Tin tức

Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn: Điều chỉnh quy hoạch để bảo tồn và phát triển bền vững 14/12/2010

0
Mới đây, Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Đây là một bước ngoặt lớn cho sự phát triển KT - XH tỉnh Hà Giang đồng thời cũng là thách thức cho sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái, cảnh quan nơi đây. Nhân sự kiện này, Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông.


Xin ông cho biết đôi nét về Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn?

Cao nguyên đá vôi Đồng Văn với diện tích hơn 2.300 ha, rất giàu các giá trị thiên nhiên và văn hóa. Hiện đã nghiên cứu, xác định được 5 di sản độc lập và 2 khu vực di sản phức hợp phản ánh rõ nét sự tiến hóa vỏ trái đất đặc trưng cho đới nền động bị biến cải mạnh trong đại Palezoi sớm giữa. Ngoài ra, Cao nguyên là nơi tập trung cao nhiều giá trị địa chất, địa mạo. Có khoảng gần 40 loại đất đá có thành phần hóa học khác nhau và được hình thành trong các thời gian, môi trường và các miền cổ địa lý khác nhau đã được xác nhận có mặt ở Hà Giang, nhiều loại có niên đại trên 600 triệu năm tuổi. Đồng thời, Cao nguyên cũng là nơi sinh sống của gần 20 dân tộc anh em với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Bên cạnh đó, vùng đất này còn rất đa dạng về các thể loại thạch địa tầng, các loại hình khoáng sản và sự đa dạng cổ sinh vật học với hàng nghìn loại thuộc 120 giống của 17 nhóm sinh vật.

Việc công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu khẳng định một di sản Địa chất mang tầm thế giới cần phải bảo tồn gìn giữ và phát triển một cách hợp lý.

Định hướng phát triển của Hà Giang về khu vực Cao nguyên đá sẽ có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

Do việc công nhận mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu có thời hạn 4 năm, thời gian không dài, trong lộ trình 4 năm, Hà Giang định hướng khai thác phục vụ mục đích phát triển KT - XH phải gắn với bảo tồn một cách hợp lý để phát triển bền vững, đảm bảo môi trường và văn hóa truyền thống. Tỉnh đang dự kiến phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Nhóm cố vấn UNESCO hoàn thành quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho 4 huyện thuộc địa bàn Cao nguyên đá, mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2011. Trước đây các huyện đã có quy hoạch nhưng là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đơn thuần nhưng giờ đây phải điều chỉnh phù hợp với định hướng, tiêu chí, mục tiêu của công viên địa chất, nếu không sẽ phá hủy cảnh quan, môi trường sinh thái. Sau đó, tỉnh sẽ tổ chức thu hút, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.



Tuy nhiên, lo ngại lớn của Hà Giang là do mặt bằng dân trí khu vực Cao nguyên còn  thấp so với mặt bằng của cả tỉnh. Bên cạnh đó, còn một số đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn gây tác động tiêu cực tới môi trường và cảnh quan.

Hà Giang sẽ phải có kế hoạch như thế nào để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đối với Công viên Địa chất từ phía người dân cũng như việc khai thác khoáng sản ?

Do tập quán truyền thống sống dựa vào thiên nhiên (đốt rừng làm nương, đập đá làm nhà, làm tường rào...) người dân tác động nhiều hơn vào môi trường sinh thái. Theo kế hoạch, Hà Giang  phải bảo tồn và khai thác có định hướng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời, bảo tồn di sản. Tỉnh dự định xây dựng các  làng nghề, làng văn hóa, khu du lịch nhằm đảm bảo lợi ích người dân địa phương. Trước mắt, tỉnh đẩy mạnh các dự án hỗ trợ trồng rừng, khuyến nông, cấp nước sạch để nâng cao đời sống người dân... Cụ thể, hiện nay Hà Giang đang xây dựng 69 hồ chứa nước với khối lượng từ 3000m3 - 10.000 m3, trong đó, có 39 hồ đang được sử dụng, 40 hồ còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2011.

Về  khai thác khoáng sản trên địa bàn, với các đơn vị đã được cấp phép trước đây tỉnh sẽ tiến hành thanh, kiểm tra xem xét việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm tra toàn bộ các dây chuyền chế biến và tác động của nó đối với môi trường. Nếu dây chuyền lạc hậu, ảnh hưởng lớn tới môi  trường thì sẽ tiến hành thu hồi giấy phép.

Hà Giang chủ trương không cấp mới các giấy phép khai thác khoáng sản do ảnh hưởng tới môi trường cho đến khi hoàn thành quy hoạch tổng thể, có ý kiến của các cố vấn UNESCO. Tuy nhiên, vẫn có thể làm các dự án thủy điện khi có những đánh giá cụ thể về tác động môi trường để khai thác và bảo đảm nguồn nước ngọt, xây dựng các hồ chứa cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Hiện nay, tỉnh có 25 thủy điện được cấp phép trong đó 4 công trình đã đi vào hoạt động.

Xin cảm ơn ông !

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn