Tin tức

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030. 26/02/2019


Ngày 08 tháng 11 năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1497/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Chiến lược) trên các loại hình thông tin: báo chí, xuất bản, thông tin công cộng trên in-tơ-nét, thông tin cơ sở.



Theo đó, đến năm 2025, 100% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận báo in hoặc báo điện tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; 70% được nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương; 100% dân số các vùng còn lại được nghe, xem các chương trình này....

Đặc biệt: 100% cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của người dân về việc thực hiện quản lý nhà nước của ngành, của địa phương; 100% các trang tin điện tử cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng In-tơ-nét đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nội dung thông tin, xác thực người dùng; 100% các cơ quan hành chính nhà nước có trang thông tin điện tử thích ứng với các thiết bị di động, dễ dàng tra cứu, kết nối với các dịch vụ do Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước cung ứng; 100% các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của cơ quan, tổ chức Việt Nam được áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thông tin, an toàn thông tin; 100% các trang thông tin điện tử Việt Nam cung cấp các thông tin cần thiết về cơ quan, tổ chức trên trang chủ theo quy định của pháp luật.

Mục tiêu đề ra trong Chiến lược với lĩnh vực thông tin cơ sở là tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, In-tơ-nét để đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; đầu tư phát triển hệ thống truyền thanh ở các xã để tuyên truyền, phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Chiến lược phát triển thông tin quốc gia mới được phê duyệt cũng vạch rõ 6 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: (1) Giải pháp về cơ chế chính sách; (2) Giải pháp về bộ máy, nguồn nhân lực; (3) Giải pháp về tài chính; (4) Giải pháp về khoa học và công nghệ; (5) Giải pháp về nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin; (6) Giải pháp về hợp tác quốc tế.

Trong đó, với nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, thực hiện Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhiều nội dung công việc sẽ được triển khai, đó là:

• Đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân theo Chương hình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

• Chuẩn hóa hệ thống thông tin các cơ quan, tổ chức, làm cơ sở xác minh thông tin; chuẩn hóa hệ thống thông tin các cơ quan chức năng, đảm bảo thông tin được nhanh, nhạy, thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng.

• Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các loại hình thông tin theo xu hướng chung của thế giới.

• Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về công tác thông tin, quản lý thông tin, đặc biệt là thông tin điện tử.
• Tổ chức nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thông tin phục vụ phát triển thông tin trên mạng.
• Nâng cao năng lực tư vấn, chuyển giao ứng dụng cho các tổ chức nghiên cứu, tư vấn khoa học và công nghệ, các tập đoàn, doanh nghiệp các hiệp hội và cơ quan quản lý.

•Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ xuất bản để phát triển xuất bản phẩm điện tử, chuyển đổi phương thức phát hành từ phát hành truyền thống sang phát hành điện tử.

• Đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ thông tin phục vụ bảo đảm an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu thông tin.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các loại hình thông tin phát triển; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương xây dựng, hoàn thiện, đổi mới cơ chế phối hợp trong hoạt động quản lý báo chí; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện chính sách nhằm phát triển và quản lý tốt xuất bản phẩm, quản lý phim ảnh, các chương trình của nước ngoài đưa lên truyền hình, mạng In-tơ-nét.


Nguồn tin:Theo dinte.vn