Tin tức

Quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất trong Luật Đất đai năm 2013 23/06/2014

0
Đây là nội dung được người dân đặc biệt quan tâm và được quy định tại Chương VI của Luật Đất đai năm 2013. Vấn đề thu hồi đất, trưng dụng đất được quy định chi tiết và cụ thể hơn so với Luật Đất đai năm 2003. Các trường hợp thu hồi đất bao gồm vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, hay do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, hoặc việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.


Thu hồi, trưng dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt 

Trường hợp Nhà nước phải thu hồi đất trước hết là vì mục đích quốc phòng, an ninh như để làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc; xây dựng căn cứ quân sự; xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh. Xây dựng ga, cảng quân sự. Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng; xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang.  

Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; khi thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư buộc phải thu hồi đất. Chẳng hạn như dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); dự án xây dựng các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao...  
 
Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải căn cứ vào các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.  

Nhà nước còn thực hiện thu hồi đất do người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể là sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng liên tục trong thời hạn 12 tháng; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục. 
 
Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng cũng bị thu hồi...  

Theo Tiến sĩ Phạm Phương Nam, Khoa Quản lý đất đai, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội: Căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn UBND cấp huyện có quyền ra quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.  

Về trưng dụng đất: Nhà nước trưng dụng đất chỉ trong trường hợp thật cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp phòng chống thiên tai. Quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản. Trường hợp khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền được quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, nhưng phải viết giấy xác nhận việc quyết định trưng dụng đất ngay tại thời điểm trưng dụng.  

Quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm ban hành. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, gia hạn trưng dụng đất. Người có thẩm quyền trưng dụng đất không được phân cấp thẩm quyền cho người khác.       

Quy định về bồi thường khi thu hồi, trưng dụng đất 

  Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam, mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai năm 2013 khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau: Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở. Trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất hay nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền. Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.  

Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở, mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở khác thì được Nhà nước bán, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.  

Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất.
 
Riêng người có đất trưng dụng cũng sẽ được bồi thường thiệt hại, trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do trưng dụng đất trực tiếp gây ra. Đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán. Còn thiệt hại về thu nhập thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức độ thiệt hại thu nhập thực tế, tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả.  

Tuy vậy, mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất. Tiền bồi thường do trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất./.   

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn