Tin tức

Nguy cơ băm nát tài nguyên nước 19/10/2012

0
Thừa Thiên - Huế vừa loại 6 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch đến năm 2020 vì hiệu quả kinh tế thấp, hạ tầng giao thông kết nối không đồng bộ và ảnh hưởng xấu đến môi trường. 3 dự án thủy điện khác bị thu hồi giấy phép do triển khai chậm.


Nhưng còn đó mối lo hồ chứa khi thời điểm này, tỉnh vẫn chưa xây dựng được quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 1879 của Thủ tướng Chính phủ đối với các công trình thuỷ điện trên địa bàn, để thống nhất việc xả lũ, đảm bảo phát điện và an toàn cho dân cư vùng hạ du.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: đã nhiều lần kiến nghị Bộ TN&MT (được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì lập quy trình vận hành liên hồ, đập trên các lưu vực sông lớn) nhưng vì chưa có kinh phí, nguồn nhân lực còn thiếu, nên chưa thực hiện.

Lâu nay, duyệt quy trình hồ thủy điện do Bộ Công thương, nhưng duyệt quy trình vận hành liên hồ (hồ thủy điện, hồ thủy lợi) lưu vực sông do Bộ TN&MT chịu trách nhiệm. Quy trình vận hành liên hồ ban hành chậm chính vì khó khăn khi trên một lưu vực sông có rất nhiều hồ chứa (cả thủy lợi và thủy điện), phần lớn các hồ thủy điện chỉ có dung tích phòng lũ cho bản thân công trình, không có dung tích phòng lũ cho hạ du (trừ một số hồ rất lớn như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La), sau khi đã trữ hết phần  dung tích phòng lũ cho công trình, lũ vẫn về thì phải xả lũ để bảo đảm an toàn công trình, thì hạ du sẽ bị ngập.

Điều quan tâm nhất hiện nay là các công trình thủy điện ở Thừa Thiên - Huế đều nằm gần khu dân cư. Các con sông ở đây ngắn và dốc, khi mưa lớn sẽ gây ngập lụt nhanh cho vùng đồng bằng. Phương án giảm lũ là xả tràn các công trình hồ chứa theo kiểu so le, nhưng nếu quy trình vận hành liên hồ chứa chưa thực hiện được, các công trình thủy điện xả lũ cùng lúc thì việc gây ngập lụt cho vùng hạ lưu là điều chắc chắn.

Nhìn rộng ra cả nước, theo TS Tô Văn Trường, ngay cả các hồ chứa đã được phê duyệt thì quy trình vận hành vẫn có "lỗ hổng”. Đó là bài toán quy trình vận hành hệ thống không được xây dựng cho cả năm mà tách rời mùa cạn và mùa lũ. Quy hoạch thiết kế các hồ chứa ở ta vẫn bị chi phối lợi ích ngành và mới chỉ thực hiện cho bài toán mùa lũ. Vai trò của vận hành liên hồ khi xả lũ cũng chưa có quy định cụ thể về xử phạt khi xả sai quy trình. Nhiều đợt xả lũ vừa rồi của thủy điện không nằm trong thời gian quy định của quy trình, xả không báo trước, không theo quy luật tự nhiên, gây thiệt hại lớn cho dân cũng là dễ hiểu.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phải ban hành quy định tạm thời về quản lý, phối hợp vận hành liên hồ chứa thủy điện, thủy lợi, chủ động các phương án xả lũ hợp lý, tránh hiệu ứng kép khi lũ lớn. Song, dù quy định tạm thời vẫn cần được sự chấp thuận của Bộ TN&MT để tránh "băm nát” khi khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Nhìn lâu dài cần một Tổng chỉ huy vận hành hệ thống hồ, xóa bỏ triệt để tư duy lợi ích cục bộ trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, đặc biệt là thủy lợi, thủy điện.  Với Thừa Thiên - Huế, ngoài khẩn trương xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, cần trồng rừng nhiều hơn góp phần đảm bảo độ che phủ và chống xói lở thượng nguồn, bù đắp diện tích rừng bị phá và bị ngập do các hồ thuỷ điện gây ra...



Nguồn tin: Theo baomoi.com