Tin tức

Lễ khởi động Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia” 09/03/2016

0
Chiều ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Lễ khởi động Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia”.




Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại buổi Lễ khởi động

Tham dự buổi lễ, về phía Bộ TN&MT có Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang; Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển; đại diện lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch, Tài chính, Hợp tác quốc tế, Khoa học và Công nghệ, Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Văn phòng Bộ, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia; đại diện các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.

Về phía Phần Lan có Bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Phần Lan; ông Iikka - Pekka Simila, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; cùng các đại biểu tham gia Đoàn công tác của Phần Lan.

Tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, góp phần tích cực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững

 

Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng giám đốc
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia báo cáo tổng quan về dự án tại buổi lễ

 
Báo cáo tổng quan về dự án tại buổi lễ, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia” sử dụng ODA vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan, đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục tại Quyết định số 1280/QĐ-TTg ngày 31/7/2014.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực của Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia, cải thiện cơ sở hạ tầng KTTV, đặc biệt là hệ thống quan trắc ra đa thời tiết và cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, bão lũ, giông sét và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác; từ đó tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai ở Việt nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, góp phần tích cực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ cuộc sống và tài sản của xã hội, cộng đồng trước rủi ro thiên tai, đảm bảo sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Các hoạt động chính của dự án được triển khai tại 27 địa điểm và trải rộng trên 15 tỉnh, thành phố, trong đó: Đầu tư xây dựng mới, đồng bộ 05 trạm ra đa thời tiết; nâng cấp 03 trạm ra đa thời tiết hiện có; đầu tư mới 18 trạm phát hiện giông sét tại 18 Trung tâm KTTV tỉnh; trang bị Trung tâm hợp nhất số liệu ra đa và hệ thống tập trung hóa hiển thị số liệu KTTV và sản xuất sản phẩm thời tiết; đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị quan trắc; khai thác vận hành hệ thống trung tâm; khai thác,ứng dụng hệ thống phần mềm, phát triển các sản phẩm dự báo thời tiết.

Với phạm vi thực hiện dự án bao trùm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, dự án hoàn thành sẽ góp phần gia tăng mật độ trạm ra đa thời tiết, quan trắc bao trùm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và một số vùng thuộc các nước lận cận trong khu vực; thiết lập mới hệ thống quan trắc phát hiện giông sét, tạo tiền đề cho quá trình hiện đại hóa, phát triển mạng lưới phát hiện giông sét trên cả nước; tập trung hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc KTTV, cung cấp số liệu thời gian thực phục công nghệ dự báo bằng mô hình số, các công nghệ dự báo mưa, lũ hiện đại; kết hợp hệ thống ra đa, hệ thống phát hiện giông sét, mạng lưới các trạm quan trắc mặt đất và các mô hình động lực tạo thành hệ thống phân tích quan trắc hoàn chính, góp phần hiện đại hoá mạng lưới quan trắc đảm bảo ngang tầm khu vực và thế giới; đổi mới và tăng cường năng lực hệ thống xử lý, lưu trữ, truyền tin phục vụ dự báo KTTV ở Việt Nam, hình ảnh hóa toàn bộ dữ liệu trên màn hình tích hợp cho phép các quan trắc viên có được cách nhìn tổng hợp nhất trên phạm vi cả nước, có thể chiết xuất các thông tin cụ thể ở từng khu vực phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội; đào tạo được đội ngũ cán bộ với trình độ công nghệ cao vận hành và tiến tới làm chủ toàn bộ hệ thống quan trắc và sản xuất sản phẩm thời tiết tổ hợp…
 
 

Ông Panu, Đại diện Công ty Vaisala,
đơn vị thực hiện Dự án phía Phần Lan phát biểu tại buổi lễ
 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Panu, Đại diện Công ty Vaisala, đơn vị thực hiện Dự án phía Phần Lan cho biết, hãng Vaisala rất vui mừng khi được cùng với Trung tâm KTTV quốc gia thực hiện Dự án nhằm đem lại những cải thiện đáng kể cho cơ sở hạ tầng quan trắc thời tiết tại Việt Nam. Dự án sẽ giới thiệu một số công nghệ mới và các khả năng chưa từng có ở Việt Nam. Các ra đa thời tiết mới sẽ được áp dụng công nghệ phân cực kép băng sóng C. Công nghệ mới này cho phép ra đa phát hiện các loại hình thời tiết ở khoảng cách xa hơn và chính xác hơn. Đặc biệt, công nghệ này phù hợp trong điều kiện mưa lớn và đây sẽ là hiện tượng khí hậu thường xuyên xảy ra tại Việt Nam nơi mà các ra đa thế hệ cũ chưa thực hiện được một cách chính xác.

Việt Nam – Hà Lan: Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động mạnh mẽ và nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực phòng tránh thiên tai và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu càng trở nên quan trọng. Năm 1974, Chính phủ Phần Lan đã chính thức mở Đại sứ quán tại Việt Nam, khẳng định mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó đến nay, Chính phủ Phần Lan đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước.

Đối với lĩnh vực Khí tượng Thủy văn, hai Bên đã có cơ hội hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các Dự án “Hỗ trợ hiện đại hóa công tác Khí tượng Thủy văn tại Việt Nam” giai đoạn I và II trong khuôn khổ ICI do Chính phủ Phần Lan viện trợ không hoàn lại đã được triển khai; kết quả của các Dự án đã thực sự hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa ngành Khí tượng Thủy văn.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng bày tỏ sự cám ơn chân thành đến Chính phủ Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Phần Lan, Bộ Ngoại thương và Phát triển Phần Lan và Cơ quan Khí tượng Phần Lan đã giúp Bộ TN&MT vững bước trên con đường hiện đại hóa Ngành KTTV và mong muốn tiếp tục tăng cường sự hợp tác hơn nữa với Phần Lan nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung.
 
 

Bà Lenita Toivakka,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Phần Lan phát biểu tại buổi lễ


Phát biểu tại buổi lễ, bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Phần Lan đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa 2 Chính phủ Việt Nam – Hà Lan trong thời gian qua và mong muốn mối quan hệ này sẽ ngày càng được phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Bà Lenita Toivakka cho biết, Chính phủ Phần Lan đang hướng tới mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam trong bối cảnh 2 Bên đang giảm dần các chương trình hợp tác phát triển theo mô hình truyền thống vốn có. Bà tin tưởng rằng các chương trình hợp tác giữa các cơ quan, viện nghiên cứu, các công ty và nhân dân 2 nước Việt Nam - Phần Lan sẽ tạo nên cốt lõi cho mối quan hệ hợp tác bền chặt và khăng khít giữa 2 quốc gia và Dự án hợp tác này là một minh chứng sinh động cho điều đó.

Tiếp theo Lễ khởi động dự án, Trung tâm KTTV quốc gia sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan và các đối tác để triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt, quá trình làm việc với Công ty Vaisala về hồ sơ thiết kế chi tiết phần thiết bị phục vụ công tác sản xuất thiết bị sẽ được thực hiện đồng thời với các công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, tiếp nhận lắp đặt thiết bị, nhằm đảm bảo tiến độ dự án cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia thực hiện dự án.
 
 
Các đại biểu tham dự buổi lễ chụp ảnh lưu niệm





Nguồn tin:Theo monre.gov.vn