Tin tức

Thị trường bất động sản Việt Nam còn thiếu minh bạch 30/11/2010

0
"Bên cạnh những thành công, thị trường bất động sản Việt Nam còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết; tính minh bạch trong tất cả các khâu từ đầu tư, tạo lập bất động sản đến giao dịch, mua bán, chuyển nhượng còn nhiều hạn chế".

Đó ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại Hội thảo "Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản - kinh nghiệm thế giới và lựa chọn cho Việt Nam" với chủ đề "Phát triển đô thị bền vững từ góc độ thị trường bất động sản châu Á".

Thị trường địa ốc thiếu bền vững và ổn định

Thị trường bất động sản Việt Nam mới hình thành và phát triển hơn 10 năm, nhưng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến tháng 7/2010, tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 210.770 tỷ đồng, tương đương trên 10 tỷ USD, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tính đến cuối năm 2009, cả nước đã có gần 500 dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký trên 40 tỷ USD.

Hiện cả nước có trên 2.500 dự án nhà ở và kinh doanh bất động sản khác, với diện tích đất khoảng 80.000 ha, đã và đang triển khai xây dựng. Tại Hà Nội có trên 800 dự án với diện tích đất khoảng 75.189 ha; TP.HCM trên 1.400 dự án; Hải Phòng khoảng 260 dự án. Bất động sản công nghiệp phát triển mạnh với 249 khu được thành lập có diện tích đất khoảng 63.173 ha.

Hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất những năm gần đây diễn ra rất sôi động, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Tỷ lệ tăng trưởng nhà ở đô thị bình quân hằng năm đạt trên 15%. Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc năm 2009 là 16,7m2/người; khu vực đô thị là 19,2 m2/người; khu vực nông thôn là 15,7m2/người.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nam, tình trạng đầu cơ, mua bán ngầm, trốn lậu thuế còn khá phổ biến, dẫn đến hoạt động của thị trường thiếu bền vững. Giá cả bất động sản vẫn quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Cần có "bàn tay" của Chính phủ

GS Habibullah Khan - Chủ nhiệm chương trình đào tạo giáo sư kinh tế thuộc Tổ hợp giáo dục Singapore, cố vấn Ngân hàng Thế giới, khẳng định chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong thị trường bất động sản. "Việc kiểm soát bong bóng nhà ở, bất động sản cần có bàn tay chính phủ", ông nói.

Theo GS, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra tại Mỹ có nguyên nhân từ khủng hoảng nợ ngân hàng đối với thị trường nhà đất, dẫn đến phá sản hàng loạt "người khổng lồ" ngân hàng. Công cụ cho vay tín dụng quá rộng rãi từ các ngân hàng đã làm bùng nổ thị trường bất động sản. Chính vì thất bại trong việc kiểm soát tăng trưởng của "bong bóng" nhà đất mà giá nhà đất tại Mỹ bị đẩy lên cao, giá nhà trung bình tại Mỹ đã tăng gấp 5 lần trong vòng 16 năm qua. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới này.

Ông Khan chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Singapore, nước này không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn bên ngoài, đặc biệt là ODA. Singapore từ chối tiếp nhận ODA, mà chỉ thu hút FDI. Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập nhà ở cho người dân. Ở Singapore, 82% dân cư sống trong các căn hộ công và 90% dân số được sở hữu nhà ở.

GS Stepphen Mar WingKai đến từ Hong Kong (Trung Quốc) chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào có thể giảm đầu cơ. Theo GS, đặc khu hành chính này, dù có bán nhà lỗ cũng phải trả thuế giao dịch. Mục đích của thuế là tránh giao dịch đầu cơ, giảm lượng đầu cơ trên thị trường nhà ở và bất động sản.

Đối với việc quản lý bất động sản, GS cho rằng, Hong Kong có 2 nhóm bất động sản: bất động sản công và do tư nhân sở hữu. Đối với thị trường bất động sản tư nhân, Hong Kong không kiểm soát, trừ khi thực hiện những chính sách và biện pháp nhằm bình ổn thị trường khi giá quá cao hoặc quá thấp.

Lựa chọn cho Việt Nam

Để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đề xuất mô hình thích hợp cho Việt Nam, đó là tạo lập quỹ tiết kiệm nhà ở.

Mỗi người hưởng lương sẽ dành khoảng 1% lương hằng tháng, bất kể là người đã có nhà hay chưa có nhà, khi về hưu sẽ được hoàn trả lại. Đây sẽ là nguồn tài chính lớn để tạo quỹ nhà cho những người thu nhập thấp chưa đủ sức tự lo nhà ở. Theo GS Khan, Nhà nước cần phải giữ vai trò tích cực để tạo ra các cộng đồng đô thị bền vững và thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả của khu vực công. Theo đó, tất cả các dự án phải bền vững về tài chính, nguồn tài chính nước ngoài (nếu có) phải được tận dụng đúng để tránh các khả năng phá sản. GS Khan nhấn mạnh: "Nhà ở và bất động sản phải được coi là hành động tiêu dùng hơn là đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, phải giới hạn cho các nhóm thu nhập thấp trong xã hội, tránh để nhóm lợi ích đầu cơ".

Nguồn tin:www.monre.gov.vn