Tin tức

Hành trình 5 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam Làm được những gì 10/04/2013

0
Để tiếp tục  triển khai các nội dung cụ thể của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 có hiệu quả, vừa qua, Đoàn công tác của Chính phủ do Ban Kinh tế TƯ dẫn đầu đã tới làm việc tại hầu hết các Bộ ngành liên quan đến phát triển và quản lý kinh tế biển trong đó có Bộ TNMT- cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển để đánh giá cụ thể những vấn đề đã làm được cũng như những tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới.



Bộ máy quản lý –  mởi chỉ là “vỏ”

Đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy, ban hành các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 15 đơn vị trực thuộc Tổng cục. Thành lập 64 đầu mối tại các đơn vị  trực thuộc bao gồm 53 Phòng và Văn phòng, 3 Trung tâm, 7 Đoàn và 1 Đội tàu nghiên cứu biển. Để nâng cao năng lực hiệu quả quản lý tổng hợp thống nhất về biển, hải đảo ở địa phương, Bộ TN&MT đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố có biển thành lập được 23 Chi cục Quản lý biển và hải đảo trên tổng số 28, tỉnh, thành phố có biển.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động quản lý Nhà nước theo phương thức tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo hiện nay vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt, chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ cao nhất là quản lý “tổng hợp, thống nhất” TNMT biển, hải đảo để có đóng góp tích cực vào việc phát triển ngành kinh tế biển nhanh, mạnh và bền vững. Tại một số địa phương mới hình thành Chi cục, đội ngũ những người làm công tác biển, hải đảo còn chưa nhận thức rõ công việc, nhiệm vụ cụ thể của mình là gì? Bởi lẽ tất cả các hoạt động diễn ra hàng ngày trên biển như kiểm soát ô nhiễm, khoáng sản, dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản… đều đã có các lực lượng của ngành quản lý.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu hành lang pháp luật đủ mạnh để triển khai các nhiệm vụ. Hiện cơ sở pháp lý cao nhất để Tổng cục “dựa” vào hoạt động mới chỉ là Nghị định. Do vậy, chúng ta chưa có quy định về phân cấp cũng như cơ chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước tổng hợp thống nhất về biển, hải đảo giữa trung ương và địa phương, giữa các Bộ, ngành liên quan, vì vậy, dù đã xây dựng được “hệ thống” “chân rết” ở hầu khắp các đại phương có biển song không hình thành được lực lượng chuyên trách đủ mạnh để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đang diễn ra như thế nào tại các Bộ, ngành đang khai thác tài nguyên từ biển.
Dù đã hình thành được 1 đội tài nghiên cứu biển song hiện Tổng cục vẫn đang quản lý 2 con tàu cũ có trọng tài không lớn, do vậy việc kiểm tra, giám sát trên biển rất hạn chế. Đặc biệt là dự án đóng một con tàu có “tầm cỡ” phục vụ mục đích điều tra, nghiên cứu biển và kiểm tra, giám sát vùng biển xa bờ đã hình thành từ khá lâu song đến nay vẫn chưa được đưa vào triển khai thực hiện.

Điều tra cơ bản: Tỷ lệ nhỏ, phạm vi gần

Điều tra cơ bản về TNMT biển luôn được xem là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế biển. Kết quả từ công tác điều tra cơ bản là cơ sở xác lập luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển bền vững  kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng thể chế chính sách quản lý nhà nước về TNMT biển. Chính vì vậy, đây cũng là nhiệm vụ được Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam tích cực triển khai. 5 năm qua, với việc thực hiện đề án tổng thể điều tra cơ bản TNMT biển, đã hoàn thành  20 dự án, nhiệm vụ do 7 cơ quan đơn vị thực hiện. Kết quả từ công tác điều tra cơ bản đã  bước đầu “dựng” được “bức tranh” có hệ thống về TNMT biển Việt Nam từ điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên địa hình đáy biển, địa chất khoáng sản, địa động lực, địa chất môi trường, tai biến địa chất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên vị thế, đất đai, tiềm năng cho đến việc hoàn thành thống kê và phân loại tài nguyên đất ven biển, hải đảo; tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh vật. Đặc biệt phát hiện thêm tài nguyên khoáng sản biển mới như khí hydrate…

Song xét tổng quan chung các khu vực được điều tra, nghiên cứu trên vùng biển Việt Nam thấy thể hiện rõ tâm lý “dễ làm trước, khó làm sau”, bởi  hầu hết các kết quả  điều tra này còn ở tỷ lệ nhỏ và trung bình. Công tác điều tra có hệ thống mởi chỉ được triển khai trên một số vùng biển nông dưới 100m nước và một số ít đảo lớn gần bờ, mức độ điều tra giữa các vùng biển còn khác nhau về độ chi tiết cũng như đối tượng. Cá biệt có nhiều vùng ven biển cũng chưa được điều tra đầy đủ. Các vùng nước sâu, xa bờ hoặc có tranh chấp hầu như chưa được triển khai hoặc có triển khai song kết quả chưa được như mong muốn bởi phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, thiết bị của đối tác nước ngoài…

5 năm không dài song cũng không quá ngắn để hình thành và phát triển một phương thức quản lý, hướng đất nước trở thành một cường quốc biển. Song đến nay những gì mà chúng ta làm được không ít nhưng chưa thực sự là động lực để phát triển ngành kinh tế biển. Để thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến 2020, phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mạnh từ biển và làm giàu từ biển, phải chăng cần thay đổi từ tư duy các nhà quản lý. Chúng ta phải nhận ra rằng, vì sao một đạo luật như Luật TNMT biển mà thực chất của nó là Luật Quản lý tổng hợp TNMT biển nhằm giúp đơn vị quản lý biển thực thi chính sách pháp luật ở mức cao nhất xây dựng đã rất lâu song vẫn chưa được đưa ra trình Quốc Hội? phải chăng “nó” đã “đụng chạm” vào lợi ích của rất nhiều Bộ, ngành liên quan?
 Có lẽ, chỉ khi nào chúng ra bứt được ra khỏi tư duy quản lý biển theo kiểu đất liền và mọi tính toán, hành động mang tầm vĩ mô trên đất liền đều phải nghĩ đến tác động của nó đối với biển, khi ấy, nền kinh tế biển Việt Nam mới thức sự “cất cánh”.


Nguồn tin:http://www.tainguyenmoitruong.com.vn