Tin tức

Luật Đo đạc và Bản đồ - Bước đột phá trong hoàn thiện thể chế chính sách và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 31/05/2018

0
Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ đã được xây dựng và trình Quốc hội khóa XIV, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Đây là một dự Luật chuyên ngành có nhiều điểm mới về công tác quản lý Nhà nước, đồng thời, mang tính đột phá trong các quy định về ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.




Hệ thống dẫn đường bằng hệ thống GPS

Chúng ta đang sống trong thế giới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ mới bắt đầu từ những năm 2010, mà ở đó, mọi sự thay đổi diễn ra một cách rất nhanh chóng và năng động. Đó là cuộc cách mạng dựa trên các công nghệ nền tảng về dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, Internet kết nối vạn vật…, là cuộc cách mạng đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa thế giới thực và ảo của các lĩnh vực, các công nghệ mới đỉnh cao như: Công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ in 3D, công nghệ tự động hóa, xe tự lái, trí tuệ nhân tạo, tích hợp con người - máy móc…
 
Một thế giới mà sự phân loại các công nghệ chỉ là tương đối, khó tách biệt vì chúng trộn lẫn, tích hợp và hỗ trợ nhau để cùng phát triển với mục đích là tiết kiệm thời gian, không gian, trí tuệ, sức lực, của cải vật chất và tăng cường bảo vệ môi trường, qua đó, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu tư. Sự hội tụ và tích hợp ấy đã tạo nên một sức mạnh vô biên, làm đột phá sự phát triển của xã hội loài người với tốc độ nhanh chóng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thúc đẩy các nước phải nhanh chóng xây dựng chiến lược phù hợp để ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng này nếu không muốn bị chậm trễ và tụt hậu; hình thành trào lưu mới trên thế giới trong xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, chính phủ thông minh và dân tộc thông minh, dựa trên một trong những nền tảng quan trọng là thu thập và xử lý một cách thông minh hệ thống dữ liệu không gian địa lý.

Luật Đo đạc và Bản đồ được xây dựng trong bối cảnh như vậy và sẽ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2018). Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên do Quốc hội ban hành quy định về các vấn đề liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) sau gần 60 năm hình thành và phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

Mục tiêu, nguyên tắc và những định hướng cơ bản trong quá trình xây dựng dự án Luật Đo đạc và Bản đồ là: Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời; đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội; làm nền tảng để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Đo đạc và bản đồ cơ bản là một công việc phúc lợi công cộng phải được Nhà nước quản lý, đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện. Đầu tư cho đo đạc và bản đồ cơ bản là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần phải đi trước một bước. Thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ cơ bản là nền tảng để phát triển các sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành, chuyên đề.

Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu tiện ích trong đời sống và tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ.

Đáp ứng các nội dung trên đây, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ đã được xây dựng với nhiều điểm mới, các quy định có tính chất đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, cụ thể như sau:

Một là, làm rõ và chính xác hơn một số khái niệm chuyên môn cơ bản phù hợp với sự phát triển của công nghệ.

Đây là một trong những nội dung được quan tâm đầu tiên trong quá trình xây dựng dự án Luật nhằm đảm bảo làm rõ nội hàm từng thuật ngữ, khái niệm cho phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, phù hợp với các thuật ngữ, khái niệm của thế giới đang sử dụng. Theo nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội, đây là luật chuyên ngành mang tính kỹ thuật sâu, do đó, cần phải diễn tả các khái niệm tương đối dễ hiểu đối với mọi người trong xã hội. Ban soạn thảo đã nghiên cứu và cố gắng trình bày sao cho vừa đảm bảo chính xác, phù hợp với chuyên môn và dễ hiểu, đảm bảo sự thống nhất giữa các thuật ngữ, khái niệm, làm cơ sở chuẩn hóa lại các thuật ngữ, khái niệm trong các văn bản quy phạm pháp luật đã và sẽ ban hành. Một số khái niệm được đưa vào nội dung cụ thể của các Điều có liên quan để làm rõ hơn bản chất của vấn đề cần quy định.
 
Hai là, quản lý thống nhất về đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước. Quản lý thống nhất về đo đạc và bản đồ là một trong những nội dung quan trọng nhất của dự án Luật Đo đạc và Bản đồ nhằm đảm bảo tránh chồng chéo trong công tác quản lý và trong triển khai thực hiện các dự án về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các Bộ, ngành. Quản lý thống nhất về đo đạc và bản đồ cũng đảm bảo các thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ không có sự mâu thuẫn do nguyên nhân chủ quan (trừ trường hợp do thay đổi của các đối tượng địa lý). Đây cũng là yêu cầu của công tác kỹ thuật của các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đảm bảo việc tích hợp, đồng bộ dữ liệu được thuận lợi, dễ dàng và đảm bảo độ chính xác theo yêu cầu.

 
Ba là, tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý về đo đạc và bản đồ cho các địa phương. Quy định này trong dự án Luật nhằm đảm bảo yêu cầu đổi mới về công tác quản lý, tăng cường tính tự chủ cho các địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
 
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ. Việc quy định về sự tham gia của xã hội trong đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, dịch vụ dữ liệu đo đạc và bản đồ, kể cả trong hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản là một trong những biện pháp nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội trong việc đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu của xã hội đối với sản phẩm đo đạc và bản đồ.
 
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là yêu cầu quan trọng để đảm bảo sự phát triển của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Đồng thời, khoa học và công nghệ cũng đã được xác định là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện thế giới đang áp dụng những thành tựu to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự thay đổi công nghệ trong đo đạc và bản đồ như công nghệ định vị vệ tinh, công nghệ số, công nghệ mạng… đã và đang làm thay đổi phương pháp thu nhận, xử lý thông tin và sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ ngày càng chính xác, nhanh chóng và có hiệu quả. Góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý.

Sáu là, xác lập tính hợp pháp của các cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ. Việc quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ cho các nhân là một trong những biện pháp đảm bảo quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ. Đây cũng là yêu cầu của hầu hết các nước trên thế giới để sử dụng nhân lực có hiệu quả trong thời đại toàn cầu hóa. Quy định này cũng là yêu cầu của các nước ASEAN trong việc thực hiện thỏa thuận Khung thừa nhận lẫn nhau về trình độ đo đạc và bản đồ giữa các nước trong khu vực.

Bảy là, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. Sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ luôn là nhu cầu của tất cả các tổ chức, cá nhân. Do đó, dự án Luật đã đưa ra các quy định nhằm đảm bảo quyền tiếp cận, sử dụng các thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ một cách rộng rãi và có hiệu quả nhất trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

 
Tám là, lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (viết tắt là NSDI) được quy định trong một dự án luật. Quy định về Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trong dự án Luật được xây dựng trên cơ sở khuyến cáo của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế nhằm tạo sự kết nối, chia sẻ và sử dụng dữ liệu đo đạc và bản đồ có hiệu quả nhất trên mạng Internet đến mọi đối tượng trong xã hội. Đây cũng là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Quy định này cũng phù hợp với việc xây dựng Chính phủ Điện tử của Việt Nam đang được Chính phủ chỉ đạo, thực hiện.
 
Việc Quốc hội dự kiến thông qua dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ trong kỳ họp lần này sẽ tạo ra khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành Đo đạc và Bản đồ phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu được kỳ vọng trong việc ứng dụng các thành tựu vĩ đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Tiến sĩ Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam

Nguồn tin:Theo CTTĐT monre.gov.vn