Tin tức

Hai Bộ TN&MT - Bộ NN&PTNT: Hợp tác toàn diện, chặt chẽ và hiệu quả 14/07/2017

0
Chiều 12/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Lễ ký kết và trực tiếp ký Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT giai đoạn 2017 - 2020. Tham dự Lễ ký kết có các Thứ trưởng Bộ TN&MT: Nguyễn Linh Ngọc, Võ Tuấn Nhân, cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của hai Bộ.





Bộ TN&MT - Bộ NN&PTNT ký kết
Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017 -2020


Hợp tác toàn diện cụ thể

Theo chương trình vừa ký kết, hai Bộ sẽ phối hợp toàn diện, chặt chẽ và hiệu quả trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án, dự án; công tác kiểm tra, thanh tra; chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương; xây dựng, nâng cao năng lực quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của hai Bộ trong giai đoạn 2017 - 2020.

Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ giai đoạn 2017 - 2020, trong đó đặt ra mục tiêu và yêu cầu hai Bộ, hai ngành trong thời gian tới phải có sự đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp, bảo đảm bao quát đầy đủ các mặt công tác quản lý nhà nước về: xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương.

Bên cạnh đó, Chương trình phối hợp sẽ đặt trọng tâm vào một số lĩnh vực, nội dung lớn, quan trọng, cấp bách mà thực tiễn đang đòi hỏi, như: quản lý đất đai, tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có liên quan trực tiếp đến các mục tiêu về bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng nông thôn mới; tích tụ đất đai, tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

Chương tình hợp tác vừa ký kết nhằm nâng cao tính chủ động và tích cực trong từng lĩnh vực, bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong quản lý ngành và sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của Chính phủ từ trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, chương trình phối hợp đã được hai Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Nguyễn Xuân Cường giao các đơn vị chức năng cụ thể hóa bằng các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo thường xuyên; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.



Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Lễ ký kết và trực tiếp ký Chương trình
phối hợp công tác giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT giai đoạn 2017 - 2020.

Sẽ triển khai chương trình phối hợp đến cấp cơ sở

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hai bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có mối quan hệ tự nhiên, truyền thống và lâu đời. “Mối quan hệ công việc giữa hai bộ là mối quan hệ hết sức mật thiết và hữu cơ. Nếu các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm tốt công việc của mình thì sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi cho các lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và ngược lại…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trong tương lai, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp cả nước sẽ đi theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ thì môi trường sẽ luôn luôn được đảm bảo. Ở góc độ khác, có giữ được nông nghiệp thì mới đảm bảo một không gian sinh thái, môi trường sống trong lành. Và nếu môi trường trong sạch thì mới có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững… đây là mối quan hệ hữu cơ mật thiết của hai ngành trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái.
 


 Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ ký kết

 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đánh giá cao sự hợp tác khá toàn diện và hiệu quả của các đơn vị chức năng của hai Bộ trong thời gian vừa qua. Hai bộ đã cùng nhau phát triển, phối hợp khá tốt trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường… Và để tang cường hơn nữa hiệu quả của công tác này, hai bộ đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020.

“Việc ký chương trình hôm nay không chỉ là ký kết một văn bản mà đây chính là sự hợp tác của niềm tin, của sự đồng thuận, của tình cảm và sự sẻ chia giữa hai Bộ, hai ngành: Tài nguyên và môi trường với Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tôi mong muốn và tin tưởng chương trình hợp tác này được triển khai không chỉ là sự cam kết, phối hợp giữa hai Bộ, giữa các cơ quan trực thuộc của hai ngành mà tinh thần này còn phải được triển khai ở hai ngành đối với cấp tỉnh, thành, quận, huyện… Nếu mỗi cán bộ, viên chức, người lao động của hai ngành cùng nhau đồng thuận, cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau hành động thì sẽ hướng được đến một mục tiêu chung đó là sự phát triển bền vững của đất nước nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
 
 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Lễ ký kết


Đồng quan điểm với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng sự hợp tác của hai ngành thuận theo lẽ tự nhiên như kiểu “cây phải có đất, cá phải có nước và vạn vật đều cần có môi trường trong lành”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc thực hiện tốt chương trình ký kết sẽ là một trong những điều kiện quan trọng để hai ngành hoàn thành sứ mệnh, hoàn thành nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Để chương trình phối hợp thành hiện thực, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết: Thứ nhất, sẽ quán triệt 6 nhóm nội dung hai bên vừa ký kết tới tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu thực hiện tốt nhất theo những điều khoản đã cam kết đó. Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện cùng phối hợp thực hiện những cam kết này. Thứ ba, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Văn phòng hai Bộ làm đầu mối để hang tháng, hành quý, hàng năm… tổng hợp chung tình hình phối kết hợp giữa các đầu mối báo cáo lãnh đạo hai bộ.

“Thực ra những nội dung đã cam kết hôm nay sẽ là những hình thức phối hợp cụ thể. Ngoài ra, tôi cho rằng chúng ta còn rất nhiều hình thức trao đổi, phối hợp, điện đàm với nhau để phối hợp, giúp đỡ nhau. Với mục tiêu chung như vậy, tôi và Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng như lãnh đạo hai bộ tin tưởng và mong muốn hai bộ, hai ngành sẽ phối hợp một cách chặt chẽ hơn nữa để hai bộ, hai ngành cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.



 Lãnh đạo hai Bộ tại Lễ ký kết chiều 12/7

6 nhóm nội dung chính của Chương trình phối hợp công tác giữa hai BộTN&MT -Bộ NN&PTNT
giai đoạn 2017 - 2020


Về xây dựng, hoàn thiện thể chế: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường liên quan đến quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như: bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên nước, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tái cơ cấu Ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tài nguyên và môi trường theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về đa dạng sinh học còn chưa thống nhất trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi, Pháp lệnh giống cây trồng và Pháp lệnh giống vật nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thích ứng Quốc gia (NAP); quy hoạch tài nguyên nước; triển khai công tác bảo vệ tài nguyên nước: Mời đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia công tác lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia, thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tham vấn ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình có ý kiến thỏa thuận về xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch sử dụng không gian và tài nguyên biển và hải đảo…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, lồng ghép các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng và phát triển thị trường các bon trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch, chiến lược, quy hoạch về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn…



 Quang cảnh lễ ký kết

Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án, dự án: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sắp xếp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối; Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường về chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất làm muối theo đề nghị của các địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quản lý, bảo vệ những loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm, hệ thống rừng đặc dụng, hệ sinh thái rừng; cung cấp thông tin, tài liệu về các vườn quốc gia, khu bảo tồn rừng đặc dụng, biển; Thẩm định và phê duyệt quy hoạch thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn; cung cấp thông tin mùa vụ, thời kỳ sử dụng nước trong nông nghiệp phục vụ xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa; chia sẻ số liệu về tưới tiêu, lũ, hạn, các công trình thủy lợi… ở Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công quốc tế… Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc trồng rừng thay thế trên phạm vi cả nước, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các lĩnh vực có liên quan của hai Bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc lập và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm về tài nguyên và môi trường đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản, cơ sở chăn nuôi, nông, lâm trường, làng nghề, nghề muối; cấp và sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, phòng chống thiên tai, đất lòng sông, bãi sông; mời đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng này; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm cử đại diện phù hợp tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc lập, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về: lĩnh vực đất đai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện; về vi phạm công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cử đại diện tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra.

Hai bộ chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về: Kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, quan trắc chất lượng môi trường, kết quả đánh giá ngưỡng chịu tải về môi trường của các vùng, địa phương, các khu vực biển để phục vụ công tác xây dựng và điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; Kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục của các đối tượng thanh tra, kiểm tra để phối hợp theo dõi, giám sát thực hiện; Thông tin, số liệu khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước và vận hành các hồ chứa để đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ việc điều tiết nước và công tác giám sát vận hành các hồ chứa trong quy trình vận hành liên hồ chứa…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chia sẻ thông tin, dữ liệu về: Việc lập, triển khai các quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Các vấn đề tài nguyên và môi trường phát sinh trong hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Đào tạo, bồi dưỡng, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Hai Bộ thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi phối hợp cho cán bộ, công chức, viên chức của hai Bộ. Phối hợp trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế.