Tin tức

Hà Nội cần phát triển nhiều dự án nhà ở cho thuê 18/06/2013

0
 Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị tham gia góp ý kiến phản biện xã hội về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức ngày 12/6.



 Theo dự thảo Chương trình này, Hà Nội dự kiến phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đến năm 2015 đạt 23,1m2/người; đến năm 2020 là 26,3 m2/người và đến năm 2030 là 31,5 m2/người. Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2015, mỗi năm chỉ tiêu tăng bình quân gần 0,4 m2/người, từ năm 2016 đến năm 2020, mỗi năm tăng 0,63 m2/người và từ năm 2021 đến 2030 mỗi năm tăng gần 0,53 m2/người. Dự thảo chương trình cũng nêu chỉ tiêu phát triển nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại…

 Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý tại hội thảo cho rằng, dự thảo chương trình chưa chú ý đến phát triển nhà cho thuê đối với các đối tượng là công nhân của các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học (đều là con em nông dân rất khó khăn về kinh tế) và nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp.

 Theo Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, tỷ lệ người thuê nhà ở các nước trên thế giới là rất lớn (nếu không muốn nói là chủ yếu), số có nhà riêng chiếm rất ít. Cụ thể, tỷ lệ nhà ở thuê bình quân của các nước EU khoảng 26% tổng quỹ nhà (riêng nước Đức tới hơn 50%) trong khi Việt Nam theo thống kê chỉ hơn 4%. Ông Nghiêm cho rằng cần khuyến khích các loại hình nhà ở cho thuê và đây là hướng nên có giải pháp ưu tiên để kêu gọi đầu tư.

 Còn về đề xuất của dự thảo là không phát triển nhà ở thương mại đến năm 2015, ông Nghiêm cho rằng Hà Nội nên xem xét, rà soát để phát triển nhưng có trọng điểm ở những khu đô thị vệ tinh, khu sinh thái. Bởi thực tế hiện nay, bất động sản tồn kho nhiều, nhưng cấu trúc chỉ dành cho tầng lớp thu nhập cao.

 Đồng tình với quan điểm của Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, nhưng Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Đăng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng còn chỉ ra một số tồn tại trong dự thảo. Đó là trong suốt thời gian qua, các chủ đầu tư khu đô thị mới của Hà Nội chỉ chú trọng đến phát triển nhà ở thương mại để tăng lợi nhuận, chưa quan tâm đến việc đầu tư phần hạ tầng xã hội, trạm xử lý nước thải, trường học, trạm y tế, sân chơi cho trẻ con… Do đó, tuy bình quân diện tích nhà ở của Hà Nội có tăng lên, nhưng tỷ lệ người sống trong nhà tạm bợ, hay với diện tích tối thiểu không giảm bớt, khoảng cách chênh lệch về diện tích nhà ở giữa người giàu và người nghèo của Hà Nội ngày càng lớn.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Đăng, từ năm 2009 - 2030, Hà Nội dự kiến có khoảng 3,5 triệu dân đang sống ở vùng nông thôn nhưng chương trình nhà ở của Hà Nội trong thời gian qua chưa đề cập đến vấn đề cải tạo, nâng cấp nhà ở thuộc các làng, xã đô thị hóa thành phường để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành thành phố xanh, văn minh và văn hiến.

 Đây cũng là vấn đề mà Tiến sỹ Nghiêm lưu ý dự thảo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn tới cần có một định hướng mới và quan tâm hơn đến quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 với mô hình, cấu trúc khác biệt. Hà Nội phải khai thác lợi thế của Luật Thủ đô để đưa vào chương trình lần này, cần thể hiện tính năng động và đột phá, đó là phát triển đa trung tâm, là chùm đô thị và vừa phát triển đô thị, vừa xây dựng nông thôn mới.

 Cũng tại hội thảo, một số ý kiến đề xuất: Cần tái cấu trúc sản phẩm nhà ở chứ không phải đa dạng hóa sản phẩm như dự thảo đề cập với mục tiêu hướng tới 2020 phải đảm bảo giải quyết cơ bản nhà ở cho nhân dân Thủ đô (không phải là cải thiện dần như dự thảo). Theo đó, chỉ tiêu về phát triển nhà không cần “chạy” theo số lượng mà phải phát triển hài hòa; riêng chỉ tiêu tỷ lệ nhà kiên cố đến năm 2020 phải tăng. Dự thảo cũng cần đưa ra cơ chế chính sách để phát triển nhà ở, có thể coi đó là chương trình hành động, chia làm hai giai đoạn (2013 - 2015 và 2016 - 2020)…

 Trước ý kiến phản biện của các đại biểu, đại diện Cục quản lý nhà ở - Bộ Xây dựng (đơn vị tham mưu chương trình dự thảo của Hà Nội) khẳng định, Hà Nội hiện là 1 trong 5 địa phương đang triển khai sớm nhất chương trình phát triển nhà ở. Bộ Xây dựng đã cùng UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ, bám vào các chủ trương, chính sách nhà nước của Bộ, ngành Trung ương để xây dựng chương trình. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn có sự bất hợp lý trong việc xây dựng chỉ tiêu phát triển nhà ở của Hà Nội và Ban soạn thảo sẽ xem xét, chỉnh sửa lại.
 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp chuyên sâu của các nhà khoa học, các chuyên gia vào dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 và sẽ đề xuất, báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố.  
       


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn