Tin tức

Giảm đất lúa là làm nghèo kiệt đất nước 21/10/2011


Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT). Theo ông Ngọc suy nghĩ không cần giữ đất lúa là suy nghĩ giết chết người nông dân. Đừng thấy lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của đất nước. Đừng thấy giá trị hiệu quả trên 1 hecta đất chuyển đổi nông nghiệp mà quên đi nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm dân tộc Việt Nam mới có được. Đừng thấy đồng tiền đút túi của một bộ phận người mà quên đi lợi ích của hàng triệu người dân.

- Ở góc độ quản lý Nhà nước về lĩnh vực trồng trọt, theo ông việc thu hẹp diện tích đất lúa ảnh hưởng như thế nào tới ngành nông nghiệp và đời sống người dân?

 Mỗi năm sản xuất lúa gạo đóng góp 7 triệu tấn gạo xuất khẩu, mang lại giá trị 3 tỉ USD, góp phần ổn định vĩ mô cho đất nước. Bây giờ nước ta còn đang dư thừa gạo thóc nhưng tư duy của chúng ta phải mang tính lâu dài. Dân số nước ta đang tăng lên, hiện nay là trên 87 triệu dân nhưng dự báo đến năm 2020 dân số là 100 triệu dân, đến năm 2050 là 120 triệu dân. Nếu thu hẹp đất lúa lúc đó người dân sống bằng cái gì?

Hơn nữa, nếu thu lại đất lúa mà dùng sang việc khác, sau này để cải tạo đất đó thành đất trồng lúa phải mất hàng nghìn năm. Tại sao chúng ta không để ý đến chuyện đó? Tại sao không đưa khu công nghiệp vào vùng ven biển, đồi núi? Tại sao lại xây nhà, biệt thự ở đất lúa làm giảm diện tích sản xuất? Đấy là chưa kể Việt Nam được dự báo là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nhất là hai đồng bằng lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Nếu theo kịch bản nước biển dâng lên khoảng một mét, chúng ta sẽ trồng lúa ở đâu?

Kết luận 53/KL-TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đều xác định, trong sản xuất nông nghiệp phát huy lợi thế của cây lúa là chính và kiên quyết mục tiêu giữ 3,8 triệu hecta đất lúa cho đến năm 2020.

Hiện nay, mỗi khi tỉnh nào xảy ra nạn đói, Chính phủ vẫn hỗ trợ gạo cứu đói. Nếu không có đất lúa, không có sẵn lương thực trong nước sẽ phải xuất ngoại tệ đi mua gạo. Do đó, thu hẹp đất lúa chính là suy nghĩ làm cho người dân, đất nước nghèo đi và giết hại tương lai.

- Nhưng có ý kiến cho rằng, hiện năng suất lúa của chúng ta đang tăng và nhu cầu sử dụng gạo trong bữa ăn ít đi nên không nhất thiết phải giữ diện tích đất lúa như hiện nay. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Đúng là hiện nay năng suất lúa đang tăng và cơ cấu dinh dưỡng của người dân có sự thay đổi theo hướng giảm tinh bột, tăng thịt, rau, cá. Tuy nhiên, muốn dùng nhiều thịt, cá cũng cần phải có lương thực để chăn nuôi. Hơn nữa, vấn đề đáng bàn là để tạo ra được giống có năng suất cao cần rất nhiều thời gian mà năng suất giống cây trồng là có giới hạn chứ không phải vô hạn. Đất đai có giới hạn trong khi dân số có ngày càng gia tăng. Rõ ràng đứng trước bài toán đó, việc giữ diện tích đất lúa là rất cần thiết.

- Nghĩa là theo ông vẫn phải giữ ổn định diện tích lúa như hiện nay ?

Đúng vậy. Tuy nhiên, chúng ta không nên máy móc bằng mọi cách để giữ khư khư đất lúa mà không phát triển đô thị, giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội. Hiện nay cả nước có 4,1 triệu hecta đất lúa nhưng theo tính toán của Cục Trồng trọt, vẫn có khoảng 300.000ha đất bị lấy đi phục vụ cho các dự án công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Vấn đề đặt ra là đã đến lúc phải sử dụng một cách cực kỳ tiết kiệm, căn cơ và hiệu quả quĩ đất hiện có, nhất là giữ được diện tích đất chuyên lúa (2 vụ). Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển của đất nước và an ninh lương thực cho các thế hệ tương lai.

 
- Xin cảm ơn ông !

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn