Tin tức

Đảm bảo an ninh nguồn nước - ngày càng trở lên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu 20/10/2015

0
Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội thảo và triển lãm quốc tế lần thứ IV “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” (VACI 2015) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức, diễn ra ngày 19/10, tại Hà Nội.





Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Kể từ năm 2012 – đây là diễn đàn thường niên để các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ, nhìn nhận những thách thức, đưa ra cơ hội hợp tác và giới thiệu công nghệ, giải pháp mới về lĩnh vực tài nguyên nước, thúc đẩy việc phát triển bền vững nguồn nước.

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến dự và phát biểu chỉ đạo; ông Phạm Khôi Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT; ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo; bà Phan Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Tống Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương, Khoa học và Công nghệ; các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; các Sở: TN&MT, NN&PTNT và Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các viện, trường, doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu.

 \

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Về phía quốc tế có sự tham dự của ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; đại diện các đại sứ quán: Cộng hòa liên bang Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan; các tổ chức quốc tế: Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Đức (Bộ BMZ), Viện Khoa học địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (viện BGR), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), Cơ quan Hợp tác Chương trình khoa học địa chất vùng Đông và Đông Nam Châu Á (CCOP); đại diện các chuyên gia, nhà khoa học về nước đến từ 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của hơn 20 đơn vị tài trợ gồm các tập đoàn, trường đại học, công ty và doanh nghiệp trong và ngoài nước; đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương và quốc tế.

Thách thức bảo đảm an ninh nguồn nước toàn cầu


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh một thông điệp quan trọng của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon nhân Ngày Nước thế giới năm 2015, đó là: “Nước hết sức quan trọng và cần thiết đối với an ninh lương thực, năng lượng, đồng thời là vai trò trụ cột trong các ngành công nghiệp” – khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm an ninh nguồn nước - vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay.
 
 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Thứ trưởng cho biết, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), trong tổng lượng 1,386 triệu km3 nước trên trái đất, có 97,5% là nước mặn đại dương. Điều này có nghĩa rằng chỉ có 2,5% lượng nước trên trái đất là nước ngọt. Tuy nhiên, không phải tất cả lượng nước ngọt này là sẵn có cho việc sử dụng của con người. Khoảng 75% lượng nước ngọt tồn tại ở các dạng băng vĩnh cửu, khoảng hơn 24% tồn tại ở dạng nước dưới đất, và ít hơn 1% tổng lượng nước ngọt được tìm thấy trong các sông ngòi, hồ và đầm lầy. Trong khi đó, thế kỷ 20, dân số thế giới tăng khoảng 3 lần và đến nay đạt khoảng 7 tỷ người. Nhu cầu lương thực, năng lượng và nâng cao chất lượng cuộc sống kéo theo lượng nước sử dụng tăng khoảng 7 lần. Với mức độ gia tăng như vậy thì nguồn tài nguyên nước ngọt đang ngày càng cạn kiệt. Theo dự đoán đến năm 2025, có khoảng 2/3 dân số toàn cầu sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước.

Thế giới hiện nay đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự biến động về mô hình phát triển kinh tế, về nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên quốc gia do nhu cầu sử dụng nước của mỗi quốc gia ngày càng tăng. Sự biến động này đang nảy sinh những thách thức to lớn cho sản xuất, đời sống và an ninh toàn cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tới 04 thách thức cơ bản liên quan đến nguồn nước. Trước hết, đó là vì nguồn nước tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mỗi người dân, từng quốc gia. Sự gia tăng dân số thế giới nhanh chóng đang làm cho nhu cầu chính yếu về nước, lương thực và năng lượng tăng lên mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc thì hiện nay có hơn 1 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để dùng. Hơn 100 quốc gia và khu vực bị thiếu nước với mức độ khác nhau, trong đó 43 quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Vùng thiếu nước trên trái đất chiếm tới 60% diện tích các châu lục. Trong các nước đang phát triển có tới 60% số người thiếu nước sạch dùng trong sinh hoạt, 80% bệnh tật có liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Thứ hai, sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nước, các con sông liên quốc gia. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 150 quốc gia đang cùng nhau chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển. Các nguồn nước chảy qua nhiều quốc gia đó đòi hỏi phải có sự hợp tác và chung sức để xử lý các vấn đề liên quan, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng. Thứ ba, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ đang làm suy thoái nguồn nước, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý các vấn đề ô nhiễm chưa được coi trọng thỏa đáng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và khả năng tiếp cận nước sạch của người dân. Thứ tư, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường. Biến đổi khí hậu đã hiện hữu, dẫn đến những diễn biến thiên tai bất thường, cực đoan với quy mô và cường độ ngày càng gia tăng. Nhiều quốc gia đang đứng trước thực trạng nước sông, nước ngầm suy giảm đáng kể hoặc cạn kiệt, các lớp băng tan nhanh hơn, mực nước biển, triều cường và xâm nhập mặn gia tăng…, ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp nước cho đời sống, sản xuất. Những tháng đầu năm 2015 tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, nắng nóng, hạn hán đã xảy ra hết sức khốc liệt; nhiều khu vực của Việt Nam không có mưa ngay trong mùa mưa lũ, do vậy tình trạng hạn hán năm 2016 có thể diễn ra khốc liệt hơn nữa.

Việc đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu và ứng dụng như phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phương pháp quản lý nước theo lưu vực sông, cách tiếp cận theo hệ thống: nước - năng lượng - lương thực, tiếp cận tăng trưởng xanh...

 

Toàn cảnh Hội thảo


Chính phủ Việt Nam – nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước. An ninh nguồn nước đang trở thành một trong những thách thức lớn cho tương lai của Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, tác động tiêu cực của các chính sách phát triển thiếu bền vững, quy hoạch thiếu tầm nhìn trong những thập kỷ qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thách thức này.

Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như: sông Hồng và sông Mê Kông. Mặc dù đã có khá nhiều các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước nhưng thực tế phát triển và xu hướng chiếm hữu tài nguyên vẫn đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.

Trong phạm vi quốc gia, nguồn nước, hệ thống sông ngòi của Việt Nam là nơi gánh chịu những đánh đổi rõ nét nhất từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Sự biến động của hệ sinh thái sông ngòi tất yếu dẫn đến những thay đổi liên hoàn của môi trường, tác động lên hệ sinh thái và cuộc sống con người. Nguồn sinh kế truyền thống và nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu từ bao đời đã bị giảm sút hoặc thậm chí biến mất ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, sự phân bố không đồng đều và khan hiếm nguồn nước cũng khiến việc chia sẻ, sử dụng nguồn nước trong lưu vực một cách công bằng, hợp lý giữa các địa phương, các bên liên quan trở thành một thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản là: (i) hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại do nước gây ra; (ii) tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các quốc gia ở thượng nguồn để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước; (iii) tăng cường các biện pháp chủ động thích nghi, ứng phó với những diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước ở thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia; (iv) đẩy mạnh quy hoạch, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia; (v) tăng cường vai trò của khoa học - công nghệ và hợp tác tác quốc tế trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, hiệu quả quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước; (vi) đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội về an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân hãy tiếp tục phát huy các sáng kiến nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đạt được mục tiêu nước toàn cầu “đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững”.

Hội thảo và Triển lãm quốc tế lần thứ IV: “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động”


Kể từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu tổ chức Hội thảo và triển lãm quốc tế về nước nhằm tạo ra một diễn đàn để các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ cơ hội hợp tác và giới thiệu công nghệ, giải pháp mới về lĩnh vực tài nguyên nước. Đến nay, chúng ta đã bước qua 03 kỳ Hội thảo với các chủ đề rất thiết thực và ý nghĩa về nước nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vị thế khoa học công nghệ ngành nước, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho biết.
 
Hội thảo và Triễn lãm Quốc tế lần thứ tư trong khuôn khổ các hoạt động thường niên của Sáng kiến hợp tác về nước tại Việt Nam - VACI 2015 (Vietnam Water Cooperation Initiative) với chủ đề “An ninh nguồn nước trong bối cảnh của biến đổi khí hậu” nhằm tạo ra một diễn đàn để các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ cơ hội hợp tác và giới thiệu công nghệ, giải pháp mới về lĩnh vực tài nguyên nước, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vị thế khoa học công nghệ ngành nước.

Trong thời gian rất ngắn, Hội thảo đã nhận được gần 100 bài báo cáo khoa học, tham luận và poster từ gần 20 nước khác nhau, tập trung vào nhiều nội dung quan trọng liên quan đến an ninh nguồn nước.

Các tham luận và trên 50 bài posters đã được trình bày tại Hội thảo tập trung vào các nội dung chính: (i) An ninh nguồn nước và quản lý tổng hợp tài nguyên nước; (ii) Liên kết khoa học – chính sách trong khối ASEAN; (iii) Tài nguyên nước ngầm; (iv) Công nghệ nước. Nhiều thông tin, bài học kinh nghiệm và công nghệ liên quan đến việc đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại các quốc gia khác nhau được thảo luận, chia sẻ nhằm tìm kiếm các chiến lược bảo vệ, khai thác hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia, đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh và phát triển kinh tế xã hội.




Nguồn tin:Theo monre.gov.vn