Tin tức

Cần khẩn trương sửa đổi luật đất đai 12/11/2012

0
Theo các Đại biểu, hai vấn đề còn tồn đọng cần giải quyết ngay và triệt để nhằm hạn chế những khiếu kiện và tố cáo liên quan đến đất đai là Luật đất đai hiện hành còn nhiều hạn chế và một bộ phận cán bộ làm sai gây bức xúc cho người dân.

Các đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang), Huỳnh Văn Tiếp (đoàn TP Cần Thơ) bày tỏ bức xúc trước thực tế có hơn 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai và trở thành hiện tượng phổ biến trong cả nước, ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và đời sống của nhân dân.

Hiện nay, ngoài các đạo luật: đất đai, khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính, còn có trên 20 đạo luật và nhiều văn bản Chính phủ, các bộ, ngành có nội dung điều chỉnh quan hệ liên quan đến đất đai. Các văn bản này ban hành ở những thời điểm khác nhau nên còn có sự chồng chéo, một số quy định phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn, thiếu ổn định, tính khả thi không cao. Một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn thì chưa được quy định.

Chỉ ra sự bất cập trong công tác này, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), cho rằng, sự bất cập giữa các chính sách, pháp luật về đất đai, sự thiếu ổn định của các chính sách và có hiện tượng các văn bản về lĩnh vực này “đá nhau” như chính sách đền bù trước ít, sau nhiều. Hai địa phương cách nhau một con mương nhưng chính sách đền bù chênh lệch nhau đến 5 lần.

Bên cạnh đó, có sự mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo với các quy định của một số đạo luật chuyên ngành liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa đầy đủ, chưa kịp thời.
Do đó các đại biểu đề nghị Quốc hội sửa đổi những quy định của Luật Đất đai và các luật khác có nội dung điều chỉnh liên quan đến đất đai một cách đồng bộ.

Các đại biểu cũng phân tích chỉ ra các nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai trong thời gian vừa qua. Đó là cán bộ làm công tác này vừa thiếu, vừa yếu, có nơi có lúc nhiều cán bộ còn bàng quan, thơ ơ, thiếu trách nhiệm với quyền và lợi ích của dân, có hiện tượng lợi ích nhóm, dòng họ, cố ý làm sai lệch hồ sơ đất đai để trục lợi khi giải quyết…
Bên cạnh đó, kỷ cương kỷ luật hành chính chưa nghiêm, có vụ việc cấp trên chỉ đạo nhưng cấp dưới chậm trễ hoặc không chấp hành. Có hiện tượng né tránh, đùn đẩy khi công dân khiếu nại, tố cáo.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng Báo cáo giám sát cũng chưa đánh giá được sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Vì vậy, việc sửa đổi các văn bản về giải quyết khiếu nại, tố cáo cần toàn diện như sửa Luật Đất đai cùng các văn bản khác.



Nguồn tin:Theo Vietbao.vn