Tin tức

Quốc hội thảo luận Kế hoạch sử dụng đất tới năm 2015 14/11/2011

0
Sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Kế hoạch sử dụng đất tới năm 2015, quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và việc triển khai dự án 5 triệu ha rừng.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến năm 2015, diện tích đất khu công nghiệp (KCN) sẽ là 150.000 ha (tăng gần 80.000 ha so với hiện nay) và năm 2020 sẽ là khoảng 200.000 ha để đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH của đất nước.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị cần sớm xây dựng Luật Quy hoạch (tránh tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quy hoạch nói chung và đất đai nói riêng) trong quản lý quy hoạch đất đai. Khi chưa thể có ngay luật thì Chính phủ có thể ban hành tiêu chí thực hiện Quy hoạch.


ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: Chinhphu.vn

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa- Vũng Tàu) kiến nghị khi thực hiện Quy hoạch thì Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương phải gắn kết chặt chẽ quy hoạch đất với kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch bảo vệ môi trường để tránh việc vỡ kế hoạch sử dụng đất, gây ảnh hưởng đến mục tiêu chung.

Đối với đất diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm trong 10 năm tới xuống mức 3,8 triệu ha, các đại biểu đề nghị Nhà nước cần phải quan tâm hơn nữa và thực hiện tốt tới chính sách đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa cũng như những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn để họ giữ ruộng, đảm bảo an ninh lương thực.

Một số ý kiến đại biểu tại hội trường cũng kiến nghị cần tăng thêm diện tích đất dùng cho giáo dục, y tế, văn hóa…
 
Đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng

Về dự án 5 triệu ha rừng (được thực hiện từ năm 1997 đến 2010), các đại biểu đều đồng ý kết thúc dự án này để chuyển sang giai đoạn bảo vệ và phát triển rừng trong 10 năm tới.

Với dự án 5 triệu ha rừng, độ che phủ rừng của ta hiện nay đã đạt 39,5% diện tích đất tự nhiên, tuy không đạt chỉ tiêu là che phủ 40% nhưng cũng là con số đáng mừng khi tỷ lệ này đã giảm trong thời gian qua tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Tuy nhiên, các đại biểu vẫn đặt ra yêu cầu cao hơn nữa về việc đảm bảo chất lượng rừng cũng như tính đa dạng sinh học của rừng.
Một số đại biểu đề nghị cần hạn chế phá rừng tự nhiên để trồng rừng hoặc các cây khác. Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cho biết rừng tự nhiên cũng có khu vực không phải là rừng giàu tự nhiên, nên có thể nghiên cứu để chuyển sang rừng trồng, rừng sản xuất phục vụ cho công nghiệp chế biến lâm sản, tránh lãng phí.

Cùng với đại biểu Đồng, các đại biểu Quốc hội khác đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc giao đất, giao rừng cho người dân để giúp họ ổn định, phát triển đời sống, đồng thời tăng cường nguồn lực bảo vệ rừng.

Liên quan đến việc bảo vệ rừng, một số đại biểu tại hội trường cũng kiến nghị tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất cho lực lượng kiểm lâm, nhất là kiểm lâm cơ sở để lực lượng này phát huy hơn vai trò nòng cốt bảo vệ rừng, hạn chế lâm tặc…

Việc phân giới, cắm mốc rừng cũng cần phải được quan tâm thực hiện nhằm tránh tranh giành đất rừng giữa các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình liên quan và cũng để tăng cường năng lực bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

Đối với nguồn vốn thực hiện việc bảo vệ, phát triển rừng trong 10 năm tới, đại biểu Minh Thắm (Lâm Đồng) cho rằng Chính phủ cân đối ngân sách hợp lý để thực hiện hiệu, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện để tránh những thất thoát không đáng có.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn