Tin tức

Đổi mới để quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản 04/01/2019

0
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sáng 03/01/2019, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đến dự và chỉ đạo, nhấn mạnh tới việc tiếp tục phải đổi mới cơ chế đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản để quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường.



Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và đông đảo công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Báo cáo kết quả công tác năm 2018, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Bùi Vĩnh Kiên cho biết: Đối với công tác chỉ đạo điều hành, Tổng cục đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành. Lãnh đạo Tổng cục đã phân công nhiệm vụ cụ thể; quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính, cấp phép hoạt động khoáng sản, thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhờ đó Chương trình công tác năm 2018 cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Công tác pháp chế, Tổng cục đã hoàn thành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không để nợ đọng văn bản, nhiệm vụ. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt Nghị định sửa đổi Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 khi được ban hành sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, triển khai có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; đã tăng cường phối hợp với địa phương, chủ động nắm bắt các thông tin lĩnh vực địa chất, khoáng sản từ nhiều nguồn khác nhau để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Công tác kinh tế địa chất khoáng sản đã đạt được kết quả đáng kể, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, đặc biệt kết quả đấu giá thành công mỏ quặng sắt khu vực Nam Phia Đăm, xã Bằng Thành và xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn với mức thu tiền cấp quyền trúng đấu giá cao hơn nhiều mức khởi điểm.
 
Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương phát biểu tại Hội nghị

Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, đặc biệt là hợp tác với Viện VSEGEI của Nga với định hướng mới trong triển khai đề án đang góp phần gia tăng đáng kể tài nguyên, trữ lượng urani của mỏ. Năm 2018, Tổng cục tiếp tục triển khai thi công 05 đề án Chính phủ: Đề án “Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng than phần đất liền bể Sông Hồng”, Đề án “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, Nam Giang, Quảng Nam”, Đề án bay đo trọng lực, từ biển tỉ lệ 1:250.000, Đề án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam”, Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”. Đối với Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” mới triển khai năm đầu tiên nhưng cũng đã có một số phát hiện mới về địa chất, khoáng sản và một số khu vực có triển vọng khoáng sản: vàng, thiếc - wolfram, kaolin, felspat.

Công tác cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực khoáng sản đã có nhiều chuyển biến tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý được đẩy mạnh; các quy định, quy trình thủ tục hành chính ngày càng hoàn thiện để đáp ứng mục tiêu thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, đã hoàn thành điều kiện để triển khai 11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Công tác hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả, đặc biệt trong lĩnh vực song phương với những hợp tác cụ thể với nhiều đối tác lớn, có uy tín, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và điều tra địa chất về khoáng sản. Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với Tổng Hội Địa chất Việt Nam lần đầu tiên tổ chức thành công Đại hội Địa chất, Tài nguyên, Khoáng sản và Năng lượng khu vực Đông Nam Á lần thứ 15 với hơn 500 đại biểu, trong đó có 127 đại biểu quốc tế là các nhà địa chất và quản lý tham dự; tập hợp được 305 bài báo khoa học bao trùm các lĩnh vực về khoa học trái đất; tổ chức thành công 05 chuyến thực địa trước và sau Đại hội cho các đại biểu tham dự.
 
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Bùi Vĩnh Kiên

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương đã nêu lên một số khó khăn vướng mắc của Tổng cục, các kiến nghị và đề nghị đối với Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ quan tâm phối hợp, tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu tiến độ và chất lượng, đồng thời đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành,...
Tổng Cục trưởng cũng nhấn mạnh về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, đó là: Tập trung xây dựng 02 Nghị định và 02 Thông tư; tiếp tục đơn giản hóa, minh bạch các quy trình thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu quả thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản; đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch khoáng sản các khu mỏ đủ điều kiện đấu giá; tập trung triển khai công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đặc biệt là điều tra địa chất và đánh giá khoáng sản thuộc Đề án Tây Bắc.

 
Toàn cảnh Hội nghị

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các đơn vị trong Tổng cục và ý kiến tham gia của lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trần Quý Kiên biểu dương những thành tích đã đạt được của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản  Việt Nam trong năm 2018, đặc biệt trong việc chủ trì tổ chức thành công Đại hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á lần thứ 15 (Geosea XV); xây dựng 05 văn bản quy phạm pháp luật gồm 02 Nghị định và 03 Thông tư đảm bảo tiến độ và chất lượng. Thứ trưởng cũng đánh giá cao thành tích của Tổng cục lần đầu tiên tổ chức đấu giá thành công mỏ quặng sắt khu vực Nam Phia Đăm, xã Bằng Thành và xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn với mức thu tiền cấp quyền trúng đấu giá tăng 35% so với mức khởi điểm.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ công tác năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục cần bám sát và thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, đó là: “Quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác khoáng sản, trong đó có đá, cát, sỏi,... Rà soát, phân cấp quản lý phù hợp và thực hiện nghiêm quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản”. Tổng cục cần tăng cường công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt tập trung nhân lực để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị quyết của Quốc hội về miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Chuẩn bị nghiên cứu toàn diện để đến năm 2020 sẽ đề nghị sửa đổi những bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010.

Tập trung triển khai công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đặc biệt là điều tra địa chất và đánh giá khoáng sản các khu vực có triển vọng. Tính toán tiềm năng, triển vọng của địa chất khoáng sản biển. Đối với công tác đấu giá, cấp phép khoáng sản, Thứ trưởng yêu cầu: “Cần đổi mới cơ chế đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản để quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Giảm bớt cơ chế xin, cho, đồng thời, phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần bảo vệ môi trường”.

Trước những yêu cầu đổi mới, để thu hút nhân tài, đội ngũ cán bộ chuyên sâu cho ngành địa chất và khoáng sản, Thứ trưởng đề nghị: “Tổng cục cần phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ để nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để chiêu hiền đãi sỹ, để các nhân tài yên tâm cống hiến, phấn đấu và ở lại với Ngành”.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn