Tin tức

Sắp ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng 09/11/2020

0
Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng được trình Thủ tướng hồi tháng tư và dự kiến ban hành trong năm 2020.




Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết như trên, khi trả lời đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh trong phiên chất vấn ở Quốc hội sáng 9/11.

Theo ông Hùng, tháng 4/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng xem xét ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã họp, đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ cân nhắc thẩm quyền ban hành.

"Trong tuần này, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ đề xuất Thủ tướng thẩm quyền ban hành", ông Hùng nói.

Về việc lồng ghép vấn đề bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho hay, Bộ quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em.

Người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.

"Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025", ông Hùng nói. Đề án đưa ra những giải pháp như tạo lập một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm, chủ động chọn lọc và gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng, tự nhận diện các nguy cơ. Đề án đã được trình Thủ tướng và cũng sẽ ban hành trong năm 2020.

Liên quan nội dung trên, hôm 6/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ yêu cầu định danh người dùng, coi đây là giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn tin giả.

 

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông
Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Tại phiên chất vấn, đại biểu Cầm Thị Mẫn đặt câu hỏi về chuyển đổi số quốc gia, "trách nhiệm quản lý nhà nước và hành động của Bộ trưởng để triển khai chương trình hiệu quả, nhanh chóng đưa chuyển đổi số vào cuộc sống?".

Về vấn đề này, ông Hùng cho hay, ngay sau khi Đề án chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, Bộ đã triển khai quyết liệt, bắt đầu từ công tác lập kế hoạch, nâng cao nhận thức và tạo ra các nền tảng để chuyển đổi số.

Tháng 6/2020, Bộ ban hành khung nội dung chuyển đổi số. Dựa trên khung này, 20 bộ, ngành, địa phương đã xây dựng đề án chuyển đổi số. Một số địa phương làm nhanh như TP HCM, Thừa Thiên Huế...

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông thí điểm chuyển đổi số ở 10 xã, đặc biệt tập trung cho các xã miền núi, như xã Vi Hương (Bắc Kạn). Nhờ việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại, thu nhập của bà con trong hợp tác xã tăng từ 1 đến 1,5 triệu đồng lên 3 đến 3,5 triệu đồng mỗi tháng.

Tại huyện Yên Mô (Ninh Bình), việc ứng dụng phần mềm y tế từ xa để hỗ trợ khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe đã giúp tiết kiệm thời gian đi lại, người dân có thể tiếp cận được bác sĩ trên toàn quốc.
 


Đại biểu Cầm Thị Mẫn. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Theo Bộ trưởng Hùng, đến nay trên 30 nền tảng số Việt Nam đã ra mắt và Bộ đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số. "Chúng tôi sẽ công bố xếp hạng các địa phương, vì việc gì mà đo được sẽ quản lý và thúc đẩy được", ông Hùng nói.

Trả lời đại biểu Bùi Thanh Tùng về việc tại sao xây dựng cơ sở dữ liệu số chậm, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay khi nói đến cơ sở dữ liệu có hai loại. Cơ sở dữ liệu quốc gia là những nền tảng chung cho toàn quốc dùng và cơ sở dữ liệu của bộ ngành, địa phương.

Chính phủ tập trung thúc đẩy sáu cơ sở dữ liệu quốc gia, đến nay đã xong 4. Còn dữ liệu dân cư đáp ứng khai trương vào tháng 2/2021, hoàn thiện trong 7/2021; dữ liệu đất đai hết năm 2020 sẽ xong nền tảng để bắt đầu nhập liệu từ năm sau.

Với các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật để có thể kết nối được với nhau; xây dựng trục kết nối chia sẻ dữ liệu. Hiện 90% các bộ ngành, địa phương đã xong trục này; hết năm 2020 thì 100% hoàn thành.

"Năm 2020 như vậy là xong về chiến lược, thể chế, nền tảng. Hi vọng từ 2021, tiến độ cơ sở dữ liệu số cả quốc gia và bộ ngành, địa phương sẽ được đẩy nhanh", Bộ trưởng Hùng nói.



Nguồn tin:Theo vnexpress.net