Tin tức

Hội nghị Tổng kết dự án Xây dựng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế 02/06/2011

0
Sáng ngày 27 tháng 5 năm 2011, tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội nghị Tổng kết dự án Xây dựng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế và lễ ký kết bàn giao sản phẩm GISHue giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

Đến tham dự hội nghị và chứng kiến lễ ký kết, về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, có ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện của các sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo của các vụ, cục, tổng cục của Bộ Tài nguyên và Môi trường như Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Đo đạc và Bản đồ; đại diện của Tổng cục thuế ...



Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một sản phẩm mang tính công nghệ, rất phổ cập trong đời sống kinh tế, xã hội của các nước phát triển, là công cụ đắc lực phục vụ tiện ích thường nhật của cộng đồng và cũng là công cụ quản lý hiệu quả về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của các cấp quản lý từ cơ sở, địa phương đến trung ương. Ở nước ta, cũng đã có một số địa phương, một số ngành xây dựng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhưng chủ yếu là đơn ngành, phục vụ cho một lĩnh vực như GIS du lịch, GIS giao thông ... Vì vậy GISHue là một trong những dự án GIS đầu tiên xây dựng với nội dung đa ngành, đa chức năng theo một quy mô đồng bộ, khép kín cho cả một địa phương cấp tỉnh.

Dự án GISHue là một dự án táo bạo, có tính mạo hiểm cao, là một dự án công nghệ cao đi tiên phong cho cả nước, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT trong quản lý nhà nước và CCHC.

Dự án đã được triển khai thực hiện từ ngày 19/5/2006, với sự chỉ đạo sát sao của các Bộ ngành Trung ương, của UBND tỉnh; sự tích cực, nỗ lực cố gắng của Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (đơn vị Tổng thầu) và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, địa phương trên địa bàn tỉnh, đến nay dự án đã hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng với 11 hạng mục.

1. Xây dựng CSDL địa lý nền địa hình tỉnh Thừa Thiên Huế
2. Xây dựng chuẩn thông tin địa lý GISHue
3. Đào tạo
4. Xây dựng Hệ thống thông tin du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế
5. Xây dựng dữ liệu thông tin địa lý thành phố Huế
6. Xây dựng dữ liệu địa lý về điều kiện tự nhiên - tài nguyên môi trường
7. Xây dựng dữ liệu địa lý quy hoạch phát triển kinh tế xã hội
8. Xây dựng hệ thống thông tin địa lý tích hợp GISHue và các phân hệ khai thác tại các sở/huyện
9. Xây dựng hệ thống thông tin thành phố Huế
10. Xây dựng dữ liệu địa chính phục vụ hệ thống thông tin địa lý toàn bộ thành phố Huế
11. Xây dựng CSDL địa lý giao thông thành phố Huế


Tại Hội nghị, Ông Trần Ngọc Nam - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban quản lý dự án GISHue, đại diện cho đơn vị chủ đầu tư đã đọc Báo cáo tổng kết dự án GISHue.



Ông Lê Đình Ái - Tổng giám đốc Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, đại diện cho đơn vị tổng thầu cũng đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện của dự án GISHue



Đại diện cho đơn vị sử dụng, ông Hoàng Bảo Hùng - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, giám đốc Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử tỉnh cũng đã báo cáo tình hình ứng dụng sản phẩm GISHue.



Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ tịch Nguyễn Văn Cao phát biểu tại hội nghị



Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại hội nghị



Lễ Ký bàn giao đưa vào sản phẩm sử dụng GISHue giữa các bên.



Sản phẩm của dự án GISHue cho phép ứng dụng công nghệ GIS một cách hiệu quả ở các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện khác, góp phần đạt được mục tiêu của chương trình cải cách hành chính và chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cho Thừa Thiên Huế một cách lâu dài và bền vững.

Dự án GISHue có thể được coi là mô hình thí điểm cho nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc. Thực tế kinh nghiệm của GISHue cũng đã bước đầu được chia sẻ ở một số địa phương như: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Thuận, Hà Nội, Vĩnh Phúc ...

Sắp tới, với mục tiêu của chương trình cải cách hành chính và chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Quốc gia, mô hình GISHue sẽ tiếp tục được rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng cho nhiều địa phương khác.


Phòng KH&HTQT