Tin tức

Việt Nam tích cực đóng góp ý kiến chuẩn bị cho COP 21 14/11/2015

0
Từ ngày 8-10/11/2015, Đoàn công tác của Bộ TN&MT và Bộ Ngoại giao đã tham dự Hội nghị tham vấn không chính thức cấp Bộ trưởng để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, Pháp. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trưởng ban công tác của Việt Nam về biến đổi khí hậu làm trưởng đoàn.




Đoàn Việt Nam gặp gỡ một số đoàn quốc tế


Đây là cuộc họp quan trọng nhằm đánh giá tình hình đàm phán xây dựng Thoả thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau 2020; đồng thời tìm giải pháp cho những vấn đề còn nhiều khác biệt về quan điểm giữa các Bên trong nội dung dự thảo Thoả thuận 2015 và các văn bản có liên quan kể từ sau Phiên họp lần thứ 11 của Nhóm công tác về Định hướng Durban (ADP2.11) tại Bonn (Đức) cuối tháng 10 vừa qua.

Phát biểu khai mạc,ông Laurent Fabius, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Chủ tịch Hội nghị COP21 sắp tới nhấn mạnh, Hội nghị không chính thức cấp Bộ trưởng lần này không đàm phán dự thảo Thỏa thuận 2015 mà thảo luận những vấn đề mang tính liên ngành nhằm tìm ra những điểm có thể thoả hiệp giữa các Bên.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ kết quả cân bằng giữa hai nhóm công việc của Nhóm công tác ADP về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu giai đoạn trước và sau 2020; phối hợp đầy đủ với các Bên để COP21 thành công.

Đồng thời, Trưởng ban công tác của Việt Nam nêu rõ, Thoả thuận sẽ được thông qua tại Paris sắp tới cần đưa ra lộ trình rõ ràng nhằm tăng cường thực hiện Công ước trên cở sở các nguyên tắc của Công ước; các hành động mang tính tham vọng phải thực hiện ngay trước giai đoạn 2020 trên cơ sở trách nhiệm lịch sử và năng lực quốc gia đảm bảo mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ này không quá 2 độ C và tránh tạo ra thêm bất cứ khoảng trống nào khiến cho biến đổi khí hậu trở nên nguy hiểm hơn.

Phát biểu tại các phiên họp nhóm theo các chủ đề, Thứ trưởng Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam đối với việc ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, công bằng là nội dung quan trọng trong Thoả thuận 2015. Để đảm bảo công bằng, trong Thoả thuận 2015 cần có sự phân biệt rõ giữa bên nước phát triển và nước đang phát triển do trách nhiệm lịch sử và năng lực khác nhau giữa các bên nước này. Sự phân biệt cần thể hiện trong tất cả các nội dung của Thoả thuận như Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Thích ứng, Tài chính, Phát triển và chuyển giao công nghệ, Tăng cường năng lực, Minh bạch trong Hành động và hỗ trợ.

Về Tài chính cho giai đoạn sau 2020, Việt Nam nhấn mạnh, các Bên cần thể hiện rõ phải có bước tiến trong đóng góp tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu.Việt Nam cho rằng, 100 tỷ USD là điểm khởi đầu cho việc huy động tài chính.Tài chính công phải đóng vai trò chủ đạo, các nguồn tài chính khánhư đầu tư của khu vực tư nhân có thể xem xét là nguồn bổ sung. Về phân bổ nguồn tài chính cho các hành động ứng phó, cần có sự cân bằng giữa giảm nhẹ và thích ứng với tỷ lệ phân bổ là 50:50.

Về Tham vọng, Việt Nam cho rằng, các Bên cần thể hiện tham vọng của mình trong các hành động ứng phó (đối vớicác bên nước phát triển và đang phát triển) và hỗ trợ (đối với các bên nước phát triển) ngay từ giai đoạn trước 2020, trong đó các nước phát triển phải thể hiện vai trò đi đầu.
Việt Nam coi quá trình chuyển đổi theo hướng phát thải thấp trong bối cảnh phát triển bền vững là cơ hội để đạt được mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ này không quá 2 độ C. Quá trình này có thể diễn ra lâu hơn ở các nước đang phát triển. Tham vọng cần được các bên tăng cường tuy nhiên, tham vọng trong hành động của các bên nước đang phát triển cần có sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực của các bên nước phát triển.

Các ý kiến của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của Trưởng ban bổ trợ về thực hiện (SBI), sự đồng tình của các đoàn Trung Quốc, El Salvador và được ghi nhận, phản ánh trong báo cáo của các Bộ trưởng đóng vai trò điều giải viên của các phiên họp.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các Bên cần duy trì, phát huy tinh thần hợp tác nhằm tìm ra các điểm chung tại Hội nghị COP21 và truyền tải tinh thần đó đến các Bên nước không tham dự Hội nghị không chính thức lần này. Đối với các vấn đề còn có nhiều khác biệt không thảo luận trong ba ngày qua, cần có hướng dẫn cụ thể và trao quyền cho các cán bộ đàm phán để tìm ra các giải pháp thu hẹp khác biệt.

Sau ba ngày làm việc tích cực, Hội nghị tham vấn không chính thức cấp Bộ trưởng chuẩn bị cho Hội nghị COP21 đã đạt được những mục tiêu đề ra là cố gắng tìm ra các điểm chung trong một số nội dung, tạo tiền đề cho việc đàm phán sắp tới Hội nghị COP 21 cuối tháng 11 đầu tháng 12 tới.
Tuy nhiên, để Hội nghị COP21 thành công, các Bên còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tìm ra những điểm chung trong Thỏa thuận 2015 và các Văn bản có liên quan. Theo thông tin từ nước chủ nhà Pháp, đến nay đã có 117 Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ của các Bên nước đăng ký tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của Hội nghị COP21 vào ngày 30 tháng 11 tới đây.

Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản và Bộ trưởng, Trưởng đoàn một số nước tham dự Cơ chế tín chỉ chung (JCM) như Indonesia, Thái Lan, Bangladesh để kiểm điểm tình thực hiện và biện pháp thúc đẩy Cơ chế; gặp gỡ và trao đổi với Trưởng đoàn New Zealand về một số vấn đề lien quan đến biến đổi khí hậu.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn