Tin tức

Chất vấn việc sử dụng vốn quý của quốc gia 22/08/2013

0
Vấn đề đất đai và khoáng sản luôn nóng và thực sự không là vấn đề mới khi được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nhắc đến nhiều trong các phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang vì kết quả chuyển biến thực sự chưa thấm vào đâu so với thực tế.




Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của các ĐBQH.

Trách nhiệm thuộc về địa phương?

Chính vì vậy, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH chiều 20-8 những vấn đề như trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản (vàng, cát, sỏi…) gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí vẫn được nhiều ĐBQH đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, với hầu hết các câu hỏi ĐBH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang đều cho rằng trách nhiệm thuộc về các địa phương.

Trả lời câu hỏi của ĐB Danh Út (Kiên Giang) về tình hình quản lý khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Theo Bộ trưởng,  việc cấp phép khai thác khoáng sản kéo theo những hệ lụy về môi trường, an ninh xã hội, trong khi ngân sách thu lại không được bao nhiêu.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã gửi đến các ĐBQH thông điệp liên quan đến khai thác khoáng sản: “Phải hết sức kiềm chế, càng đào bới thì càng thiệt hại. Cũng từng ở các tỉnh, đến giờ tôi mới thấy sai lầm, thu ngân sách không đáng kể nhưng thiệt hại vô cùng lớn!”.
Tuy nhiên, nhìn nhận trách nhiệm, theo Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm chính lại thuộc về thẩm quyền địa phương.
Trả lời chất vấn của ĐB Danh Út: “trong 17 tháng qua, cấp quá nhiều giấy phép khai thác, và quá nhiều vi phạm trong cấp phép, vậy cần phải xử lý thế nào”, vị Bộ trưởng khẳng định: “Trách nhiệm cấp phép sai chủ yếu là các địa phương, có địa phương còn cố tình làm sai, cần hết sức rút kinh nghiệm. Còn Bộ chúng tôi làm rất nghiêm theo quy định pháp luật”.

Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc nhở việc để địa phương cấp phép sai, với chức năng quản lý ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có phần trách nhiệm và yêu cầu Bộ trưởng cung cấp rõ danh sách các tỉnh cấp phép sai để giám sát.

Bộ không có cách nào khi địa phương chậm!

Về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, kết quả cấp giấy chứng nhận của cả nước trong 6 tháng qua vẫn còn đạt thấp (đạt 21,6% về diện tích so với kế hoạch thực hiện năm 2013).

Giấy chứng nhận các loại đất chính trong năm 2013 của cả nước vẫn còn nhiều, trong khi theo yêu cầu của QH, đến cuối năm, công việc này cần phải hoàn thành. Tại  nhiều tỉnh, thành phố có kết quả cấp giấy chứng nhận ở nhiều loại đất chính còn đạt thấp dưới 70% diện tích cần cấp, đặc biệt như các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Nông…
Báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường gửi đến phiên họp này của UBTVQH cũng nhấn mạnh: “Việc chỉ đạo triển khai thực hiện cấp giấy chứng nhận ở một số địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, thường xuyên, chưa tạo sự chuyển biến mãnh mẽ trong tổ chức thực hiện ở các cấp huyện, xã; một số giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả đạt được chưa cao”.

Tuy nhiên, trước sự sốt ruột về tiến độ chậm chạp này của các ĐBQH, người đứng đầu ngành Tài nguyên Môi trường cho biết ông mới chỉ hứa 1 lần, trong khi người tiền nhiệm của ông đã hứa một số lần rồi”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, 6 tháng qua đã họp với các tỉnh 2 lần để thúc đẩy tiến độ, “nhưng việc thực hiện chủ yếu ở các địa phương chậm, chúng tôi cũng không có cách nào”.
Một trong những vấn đề lớn liên quan đến chính sách đất đai được ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường có giải pháp kiến nghị tham mưu cho QH, Chính phủ đó là những người sinh năm 1993 trở lại đây (6 triệu nông dân) không có đất sản xuất. Vì là vấn đề lớn, ĐB Đỗ Văn Vẻ không yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời giải đáp mà Bộ cần có những giải pháp trình QH, Chính phủ để xử lý vấn đề này. Chính vì vậy, giải pháp do Bộ trưởng đưa ra đó là sẽ có điều chỉnh với sự đồng thuận của các địa bàn dân cư và dần dần sẽ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cùng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa làm ĐBQH hài lòng.

Đánh giá phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẳng thắn và nghiêm túc nhận trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường. “Bộ đã có nhiều nỗ lực tham mưu cho Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết của QH và những kết quả đạt được là đáng trân trọng, tuy nhiên theo yêu cầu đặt ra và mong muốn của cử tri, Bộ trưởng cần nỗ lực hơn nữa, trước mắt là thực hiện các mục tiêu đã đề ra từ nay đến cuối 2013”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.



Nguồn tin: Theo xaluan.com