Tin tức

Hội thảo “Những vấn đề về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn hiện nay” 11/04/2013

0
Ngày 11/4/2013, tại TP.Cần Thơ, Tạp chí Cộng sản và Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn “Những vấn đề về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn hiện nay”. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV.


Tham dự tọa đàm còn có khoảng 150 đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV, một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành, cơ quan ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đọc Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Hội thảo “Những vấn đề về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn hiện nay” nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) của Đảng và góp phần cung cấp những luận chứng khoa học cũng như thực tiễn cho việc đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, trước mắt là đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). PGS.TS Vũ Văn Phúc gợi ý các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích bốn vấn đề lớn:

Một là, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng ta, Nhà nước ta về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cơ sở lý luận và thực tiễn của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta. Hai là, đánh giá mặt được, mặt chưa được trong cơ chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đai trong những năm gần đây; tác động của những cơ chế, chính sách này và những vấn đề đang đặt ra. Kinh nghiệm của các quốc gia trong vấn đề sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai. Ba là, một số yêu cầu đối với vấn đề sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Bốn là, những giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai.

Trao đổi về vấn đề sở hữu đất đai, đa số ý kiến đại biểu tại hội thảo cho rằng cần kiên định thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam. Việc xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là khẳng định quyền của toàn dân đối với việc định đoạt, khai thác, sử dụng, phát triển và bảo vệ đất đai và các tài sản gắn liền với nó theo cơ chế dân chủ. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai còn tạo điều kiện để các cộng đồng dân cư tham gia vào việc định đoạt, khai thác, sử dụng và hưởng lợi từ đất đai, đồng thời đảm bảo cho mọi người dân giám sát việc quản lý, quy hoạch, khai thác và sử dụng đất đai của chính quyền các cấp.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Kháng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia  Hồ Chí Minh,  có 3 lý do về mặt thực tiễn để khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Thứ nhất, nước ta hiện nay hơn 80% dân số là nông dân, nguồn sống chủ yếu từ đất đai. Chế độ sở hữu toàn dân làm cho mọi người dân đều có quyền, Nhà nước đại diện và thống nhất quản lý nhờ đó mà đảm bảo đời sống mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. Thứ hai, để bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phù hợp với Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cần giữ nguyên sở hữu đất đai là công hữu mới hợp quy luật, đồng thuận. Thứ ba, chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân là cơ sở phù hợp cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. PGS.TS. Trần Thị  Minh Châu,  Học viện Chính trị -  Hành chính Quốc gia  Hồ Chí Minh, khẳng định: Chế độ sở hữu toàn dân nhấn mạnh quyền của người dân trong sử dụng quyền của mình để cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng trong sử dụng và phân chia lợi ích từ đất. Khi đa số công dân bị bất lợi trong phân chia lợi ích từ đất đai, họ có thể yêu cầu Nhà nước sửa Luật Đất đai phục vụ mục đích chung của công dân, sửa chữa những mất công bằng trong phân phối lợi ích từ đất đai do cơ chế thị trường đem lại. Mặt khác, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tránh cho xã hội chúng ta rơi vào tình trạng bất ổn do một số người có thể đòi hỏi xem xét lại các quyết định lịch sử về đất đai nếu như duy trì chế độ sở hữu tư nhân về đất đai.

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề nghị nên xem xét vấn đề ruộng đất dựa trên lịch sử Việt Nam mà hai minh chứng điển hình là khẩu hiệu mang tính chiến lược đảm bảo cho thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là “Người cày có ruộng” và một trong những khởi điểm của công cuộc “Đổi mới” bắt đầu từ khoán hộ, thực chất là chia lại ruộng đất cho dân. Cách tiếp cận về đất đai hiện nay phải trên cơ sở xem đất đai là một nguồn lực phát triển. Từ đó, cần làm rõ: Chủ thể đất đai là ai? Quyền của nhà nước đối với đất đai như thế nào? Quyền của người dân như thế nào? Những quyền đó được đảm bảo bằng luật pháp ra sao?

 

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng

Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đại biểu Trần Vang Phủ, Khoa Luật (Trường Đại học Cần Thơ), nêu ý kiến: Vấn đề đặt ra là không nên đồng nhất chế định sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước về đất đai mà cần có các quy định cụ thể, rõ ràng phân định đâu là phạm vi quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu cũng như của người đại diện chủ sở hữu về đất đai. Quan điểm này tương đồng với quan điểm của PGS.TS Ngô Quang Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh: Giữa sở hữu toàn dân về đất đai với quản lý, sử dụng đất đai luôn có khoảng cách, đòi hỏi phải có những quy định, những chế tài mạnh và sự kiểm soát có hiệu quả...Trong các quy định pháp luật phải loại bỏ được nguy cơ nhân danh Nhà nước, lợi dụng danh nghĩa Nhà nước làm thiệt hại tài sản của toàn dân cũng như thiệt hại lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. 

Về vấn đề xử lý mối quan hệ về quyền sở hữu đất đai, GS.TS Chu Văn Cấp, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), đề nghị: Trong khi khẳng định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và “quyền sử dụng đất  là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu”, thì Nhà nước phải nắm chắc quyền quản lý về pháp lý và một số điểm cơ bản của quyền sở hữu về kinh tế (quyền định đọat đối với đất đai, quyền hưởng lợi từ đất), đồng thời có thể trao một phần quyền sở hữu về mặt kinh tế cho các cá nhân và tổ chức được giao đất, người sử dụng đất được hưởng lợi ích kinh tế từ quyền sử dụng đất. 

Trao đổi về vấn đề quản lý đất đai, nhiều đại biểu khẳng định những tiến bộ trong công tác quản lý nhà nước về đất đai thời gian qua như: chính sách đất đai đã chú ý tới các mặt kinh tế, xã hội và chính trị; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và nhà đầu tư; việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được Chính phủ và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, dần dần đi vào nền nếp; đã hoàn thành việc giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân… Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, còn nhiều vấn đề nổi cộm, nhất là trong trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; thanh tra, kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai; chính sách đền bù, bảo đảm sinh kế cho những người dân thuộc diện thu hồi đất; thậm chí còn do một số quan chức nhà nước lợi dụng quyền lực công phục vụ cho mục tiêu riêng của cá nhân, của gia đình, của nhóm lợi ích; cơ chế phân chia lợi ích từ đất chưa công bằng giữa các nhóm lợi ích khác nhau, giữa người sử dụng đất và Nhà nước...

Theo TS Phan Trung Hiền, Khoa Luật (Trường Đại học Cần Thơ), Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan thừa hành quản lý đất đai như thế nào, kể cả ở Trung ương và địa phương. Trách nhiệm này không chỉ được xác định trước đại diện chủ sở hữu (Nhà nước) mà còn phải được xác định trách nhiệm trước chủ sở hữu về đất đai (toàn dân). Có như thế mới hạn chế được tình trạng đất đai bị sử dụng sai quy hoạch, sai mục đích, đất bỏ hoang, lãng phí… nhưng lại khó xác định trách nhiệm, xác định trách nhiệm chung chung hoặc thiếu những chế tài tương thích.

TS Lý Việt Quang, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV, nêu 3 vấn đề cần phải hết sức chú ý khi thu hồi quyền sử dụng ruộng đất của người nông dân. Một là, Nhà nước phải hết sức tránh đưa ra quyết định thu hồi quyền sử dụng ruộng đất của người nông dân và ruộng đất họ đang được giao sử dụng, nhất là đối với những nơi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hai là, Nhà nước không can thiệp vào việc thu hồi đất đai của người nông dân để giao cho doanh nghiệp sử dụng, mà chỉ quản lý việc mua bán giữa các bên sao cho đúng những quy định của pháp luật. Ba là, Nhà nước phải có quy định rõ về trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương nơi thu hồi đất, hoặc của bên doanh nghiệp đối với việc đào tạo chuyển đổi nghề,  tạo việc làm cho những người vốn làm nghề nông nhưng không còn ruộng đất canh tác.  

Đề cập vấn đề giá đất GS.TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), đề nghị trong Luật Đất đai (sửa đổi) nên bỏ cụm từ "Giá đất do Nhà nước quyết định" và "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất" mà nên ghi là: "Giá đất hình thành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước". Nếu giá cả thị trường vận hành bình thường thì Nhà nước chỉ giám sát, chưa cần can thiệp trực tiếp. Nhưng ở đâu và khi nào giá cả thị trường của ruộng đất biến động bất thường thì Nhà nước phải kịp thời điều tiết.

Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung thảo luận một số vấn đề khác trong quản lý đất đai như: xác định lại cơ chế và thẩm quyền thu hồi đất để tránh tạo kẽ hở cho tham nhũng phát sinh, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất để hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai; xem xét thời hạn giao đất, hạn điền hợp lý; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trọng tài xử lý các vụ tranh chấp và khiếu nại về đất đai…

 

Đoàn chủ tọa Hội thảo

Trong sử dụng đất đai, nội dung được tập trung thảo luận là làm thế nào để khai thác và phát huy tốt nhất nguồn lực về đất đai để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, nổi lên một số vấn đề như: tích tụ ruộng đất quy mô nhỏ, tự phát, chưa gắn với phân công lại lao động trong nông nghiệp, nông thôn; đất nông nghiệp của hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ có quy mô hẹp, phân tán, hiệu quả sử dụng thấp; thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích khác đang tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng; hiệu quả sử dụng đất đô thị thấp; cơ cấu tổ chức không gian, hệ thống dân cư đô thị mất cân đối; sử dụng đất đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện đại; quản lý, sử dụng đất xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, điện và đất hành lang an toàn công trình còn hạn chế; quản lý, sử dụng và hiệu quả sử dụng đất các khu công nghiệp chưa cao, kết quả thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng tài chính và công nghệ từ các nước phát triển vào khu công nghiệp còn thấp; nhiều nơi sử dụng đất kém hiệu quả, nhiều diện tích đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư nhưng tiến độ đầu tư chậm, còn để hoang phí đất đai,...

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Gần 40 bài tham luận và hơn 10 ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đóng góp làm sáng tỏ hơn những vấn đề xung quanh vấn đề sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai. Các ý kiến phát biểu và tham luận tập trung vào những nội dung sau:

 Về vấn đề sở hữu đất đai trong thời kỳ quá độ lên CNXH: Đa số ý kiến đều khẳng định rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong giai đoạn hiện nay vẫn cần thiết và phù hợp về phương diện lý luận và thực tiễn. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai phải được thực hiện bằng những quy định trong Hiến pháp về chủ quyền quốc gia và các quyền và nghĩa vụ chung của công dân đối với đất nước.

Về chính sách, pháp luật đất đai trong những năm gần đây: Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đổi mới chính sách, pháp luật đất đai cho phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã thể hiện những bước tiến quan trọng trong đổi mới nhận thức, phát triển tư duy và thể chế hóa thành hành động thực tiễn của Đảng và Nhà nước đối với sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai theo hướng từng bước phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đối với chính sách, pháp luật đất đai hiện nay: Bên cạnh những thành tựu là cơ bản, chính sách, pháp luật đất đai hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý cũng như sử dụng đất đai. Cụ thể là trong công tác quy hoạch và kế hoạch; trong việc giao và cho thuê đất; trong hoạt động của bộ máy quản lý; những bất cập về giá đất; những bất cập trong chính sách bồi thường, tổ chức tái định cư và hỗ trợ tạo việc làm khi nhà nước thu hồi đất. Chính sách hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề cho những người bị mất đất trong khu vực thực hiện quy hoạch chưa đem lại hiệu quả do hầu hết người dân chưa thích ứng kịp với cường độ và tác phong lao động công nghiệp nên việc tìm kiếm việc làm mới có thu nhập ổn định thường gặp rất nhiều khó khăn. Đối với nông nghiệp, vấn đề được nhiều người quan tâm là: tích tụ ruộng đất; hạn điền; về thời hạn được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp...

Hội thảo cũng đề xuất những giải pháp và kiến nghị đối với chính sách đất đai nói chung và tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đối với vấn đề sở hữu: xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là khẳng định quyền của mỗi công dân đối với việc định đoạt, khai thác, sử dụng, phát triển và bảo vệ đất đai và các tài sản gắn liền với nó theo cơ chế dân chủ. Đối với việc hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả của quản lý và sử dụng đất đai: Các chính sách phải bảo đảm phân chia lợi ích từ đất một cách công bằng giữa các nhóm lợi ích khác nhau; làm rõ quyền của người sử dụng trên các phương diện chiếm giữ, hưởng lợi, sử dụng, giao dịch dân sự với tư cách tài sản cũng như cơ chế để người sử dụng đất có thể bảo vệ quyền của mình khi các quyền của họ bị vi phạm; phải làm tốt công tác giao đất, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng nhằm góp phần giải quyết nhu cầu về đất ở, đất cho các công trình phúc lợi công cộng và phát triển kinh tế; quan tâm, tạo công ăn việc làm đối với nông dân sau thu hồi đất…Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tạo môi trường pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng cho nông dân thực hiện các quyền sử dụng đất và tham gia thị trường bất động sản; gắn việc tích tụ ruộng đất với việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, ngành nghề và phân công lao động trong khu vực nông thôn, nông nghiệp; xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất đồng thời với việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp sang lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần quy định điều kiện nhận cho tặng, chuyển nhượng đất của đồng bào dân tộc.


Nguồn tin:Theo tainguyenmoitruong.com.vn