Tin tức

Triển khai chương trình EMAP: Góp phần thực hiện chính sách đất đai với đồng bào DTTS 02/08/2011

0
Chương trình EMAP là “Kế hoạch hành động dân tộc thiểu số (DTTS)” thuộc Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (QLĐĐ) Việt Nam” (còn gọi là VLAP). Mục tiêu chính của Chương trình là nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân trong quá trình triển khai Dự án VLAP. Chương trình này đang được chính quyền các địa phương và ngành chức năng của tỉnh Bình Định nỗ lực triển khai.

Chương trình EMAP sẽ giúp đồng bào DTTS tiếp cận thuận lợi với hệ thống thông tin đất đai và được hưởng những lợi ích kinh tế - xã hội phù hợp với đặc tính văn hóa của mình.

Chương trình đậm tính nhân văn

Bình Định là một trong chín tỉnh, thành phố của Việt Nam được chọn tham gia Dự án VLAP. Mục tiêu của Dự án là nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống QLĐĐ trên địa bàn, tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với hệ thống thông tin đất đai, trong đó, có những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào DTTS.

Ông Đặng Trung Thành, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Phó Ban Quản lý Dự án VLAP tỉnh, cho biết: Đồng bào DTTS thuộc nhóm khách hàng sử dụng dịch vụ đất đai cần có sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, đây là đối tượng dễ bị tổn thương, thường gặp những rào cản về ngôn ngữ, đồng thời khó khăn khi tiếp cận với các nguồn thông tin nên bị hạn chế về sự tham gia của họ vào chương trình, dự án, cũng như những lợi ích mà chương trình, dự án đem lại. Đặc điểm của đồng bào DTTS là thường sống riêng biệt theo từng cộng đồng làng bản, vì vậy, việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng người DTTS vào quá trình thực hiện Dự án VLAP là rất cần thiết. Chương trình EMAP của Dự án VLAP tỉnh Bình Định đã đề ra các biện pháp giải quyết nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân trong quá trình triển khai dự án trên cơ sở thống nhất với chính sách của Chính phủ Việt Nam liên quan đến đồng bào DTTS, cũng như chính sách hoạt động về người DTTS của Ngân hàng Thế giới.

Cũng theo ông Đặng Trung Thành, trên cơ sở kết quả đánh giá xã hội và tham vấn cộng đồng DTTS bị ảnh hưởng, Dự án VLAP tỉnh đưa ra các phương pháp nhằm đảm bảo rằng: Đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ được hưởng những lợi ích kinh tế - xã hội phù hợp với đặc tính văn hóa của họ; khi nhận thấy khả năng có ảnh hưởng bất lợi, sẽ phải có biện pháp hạn chế tối đa, giảm thiểu hoặc đền bù (nếu có) cho những ảnh hưởng đó. Dự án VLAP tỉnh sẽ công bố Dự thảo EMAP tới cộng đồng người DTTS bị ảnh hưởng theo một cách thức và ngôn ngữ phù hợp...

Nỗ lực thực hiện

Có thể nói, Chương trình EMAP có ý nghĩa quan trọng và mang đậm tính nhân văn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án VLAP nói chung và Chương trình EMAP nói riêng, góp phần hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống QLĐĐ trên địa bàn, tăng cường sự tiếp cận của đồng bào DTTS đối với hệ thống thông tin đất đai, đảm bảo người DTTS bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ được hưởng những lợi ích kinh tế - xã hội phù hợp.

Theo ông Đỗ Đình An, Trưởng Phòng TN&MT huyện An Lão, địa bàn huyện miền núi có những đặc thù riêng nên phương pháp triển khai thực hiện chương trình kế hoạch EMAP cũng khác. Chẳng hạn, việc thành lập tổ công tác, không thể “rập khuôn” mô hình: Lãnh đạo xã - Tư pháp - Địa chính - Phụ nữ, mà phải có già làng, trưởng bản tham gia. Ngay như việc giải quyết tranh chấp đất đai của đồng bào cũng phải có già làng tham gia hòa giải. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất với khu vực miền núi là trình độ dân trí, sự hiểu biết về pháp luật của đồng bào còn hạn chế và trình độ của cán bộ xã cũng có hạn.

Trước đặc thù và những hạn chế của các huyện miền núi, trước mắt, Ban Quản lý Dự án VLAP tỉnh sẽ triển khai một số hoạt động như: Lập các nhóm tham gia cộng đồng ở xã; tổ chức hội thảo; tập huấn, đào tạo cán bộ ở cơ sở; họp dân để tuyên truyền, giới thiệu về chương trình, kế hoạch; lên sơ đồ và công bố địa điểm đo đạc, mốc giới, chia tách thửa, chuyển nhượng… Đồng thời, Ban Quản lý Dự án sẽ hỗ trợ các địa phương tập huấn cách tiếp cận đồng bào DTTS, đào tạo cán bộ là người DTTS; xác định rõ việc tách đất ở, hạn mức đất ở, miễn giảm thuế cụ thể ra sao; với hộ ở trên đất nông nghiệp, đất tự khai hoang thì như thế nào; hay việc xử lý đối với hộ chưa ở ổn định, đất của làng...

Ban Quản lý Dự án VLAP tỉnh sẽ phân công một cán bộ chịu trách nhiệm làm đầu mối về các vấn đề xã hội và đôn đốc nhóm thực hiện dự án cấp huyện triển khai thực hiện Chương trình EMAP. Đồng thời, Ban Quản lý tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các nhóm tư vấn cộng đồng cấp tỉnh, huyện tổ chức họp đồng bào DTTS để lấy ý kiến cộng đồng, giám sát mức độ chấp nhận, mức độ hài lòng của cộng đồng đối với các dịch vụ QLĐĐ ở các địa phương tham gia dự án…

Qua kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, trên địa bàn tỉnh ta hiện có 31 DTTS sinh sống, gồm 8.006 hộ, với 34.551 người, chiếm 2,3% dân số toàn tỉnh. Trong số này chủ yếu là 3 dân tộc: Bana, Chăm, H’re (gồm 32.712 người, chiếm 2,2% dân số toàn tỉnh, cư trú ở 113 làng/22 xã).

Tại Bình Định, đồng bào DTTS sống tập trung ở 3 huyện miền núi: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão và một phần ở 3 huyện: Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát. Nét đặc trưng của các DTTS ở tỉnh ta là thường tụ cư riêng rẽ, biệt lập, ít xen cư với nhóm dân tộc khác. Hiện tượng cư trú hỗn hợp giữa các nhóm DTTS khác nhau chủ yếu xuất hiện từ nửa sau của thế kỷ XX, nhất là sau năm 1975.

Viết Hiền

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn