Tin tức

Góc nhìn đa chiều về FDI bất động sản 25/05/2011

0
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản trong mấy tháng qua sụt giảm so với cùng kỳ mấy năm trước song tính chung lại, vốn "ngoại" đã đổ không ít vào lĩnh vực này. Đã có những ý kiến băn khoăn thậm chí lo ngại về vấn đề này bởi những hệ lụy của nó.

Thế nhưng, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại có góc nhìn đa chiều hơn. Ông cho rằng, với mục tiêu công nghiệp hóa  đã có những dự án đầu tư vào khu vực công nghiệp, xây dựng rồi, còn đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa rất cần những dự án đầu tư vào bất động sản. Bởi lẽ, để chỉnh trang lại các khu đô thị, dịch vụ, du lịch, khách sạn rất cần nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Những dự án bất động sản vốn "ngoại" ngoài việc đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa, còn đem đến cho chúng ta công nghệ mới, cách quản lý mới về xây dựng và quản lý.


Nhiều nhà đầu tư "ngoại" dùng vốn vay tại Việt Nam để thực hiện dự án

Đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân và thu hút khách quốc tế, Việt Nam không thể không có thêm những dự án khách sạn hiện đại. Việt Nam có rất nhiều bãi biển đẹp nhưng dịch vụ lại không tốt, cơ sở dịch vụ kém. Cửa Lò là một ví dụ, hay Thiên Cầm cũng rất đẹp nhưng cơ sở dịch vụ chỉ là nhà cấp 4 hay khách sạn 1 sao, dịch vụ không có gì. TS. Phan Hữu Thắng đặt câu hỏi "Tại sao Hội An, Bình Thuận, Nha Trang lại thu hút được khách quốc tế, bởi lẽ những nơi này có dấu ấn của doanh nghiệp FDI. Còn Cửa Lò, Sầm Sơn, Thiên Cầm tất nhiên cũng có những vấn đề khác nhưng đầu tư nước ngoài vào đó rất ít.

Mặc dù vậy, TS. Phan Hữu Thắng cũng lưu ý sự khác biệt giữa những dự án đầu tư vào khách sạn và bất động sản là nhà ở khu đô thị. Trong lĩnh vực bất động sản, theo TS. Thắng nên quản lý thật chặt những dự án về nhà ở khu đô thị, nhà ở còn những lĩnh vực khác như khách sạn thì nhà đầu tư phải bỏ rất nhiều tiền để đầu tư. Thực tế hiện nay, bất động sản nhà ở, khu đô thị của các nhà đầu tư "ngoại" có chuyện nhà đầu tư không đầu tư bằng tiền của mình mà dùng vốn vay ngay tại Việt Nam để thực hiện dự án.

Mức sống của người dân ngày càng cao, tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn, bởi thế không nên hạn chế và luật cũng không hạn chế đầu tư vào nhà ở đô thị mà chỉ nên kiểm soát thôi. Hiện nay, hàng loạt khu đô thị mọc lên như nấm, cần phải có quy hoạch đô thị. Các địa phương phải tuân thủ quy hoạch, quản lý tiến độ cam kết thực hiện của nhà đầu tư. "Điều cần làm chính là phải làm rất chặt chẽ để nhà đầu tư phải đầu tư bằng chính tiền của họ, chính sách quản lý nếu không chặt thì nhà đầu tư sẽ lách", TS. Thắng nhấn mạnh. Còn lĩnh vực khách sạn thì nhà đầu tư phải thực sự bỏ tiền ra đầu tư, thời gian thực hiện dài hơn, bỏ tiền nhiều năm mới thu hút khách được. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có quy hoạch về phát triển khu du lịch, khách sạn 5 sao. Khi cấp phép dự án, các địa phương phải hết sức thận trọng, khi thấy dự án không khả thi thì không cấp phép. Trước tiên, phải tuân thủ theo quy hoạch, căn cứ vào khả năng của nhà đầu tư, khả năng giải phóng mặt bằng, cấp đất của địa phương.

Trong những năm vừa rồi, đầu tư vào bất động sản khá mạnh, cùng với đó là sự phát triển của những công trình nhà ở, khách sạn hiện đại. Nhìn xa hơn, nhu cầu cho lĩnh vực này vẫn còn rất lớn và đang hứa hẹn sinh lời nên sẽ còn có sức hút lâu dài với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong tương lai, chắc chắn câu chuyện thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản sẽ phải theo chiều hướng khác.

Hồi tưởng về những ngày đầu của dự án Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng của Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư - một trong những nhân chứng lịch sử của quá trình hơn 20 năm thu hút FDI của Việt Nam, tâm sự, khi đó, nhiều ý kiến đã cho rằng, nhà đầu tư lợi quá nhiều, còn ta được ít. Thời điểm đó, là trước năm 1993, khi mà vị Chủ tịch quá cố của Công ty Phú Mỹ Hưng, ông Ferdinand P.Tsien tới Việt Nam đặt vấn đề xây dựng thành phố tại vùng đầm lầy phía Nam TP. Hồ Chí Minh ít người nghĩ đến việc có thể xây dựng được một thành phố như vậy cùng với 17,2 km đường, khu chế xuất Tân Thuận. Kết quả là, một khu đô thị đẹp, hiện đại nhất Việt Nam đã thành hình.

"Về lợi nhuận, họ có quyền được hưởng vì họ có ý tưởng, có tiền, trong khi ta không có gì cả. Bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những dự án như vậy. Có nghĩa là, với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bất động sản, chúng ta phải đòi hỏi cao hơn, đòi hỏi họ đem đến những gì ta chưa có như cách đây gần 20 năm, Phú Mỹ Hưng đã đem đến TP. Hồ Chí Minh", GS.TS KH. Nguyễn Mại bộc bạch.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn