Tin tức

Chính phủ trình Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 27/05/2020

0
Sáng ngày 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).




Sửa đổi toàn diện tổng thể Luật Bảo vệ môi trường

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về Bảo vệ môi trường; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa quy định chi tiết nên chưa bảo đảm các yếu tố thực thi; nhiều nội dung về Bảo vệ môi trường còn phân tán tại các luật khác nhau.

Môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải; đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường.

Nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, Bảo vệ môi trường và cam kết quốc tế mới liên quan đến môi trường (Hiệp định CPTPP, EVFTA, v.v.) cần sớm được thể chế hóa; thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cần đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đã đến lúc cần hình thành đạo luật về Bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật gồm 16 chương, 186 điều. Dự thảo luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hướng đến tăng cường hiệu quả quản lý môi trường

Cho biết về những điểm mới căn bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ:

Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hiện hành; thay đổi phương thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng; giảm thủ tục hành chính với các đối tượng thân thiện môi trường, tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Hai là, lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đưa các chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang phân tán ở một số Bộ về Bộ Tài nguyên và Môi trường như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Ba là, tiếp cận phương pháp quản lý khoa học dựa trên cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin; quản lý liên thông các giai đoạn phát triển từ chủ trương, quy hoạch, xây dựng dự án, triển khai thực hiện đến hết vòng đời dự án.

Bốn là, xây dựng nền tảng thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon trong quy hoạch, thiết kế sản xuất, thương mại, tiêu dùng và tái chế xử lý chất thải, sản phẩm, bao bì hoặc sản phẩm sau sử dụng. Hình thành các ngành kinh tế mới như: đầu tư vào vốn tự nhiên, công nghiệp môi trường; hình thành thị trường phát thải.

Năm là, lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP, v.v.; góp phần phòng vệ, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Dự thảo Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội; đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định các chính sách bảo vệ môi trường khác. Quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện, đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án như: chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, v.v.

Với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường có tính nguyên tắc trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất như các quy định về đa dạng sinh học, bảo vệ chất lượng nước nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch, quan trắc, điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, tài nguyên nước; góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kết nối các thành phần môi trường, thể hiện bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước./.

Các quy định, chính sách mới quan trọng trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

1. Về khung chính sách: Dự thảo Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội; đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định các chính sách BVMT khác. Quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện, vận hành và kết thúc dự án.

Với vai trò là đạo luật cơ bản về BVMT, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về BVMT có tính nguyên tắc/ trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Ví dụ như các quy định về đa dạng sinh học, bảo vệ chất lượng nước để thống nhất trong quy hoạch, quan trắc, điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, tài nguyên nước; góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kết nối các thành phần môi trường, thể hiện bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường.

2. Về công cụ kinh tế trong BVMT (Mục 1, Chương 11): Dự thảo Luật đã quy định về nguyên tắc sử dụng công cụ thuế, phí BVMT, xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường/ trong việc đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng; đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế BVMT/ nhằm mục tiêu điều chỉnh hành vi theo hướng giảm phát thải, thân thiện môi trường. Bổ sung nhiều công cụ kinh tế mới như: tín dụng xanh; trái phiếu xanh; cơ chế đặt cọc - hoàn trả; trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; hình thành thị trường phát thải; v.v.

3. Về nguyên tắc xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường (Chương 8): Lần đầu tiên quy định nguyên tắc, lộ trình áp dụng quy chuẩn / nhằm bảo đảm tương đồng với các nước phát triển, đồng thời huy động được mức đầu tư hợp lý từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp cho BVMT, khắc phục tình trạng đầu tư cho BVMT còn thấp / từ khu vực này trong thời gian qua. Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó có quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông.

4. Về nguồn lực từ Nhà nước cho BVMT (Điều 159): Xác lập rõ vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm nguồn lực để bố trí cho các dự án lớn, trung hạn, nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường do lịch sử để lại, thực hiện các chính sách, nội dung mới về BVMT thuộc trách nhiệm của Nhà nước / thông qua việc quy định nội dung hoạt động chi thường xuyên để hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng / thuộc khu vực công ích; tăng cường trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật; quan trắc, giám sát, cảnh báo môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; v.v.
5. Về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT (các Điều 174 và 175): Một số điểm mới, mang tính đột phá như: việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả; quy định thời hiệu xử phạt là 05 năm để phù hợp với tính chất các vi phạm về môi trường; quy định các tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng được “phạt” theo nội quy, quy chế về BVMT của khu công cộng để đạt được mục đích giáo dục, răn đe.

6. Về tăng cường năng lực quản lý môi trường (các Điều 55, 56, 57, 87 và 172): Khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ quản lý môi trường / bằng việc bổ sung các quy định tăng cường cán bộ quản lý môi trường / trong khu vực doanh nghiệp; huy động sự tham gia quản lý, giám sát của tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư.

7. Về bảo vệ các thành phần môi trường (Chương 2): Tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển / trong việc xây dựng các kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, không khí. Hoàn thiện quy định về sức khỏe môi trường, nhấn mạnh mối liên quan của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người; bổ sung một mục riêng / về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học để kết nối các thành phần môi trường.

8. Về chiến lược, quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược (Chương 3): Xác lập vị trí pháp lý cho chiến lược BVMT quốc gia; đồng bộ nội dung quy hoạch BVMT /  với các nguyên tắc chung của pháp luật về quy hoạch. Nâng cao hiệu quả, thực chất của công cụ đánh giá môi trường chiến lược / thông qua việc xác định đúng đối tượng phải đánh giá, nội dung đánh giá; lồng ghép thủ tục thẩm định.

9. Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường (Chương 4): Khắc phục vướng mắc, bất cập giữa pháp luật về BVMT với pháp luật về đầu tư, đầu tư công trong giai đoạn đề xuất dự án / thông qua việc bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Xác lập đúng vai trò công cụ dự báo, phòng ngừa trong giai đoạn chuẩn bị dự án của báo cáo đánh giá tác động môi trường; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường với việc quy định điều kiện của tổ chức tư vấn lập báo cáo; thay thế quyết định phê duyệt báo cáo / bằng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định / để gắn trách nhiệm của chủ dự án. Tích hợp 06 loại giấy phép có liên quan vào 01 giấy phép môi trường để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Gắn thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường / với trình tự thực hiện dự án đầu tư để tạo sự thống nhất, đồng bộ.

10. Về quản lý chất thải (Chương 6): Đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Quy định việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, tái chế, xử lý chất thải; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, sản xuất nguyên, nhiên liệu cho ngành sản xuất khác.

11. Về ứng phó với biến đổi khí hậu (Chương 7): Thể chế hóa các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và trách nhiệm của các cơ quan; hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trong nước, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế.

12. Về quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường (Chương 9): Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào hoạt động giám sát chất thải; thúc đẩy các cơ sở phát triển theo hướng thân thiện môi trường  / thông qua các quy định về quan trắc định kỳ và quan trắc tự động, liên tục. Huy động sự tham gia của các bộ, ngành trong hoạt động quan trắc chất lượng môi trường / nhằm phát huy tối đa cơ sở vật chất và nhân lực hiện có của các ngành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, giải quyết hồ sơ trực tuyến. Xây dựng các chỉ tiêu thống kê môi trường hội nhập với quốc tế.

13. Về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường (Chương 10): Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường / thông qua việc phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong từng giai đoạn từ phòng ngừa, ứng phó đến khắc phục. Hoàn thiện các cơ chế bồi thường thiệt hại về môi trường / phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực môi trường/ như quy định về trách nhiệm chứng minh, bảo vệ các đối tượng yếu thế bị thiệt hại.

14. Về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và công đồng dân cư trong BVMT (Chương 13): Nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể này / trong BVMT thông qua quy định về quyền, trách nhiệm gắn với điều kiện thực thi. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thực thi này.

15. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT (Chương 14): Cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của Chính phủ, bảo đảm vai trò thống nhất tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm tham gia tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành trong phạm vi quản lý, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Chi tiết nội dung Tờ trình Chính phủ và Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)  tại đây.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn