Tin tức

Thị trường bất động sản: Chờ một sức bật mới 27/04/2011

0
Đã gần hết tháng đầu của quý II/2011, nhưng những động thái về một thị trường BĐS khởi sắc dường như vẫn còn ở khá xa. Có thể thời điểm này các nhà đầu tư đang "đuối sức" sau một cuộc chạy đua dài, hoặc cũng có thể, đây là thời điểm "nằm chờ" để chuẩn bị cho một cuộc đua mới.

Áp lực đọng hàng

Một thời gian dài, tại HN, lượng giao dịch BĐS tăng chủ yếu liên quan đến các công trình giao thông có triển vọng như đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Láng - Hòa Lạc, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài... Giá đất tại Dương Nội (khu đô thị mới của Nam Cường) được "quát" tới 60-70 triệu/m2. Tại Văn Khê (Hà Đông), mức giá cũng tăng 10 - 15% so với  hồi cuối quý I. Nhưng đến cuối quý I, đầu quý II vừa qua, các giao dịch đã chuyển đến nhiều hướng khác nhau như Đông Anh, Gia Lâm… Các khu vực phía Bắc và Đông Bắc Hà Nội đất nền được nhiều người săn tìm.



Tóm lại, thị trường nhà đất tại HN có ấm lên trong tháng đầu quý II, nhưng không diễn ra trên diện rộng, mà chỉ diễn ra tại một số khu vực có thông tin về cơ sở hạ tầng được triển khai, không quá xa trung tâm. Ngược lại, các thông tin từ TP.HCM cho hay, thị trường sôi động trở lại, xong giá không mấy thay đổi so với quý I. Thị trường BĐS có tính chu kỳ do thường có độ trễ giữa cung và cầu bởi thời gian tạo lập BĐS kéo dài (thời gian xây dựng). Và có lẽ, đây cũng đang là thời điểm cho một chu kỳ mới.

Nhiều nhà đầu tư khu vực phía Nam, ngay đầu năm 2011, họ đã phải đối mặt với việc trả nợ ngân hàng. Khi giá nhà đất đứng, giao dịch cầm chừng thì họ càng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn để trả nợ, nếu không tài sản sẽ bị ngân hàng phát mãi. Có thể nói, ở cả hai khu vực BĐS sôi động nhất cả nước đều đang chịu áp lực về giá bán và đẩy hàng.

Khó khăn còn nhiều

Ở một chiều hướng khác, việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán để phát triển các dự án bất động sản cũng bế tắc vì chứng khoán cũng đang bấp bênh. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, các nhà đầu tư trong nước khó có thể tính tới giải pháp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài như chuyển nhượng dự án, liên kết kinh doanh. Ngay như dự án Kengnam, hồi đầu năm, nhà đầu tư dự án này cũng đã phải có văn bản xin đề nghị điều chỉnh tăng vốn điều lệ, vốn đầu tư dự án; điều chỉnh tiến độ góp vốn, tiến độ thực hiện dự án… Như vậy, khó khăn về vốn cho thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2011 sẽ còn cao. Theo đánh giá của các chủ đầu tư, trong năm 2011, những dự án nhỏ, trực tiếp phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân có nhiều cơ hội phát triển hơn. Còn với những dự án lớn, nhà ở cao cấp, phải những dự án nào thật sự hiệu quả mới có cơ hội.

Đến thời điểm này vẫn chưa có một nhận định cụ thể nào cho thị trường BĐS vốn đầy biến động thời gian qua. Những dang dở trên thị trường BĐS hiện nay cho thấy sự mất cân đối trầm trọng ở rất nhiều góc độ, rất cần một sự điều tiết kịp thời ở tầm vĩ mô. Sự nóng - lạnh của thị trường BĐS ở nước ta đã và sẽ còn tiếp tục chịu ảnh hưởng đậm nét của sự nhận thức và kỹ thuật thích ứng của nhiều cấp quản lý, của các doanh nghiệp và người dân về vai trò, cơ chế  và xu hướng vận động của thị trường BĐS mà các hoạt động đầu cơ, tâm lý "bầy đàn", "hiệu ứng đám đông", vừa có tính a dua phong trào, vừa có tính nghe ngóng xem sao trong việc mua bán BĐS chính là kết quả, là thước đo của mức độ nhận thức và thích ứng này.

Thị trường BĐS, như một quả bóng, khi rơi xuống chạm đất, sẽ bắt đầu cho một cú nẩy mới, tăng dần lên theo đà tăng trưởng của nền kinh tế. Những chính sách quản lý của Nhà nước dần thấm vào thực tiễn, thị trường tiền tệ dần ổn định, sức mua dần tăng mạnh đang được hy vọng là những yếu tố làm cho thị trường bất động sản quý II dần dần hồi phục và đi đúng quỹ đạo của nó.

Cẩm Tú

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn