Tin tức

Thủ tướng dự Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV 01/10/2015

0
Ngày 30/9/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV.




Ngày 30/9/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và
phát biểu tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV.

Là sự kiện lớn của Ngành Tài nguyên và Môi trường và của quốc gia được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, Hội nghị môi trường toàn quốc lần này có sự tham dự của trên 1.000 đại biểu là lãnh đạo, đại diện của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2015 được trình bày tại Hội nghị đã khẳng định những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường trên các lĩnh vực thời gian qua, nhất là khẳng định những kết quả đạt được trong việc bổ sung, hoàn thiện hệ chính chính sách, pháp luật; việc hoàn thiện bộ máy và huy động các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế và huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng cho công tác bảo vệ môi trường; công tác thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của người dân và cộng đồng; công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; việc ứng phó với những vấn đề môi trường toàn cầu;…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những vấn đề, thách thức đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Báo cáo đã xác định rõ định hướng công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020 với những giải pháp hết sức tổng thể và toàn diện nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và việc tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Ngày nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước… đã trở thành những vấn đề toàn cầu mà không quốc gia nào có thể tự giải quyết được. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của bảo vệ môi trường, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với vấn đề quan trọng này. Hội nghị Trung ương lần thứ 7, Khóa XI của Đảng đã ban hành Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, nhìn lại 5 năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật đã được rà soát, bổ sung, không ngừng hoàn thiện; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến các địa phương tiếp tục được kiện toàn, năng lực quản lý được cải thiện đáng kể; đầu tư từ ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn và tăng dần qua từng năm (tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2015 là 11.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010); các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường được áp dụng và bước đầu phát huy hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh, kiên quyết xử lý những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đạt chỉ tiêu hàng năm do Quốc hội đề ra; một số dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tăng qua các năm; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, tăng thêm công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nguồn lực quan trọng để bảo vệ môi trường.

“Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của toàn Ngành; sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương; đầu tư của các cấp chính quyền và của cộng đồng doanh nghiệp; sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội; sự hợp tác, giúp đỡ của các nhà khoa học, cộng đồng quốc tế và tinh thần trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá.
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu cần nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn tăng ở một số khu vực, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, trùng lắp, tính khả thi chưa cao, thực thi pháp luật chưa nghiêm; đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa phát huy tốt vai trò của cộng đồng, của các tổ chức quần chúng trong việc giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.

Thủ tướng dẫn Báo cáo tổng kết của Hội nghị có nêu cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức, thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay; thậm chí đến năm 2025 có thể gấp 4 đến 5 lần; tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. “Đây là cảnh báo mà chúng ta phải rất quan tâm khi trên thực tế vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới và để bảo vệ môi trường trở thành một nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe và thể chất của giống nòi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Hội nghị cần tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ quan trọng.

Thứ nhất, phải quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XII sắp tới, các Nghị quyết Trung ương, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014; sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật có liên quan nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật, tham gia bảo vệ môi trường trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển xã hội văn minh, người dân có lối sống, cách ứng xử thân thiện với môi trường.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở các địa phương, cấp huyện, xã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thứ tư, tăng cường đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên vốn đầu tư phát triển, vốn vay, ODA để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Huy động hiệu quả nguồn lực trong xã hội; khuyến khích xã hội hóa, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, nhất là về thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt tập trung. Hình thành và triển khai hiệu quả các quỹ bảo vệ môi trường nói chung và quỹ trong các tập đoàn, doanh nghiệp để có thể chủ động nguồn vốn giải quyết các vấn đề môi trường.

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp “các-bon thấp”. Chú trọng nâng cao thành tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ, hình thành các sản phẩm “xanh”, dịch vụ “xanh” thân thiện với môi trường; không cho phép các dự án đầu đầu tư sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; kiểm soát chặt chẽ, không để Việt Nam trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của các nước phát triển.

Thứ 6, phát huy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ đánh giá môi trường chiến lược, cơ sở dữ liệu môi trường để dự báo, phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát chặt nguồn phát sinh, việc lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không để tái gây ô nhiễm môi trường.

Thứ bẩy, chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế tranh thủ nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường. Coi trọng việc thực hiện các cam kết quốc tế, nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau 2015 của Liên Hợp Quốc phù hợp với điều kiện của nước ta. Việt Nam là thành viên, đối tác có trách nhiệm trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

Nhấn mạnh bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay của mỗi quốc gia, tổ chức và mỗi người dân, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa của các Cơ quan Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các quốc gia, các tổ chức và bạn bè quốc tế trong thời gian tới đối với vấn đề đặc biệt quan trọng này; đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác, đóng góp tích cực cùng cộng đồng quốc tế để giữ gìn môi trường của thế giới./.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn