Tin tức

Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật khí tượng thủy văn 20/08/2015

0
Chiều ngày 12 tháng 8 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) đã họp phiên họp lần thứ 40 cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật khí tượng thủy văn (KTTV).





Toàn cảnh Phiên họp lần thứ 40 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. Dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đơn vị chuyên môn thuộc Văn phòng Quốc hội.

Dự án Luật khí tượng thủy văn đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 vừa qua. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 60 điều.

Tại phiên họp lần thứ 40, đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khí tượng thủy văn gồm: phạm vi điều chỉnh của Luật; về quản lý khai thác mạng lưới trạm KTTV; dự báo, cảnh báo KTTV; về hoạt động phục vụ, dịch vụ KTTV; quản lý nhà nước về KTTV.
 
 
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội
trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu,
 chỉnh lý dự thảo Luật khí tượng thủy văn

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, dự thảo đã bổ sung nội dung tác động vào thời tiết, quản lý nhà nước về KTTV. Theo đó, Luật quy định về hoạt động KTTV gồm: quan trắc, dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; giám sát biến đổi khí hậu; phục vụ, dịch vụ KTTV; tác động vào thời tiết; quản lý nhà nước và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV.

Về  quản lý, khai thác mạng lưới trạm KTTV, dự thảo Luật đã làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch mạng lưới trạm KTTV và giám sát biến đổi khí hậu quốc gia với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đáp ứng yêu cầu chia sẻ dữ liệu giữa các mạng lưới quan trắc, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước; đồng thời đã quy định cụ thể về mối quan hệ giữa quy hoạch mạng lưới trạm KTTV và giám sát biến đổi khí hậu quốc gia với quy hoạch mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng và cho phép tổ chức, cá nhân xây dựng quản lý và khai thác trạm KTTV chuyên dùng.

Về dự báo, cảnh báo KTTV, dự thảo Luật đã bổ sung quy định rõ các hành vi bị cấm; đồng thời quy định về dự báo, cảnh báo KTTV văn phải bảo đảm tin cậy; cũng như quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai lệch hoặc không đầy đủ, vi phạm các quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo KTTV làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế-xã hội.

Về hoạt động phục vụ, dịch vụ KTTV, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng phân biệt rõ dịch vụ KTTV là dịch vụ công không vì mục đích lợi nhuận và là hoạt động có thu trên cơ sở thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ; đồng thời bổ sung nhiệm vụ cụ thể đối với cơ quan KTTV của Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động phục vụ, dịch vụ KTTV.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật đầu tư về ngành nghề kinh doanh có điều kiện với hoạt động cung cấp dịch vụ dự báo KTTV và dự án Luật phí và lệ đang được Quốc hội xem xét để thông qua về một số mục thu phí và lệ phí đối với một số hoạt động KTTV. Về quản lý nhà nước về KTTV, dự thảo Luật đã xem xét, làm rõ hơn các quy định liên quan tới trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp; thể hiện lại các nội dung còn trùng lắp và chưa rõ; bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc bố trí kinh phí cho các hoạt động KTTV trên địa bàn.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung của dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời thảo luận, cho ý kiến thêm về một số nội dung của dự thảo Luật. Các ý kiến thảo luận tại cuộc họp tập trung vào các hoạt động dịch vụ KTTV; phí, lệ phí và thương mại hóa thông tin, dữ liệu KTTV, việc huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động KTTV; việc khai thác, sử dụng, cung cấp và trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV; v.v... Ngoài ra, các ý kiến cũng đề cập tới việc bảo đảm tính thống nhất giữa dự án Luật khí tượng thủy văn với một số dự án luật khác có liên quan đang được Quốc hội khóa XIII xem xét như dự án Luật tiếp cận thông tin, dự án Luật quy hoạch cũng như tính minh bạch của Luật nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu và khả năng đầu tư vào hoạt động KTTV.

Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, tại phiên họp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trình bày ý kiến bổ sung thông tin và hướng tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật đối với một số nội dung mà các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Bộ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động KTTV.
 
 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguyễn Minh Quang phát biểu tại phiên họp

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kết luận về cơ bản thống nhất với Báo cáo một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khí tượng thủy văn. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan soạn thảo phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan liên quan của Quốc hội, các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội. Tiếp tục tập trung vào các nội dung về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động KTTV; vai trò của các thành phần kinh tế trong việc đầu tư vào hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV và quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014; phí, lệ phí và giá dịch vụ trong hoạt động KTTV, trình Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
 
Dự thảo Luật khí tượng thủy văn gồm 11 Chương, 60 Điều. Luật Khí tượng thủy văn được ban hành sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội có hiệu quả. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn