Tin tức

Công bố sự kiện Ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2021 04/01/2022

0
Ngày 31/12/2021. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 2652/QĐ-BTNMT về Công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2021.
 




Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

01. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là chủ đề quan trọng tại các Chương trình Nghị sự cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Theo đó, nhiệm vụ đặt ra cần phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, tài nguyên và môi trường là chủ đề trọng tâm được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, trực tiếp thảo luận tại các Hội nghị, Diễn đàn cấp cao trong nước và quốc tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu tiên thuộc Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ làm việc với nhiều chỉ đạo mang tính chiến lược, thông điệp và tầm nhìn mới.
 


Đoàn Việt Nam tại COP26. Tại Hội nghị, Việt Nam đã thể hiện những
cam kết mạnh mẽ chung tay cùngcác quốc gia trên thế giới ứng phó với BĐKH

02. Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ tại COP26.

Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với cam kết hành động mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính. Việt Nam quyết tâm đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, cắt giảm 30% khí mê-tan vào năm 2030, tham gia tuyên bố chuyển đổi chuyển đổi năng lượng, rừng và sử dụng đất, hành động thích ứng toàn cầu. Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành kịp thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách mang tính đột phá, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam cũng đã ký và triển khai nhiều chương trình hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các-bon thấp với nhiều đối tác quốc tế, đồng thời tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng về khí hậu, tài nguyên và môi trường.


 Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

03. Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Nghị quyết xác định mục tiêu bảo đảm nhu cầu sử dụng đất thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%...



Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn,
đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (ảnh minh họa: TTXVN)

04. Ban Bí thư Trung ương Đảng Chỉ thị về công tác khí tượng thuỷ văn.

Ngày 25 tháng 9 năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt Chỉ thị nhìn nhận, đánh giá công tác khí tượng thủy văn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đồng thời là động lực và trọng trách của ngành khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 với mục tiêu đến năm 2030, phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2045, phát triển ngành khí tượng thủy văn có trình độ, năng lực tương đương các nước phát triển trên thế giới; cung cấp 100% thông tin phân vùng thiên tai, rủi ro thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước phục vụ việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm quốc gia.

05. Tài nguyên nước được quản lý theo quy hoạch tổng hợp.

          Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số đề án khác. Đây tiếp tục là những công cụ nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước quốc gia; hướng đến việc quản lý tài nguyên nước đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia và tính liên vùng; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước lưu vực sông; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.



 
06. Đổi mới, tăng cường và hội nhập quốc tế để phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

          Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2021 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo sự chuyển biến, động lực, giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cũng trong năm 2021, Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia của giai đoạn 2016 - 2020 được công bố. Đây là báo cáo đầu tiên phản ánh hiện trạng môi trường biển quốc gia được xây dựng dựa trên việc áp dụng mô hình Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng cho môi trường biển; làm cơ sở định hướng, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển và hải đảo, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và thực thi hiệu quả các quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

07. Thu nhận tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 độ phân giải cao, đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

          Việc đưa vào vận hành, khai thác Hệ thống thu nhận tín hiệu vệ tinh viễn thám thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám độ phân giải cao của vệ tinh Spot 6, Spot 7 của Cộng hòa Pháp và một số vệ tinh có ảnh độ phân giải cao khác; cung cấp ảnh viễn thám độ phân giải 1,5 mét, dải chụp với kích thước lên đến 60 km, hàng năm cung cấp số lượng ảnh có diện tích phủ trùm toàn bộ lãnh thổ trên đất liền, trên các vùng biển của Việt Nam.

          Cùng với việc thu nhận ảnh vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 của Việt Nam, Hệ thống thu nhận tín hiệu vệ tinh viễn thám độ phân giải cao góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về viễn thám, phục vụ cho yêu cầu quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; cung cấp dữ liệu viễn thám cho các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
08. UNESCO công nhận 02 Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng được gia nhập mạng lưới Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
           Khu Dữ trữ sinh quyển Núi Chúa có hệ sinh thái khô hạn đặc trưng Đông Nam Á với diện tích tự nhiên 29.856 ha, nơi hội tụ không gian rừng, biển và bán sa mạc, nơi chung sống của hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có 10 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới; 756 loài động vật rừng, trên 350 loài san hô, hàng trăm loài động vật biển; hệ sinh thái rừng có giá trị đặc biệt và là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu được lựa chọn vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái đất.

Khu Dữ trữ sinh quyển Kon Hà Nừng có tính đặc trưng cao nguyên đặc sắc, trải rộng trên diện tích gần 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện (Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ) và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai; sự phong phú của hệ sinh thái rừng kín nhiệt đới và tính đa dạng sinh học cao; chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc của cộng đồng địa phương.       
09. Cần Thơ đoạt Giải thưởng thành phố bền vững môi trường ASEAN; nhiều cá nhân đoạt giải thưởng quốc tế lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

          Đây là thành phố thứ 5 của nước ta đoạt danh hiệu thành phố bền vững môi trường ASEAN. Giải thưởng được trao tại Lễ trao Giải thưởng thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5 và Chứng chỉ thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 4 hưởng ứng chuỗi sự kiện Hội nghị ASOEN32.      
 
          Năm 2021, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) trở thành Nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam được vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Goldman - giải thưởng được ví như Nobel xanh thế giới với nhiều nỗ lực công tác bảo tồn động vật hoang dã, các hoạt động ý nghĩa lớn về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong nước và quốc tế. Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) trao giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho các nhà khoa học trẻ với công trình “Đề xuất phương pháp mới để nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của mô hình tích hợp khí tượng thủy văn", phương pháp mới nâng cao độ chính xác dự báo lũ hạn ngắn, giải quyết được nhiều yếu điểm của các phương pháp đang được sử dụng phổ biến về dự báo lũ trên thế giới hiện nay./.




Nguồn tin:Theo CTTĐT monre.gov.vn