vào mô hình để tính ra cách phân bổ nguồn nước", TS. Long cho biết. Việc phân bổ hợp lý nguồn nước không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn mang đến lợi ích kinh tế lớn. TS. Long dẫn chứng, áp dụng mô hình này tại vùng Murray Darling của Australia. Các phân tích cho thấy, việc ứng dụng kết quả của mô hình trong giai đoạn 2001-2009 tại vùng Murray Darling sẽ giúp tăng lợi ích ròng của xã hội lên khoảng từ 500 triệu đến 3 tỷ USD so với việc không can thiệp vào việc phân bổ nguồn nước tối ưu.


Nguồn nước cần được phân bổ hài hòa cho các lợi ích

Ý nghĩa thực tiễn của đề tài là đã đưa ra một công cụ hiện thực cho các nhà hoạch định chính sách để xác định cách thức phân bổ tài nguyên nước một cách tối ưu. Ngoài ra, kết quả của mô hình còn cho thấy cách thức phân bổ tài nguyên nước cho môi trường nên được thực hiện theo chu kỳ. "Muốn có thể kiểm soát lưu lượng dòng chảy của các con sông, con người nên tạo ra chế độ thủy văn gần giống như chế độ thủy văn trước khi các đập chứa nước được xây dựng. Điều này góp phần khẳng định một thực tế là để tối ưu hóa lợi ích của chính mình, con người không nên đi ngược lại với tự nhiên", TS. Chu Hoàng Long nhấn mạnh.

Phân bổ tài nguyên nước một cách hài hòa, đảm bảo công bằng giữa các lợi ích, đảm bảo dòng chảy môi trường là bài toán khó mà các nhà quản lý tài nguyên nước Việt Nam luôn đặt ra trong điều hành chính sách cũng như thực hiện các giải pháp cụ thể. Mô hình của nhóm nhà khoa học này cần xem như một giải pháp để tham khảo nghiên cứu ở Việt Nam.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn