Tin tức

Văn phòng Chủ tịch nước công bố 11 Luật và 01 Nghị quyết 16/07/2014

0
Ngày 11/07/2014 tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật và 01 nghị quyết vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên trung ương Đảng, chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo.




Ngày 11/07/2014 tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh
 của
Chủ tịch nước công bố 11 luật và 01 nghị quyết vừa được thông qua tại
kỳ họp thứ 7,
Quốc hội khóa XIII. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên
trung ương Đảng,
chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo.

Theo đó sáng ngày 10/7/2014, 06 luật được công bố, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Buổi chiều cùng ngày, 05 luật và 01 nghị quyết được công bố, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi), Luật Đầu tư công và Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Luật Bảo hiểm y tế lần này sửa đổi, bổ sung 28 điều từ Chương I đến Chương IX, trong đó điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ là đã sửa đổi quy định các đối tựợng “có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế” thành “bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế để thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời, Luật bổ sung quy định mức hưởng bảo hiểm y tế được xác định theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia bảo hiểm y tế; bổ sung quyền lợi, nâng mức bảo hiểm y tế và mở thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, Luật sửa đổi quy định cụ thể các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bổ sung quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi.

2. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 09 chương với 55 điều. Luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, quy định cụ thể trường hợp người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Quy định này nhằm tránh phát sinh phức tạp trong quan hệ đối ngoại, hình sự, dân sự, cũng như bảo đảm công tác thống kê nhà nước chính xác; quy định cụ thể các trường hợp được miễn thị thực, các trường hợp bị buộc xuất cảnh và thẩm quyền buộc xuất cảnh…

3. Luật Xây dựng

Luật Xây dựng năm 2014 gồm 10 chương, 169 điều tăng 1 chương về “Giấy phép xây dựng”, 45 điều so với Luật Xây dựng (2003), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

Theo đó, nguyên tắc cơ bản và cũng là nội dung cốt lõi của Luật Xây dựng là đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, nhằm khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng. Các quy định mới gồm: Quy định nguyên tắc dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo các phương thức khác nhau; tăng cường sự kiểm soát  của cơ quan quản lý nhà nước và của cộng đồng đối với các dự án; bổ sung quy định hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực.

Cùng với đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng bảo đảm xây dựng theo quy hoạch và có kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, đầu tư theo phong trào dẫn đến thất thoát lãng phí các nguồn lực. Đổi mới việc kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng nhằm chông thất thoát, lãng phí và nâng cao chất lượng công trình; đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng cũng là một trong những nội dung chủ yếu của Luật.

4. Luật Hôn nhân và gia đình

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 kế thừa và phát triển các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Điểm mới quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình là bổ sung chế độ tài sản của vợ, chồng theo thỏa thuận. Việc thừa nhận chế độ tài sản này nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản của họ. Trên cơ sở thừa nhận vợ chồng có quyền thỏa thuận xác định chế độ lập tài sản, Luật đưa ra các quy định chung áp dụng cho tất cả các cặp vợ chồng về chế độ tài sản, trong đó quy định nguyên tắc: Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận nhưng dù lựa chọn chế độ tài sản nào vợ chồng đều phải đảm bảo lợi ích chung của gia đình, nhất là lợi ích của con.

Ngoài ra, một điểm mới cũng rất quan trọng trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con có thể nhờ người khác mang thai hộ. Luật quy định chặt chẽ điều kiện mang thai hộ để tránh những hệ lụy cho gia đình, xã hội.

5. Luật Công chứng

Luật Công chứng năm 2014 gồm 10 chương, với 81 điều. Phạm vi công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 được mở rộng hơn so với Luật Công chứng năm 2006. Theo đó, nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao lại cho công chứng viên, công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch mà mình công chứng. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng bản dịch, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức có yêu cầu chứng nhận bản dịch. Luật Công chứng sửa đổi lần này tập trung quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng với quy mô lớn, hoạt động ổn định, bền vững, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp...

 6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam

Luật Quốc tịch Việt Nam là một đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến quyền có quốc tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý cho mối quan hệ gắn bó của công dân với Nhà nước. Luật Quốc tịch năm 2014 có một số nội dung mới quan trọng như: Không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam như Luật quốc tịch năm 2008 và bổ sung quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam. Quy định như vậy nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương đất nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn lợi ích thiết thực của người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

7. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bổ sung thêm một số nội dung mới như tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường..., hài hòa các quy định của Luật và các cam kết quốc tế về môi trường thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, phù hợp với các đặc điểm về khoa học môi trường như coi phòng ngừa là chính, các yếu tố môi trường có mối liên kết hữu cơ với nhau, không chia cắt theo địa giới hành chính.

Quy hoạch bảo vệ môi trường là nội dung mới được bổ sung trong Luật, giúp chúng ta có cách nhìn tổng thể, dài hạn và chủ động triển khai các công tác về bảo vệ môi trường, thực sự gắn bảo vệ môi trường với hoạt động kinh tế, an sinh xã hội và là cơ sở để điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, đảm bảo phát triển bền vững. Luật cũng có những quy định cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu; quy định về môi trường biển và hải đảo...

8. Luật Hải quan (sửa đổi)

Luật Hải quan (sửa đổi) được bố cục thành 08 Chương gồm 104 điều với những nội dung chính được chia thành 04 nhóm: (1) Nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, nội luật hóa các cam kết đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhận khẩu; (2) Nhóm vấn đề về nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan, tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại; (3) Nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; (4) Nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.

9. Luật Phá sản (sửa đổi)

Luật Phá sản gồm 14 Chương, 133 Điều, Luật được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định luật này thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.

Luật quy định rõ về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là "không thực hiện nghĩa vụ thanh toán" mà không phải là "không có khả năng thanh toán". Thời điểm được xác định là trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán mà không phải là "khi chủ nợ yêu cầu".

Luật cũng quy định cụ thể về chế định quản tài viên, trình tự giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án Nhân dân; thủ tục thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản...

10. Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa bổ sung quy định về nguyên tắc phát triển giao thông đường thủy nội địa. Phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, bảo đảm quốc phòng anh ninh; phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.

Luật cũng bổ sung thêm quy định về cảng, bến thủy nội địa, quy định chủ công trình thủy lợi, thủy điện phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa khi vận hành công trình theo quy định của pháp luật.

11. Luật Đầu tư công

Luật Đầu tư công được kết cấu thành 06 chương, với 108 điều. Phạm vi điều chỉnh Luật quy định việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thuộc đối tượng áp dụng của Luật.

Thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư chung nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao quyết định về chủ trương đầu tư, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong quá trình đầu tư chung.

12. Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay

Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển; tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.


Nguồn tin:Theo Chinphu.vn