Tin tức

'Tướng Giáp là cha đẻ ngành khoa học vũ trụ Việt Nam' 01/07/2015

0
Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, thời kỳ Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm lãnh đạo chuyên trách, ngành khoa học Việt Nam bước vào giai đoạn hoàng kim và đánh dấu sự ra đời của ngành khoa học công nghệ vũ trụ.



Dưới đây là bài viết của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu về thời gian ông được công tác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với anh hùng
 Phạm Tuân tại Trung tâm huấn luyện Gagarin (Liên Xô) tháng 7/1980.
 Đứng cạnh Đại tướng là Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.


"Năm 1976 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Phó Thủ tướng phụ trách khoa học, công nghệ, lúc đó tôi có điều kiện trực tiếp làm việc với Đại tướng khá thường xuyên. Ngay từ ngày đầu gặp gỡ tôi đã có ấn tượng sâu sắc về một vị tướng thông thái và nắm bắt vấn đề rất nhanh. Có thể gọi bác là đại trí thức.

Đại tướng làm lãnh đạo khoa học nhưng thần tốc như lãnh đạo quân sự. Bác đưa ra quyết định rất nhanh, cái gì trong thầm quyền là bác quyết ngay. Đó là một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về người lãnh đạo khoa học công nghệ. Có thể nói thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đại tướng là thời kỳ hoàng kim của khoa học.

Một điều đặc biệt là tuổi tôi chỉ đáng tuổi con bác, nhưng bác yêu cầu chúng tôi không gọi bác là Đại tướng mà gọi bằng anh; và bác rất vui khi chúng tôi gọi bằng anh Văn. Tôi thấy mối quan hệ giữa tôi và bác không chỉ là trên dưới phục tùng mà còn là mối quan hệ kính phục và yêu mến.

Tôi có hạnh phúc lớn khi được Đại tướng giao cho một nhiệm vụ khó khăn. Nhiệm vụ này cách đây 30 năm chúng tôi làm được nhưng giờ thì thấy khó lắm. Năm 1978, Chính phủ ta và Liên Xô thỏa thuận với nhau tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam và mời phi công Việt bay lên vũ trụ cùng với phi công vũ trụ Liên Xô. Đây là sự kiện rất lớn.

Chính phủ lập ra Ban Chỉ đạo chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban chỉ đạo. Thành viên Ban Chỉ đạo có đại diện tất cả các Bộ có liên quan. Dưới Tướng Giáp có hai Phó trưởng ban do bác Giáp chỉ định. Chuyến bay không đơn thuần là đưa phi công lên điều khiển tàu mà còn phải nghiên cứu khoa học, làm các thí nghiệm khoa học trên không gian.

Lúc đó bác chỉ định tôi làm Phó trưởng ban phụ trách chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vào vũ trụ này. Tôi giật mình vì khi đó bác Trần Đại Nghĩa là chủ tịch Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, tôi chỉ là một trong ba phó chủ tịch. Tôi không hiểu sao bác lại chọn tôi, điều này thật sự khiến tôi sợ quá.

Tôi nhớ sau khi nhận quyết định của Thủ tướng, tôi nhận điện thoại từ thư ký bác Giáp mời tôi đến phòng làm việc ở 30 Hoàng Diệu. Đến đó tôi mới biết hóa ra bác đã trao đổi với bác Nghĩa rồi. Bác giao cho bác Nghĩa, rồi bác Nghĩa lại giao cho tôi, nên bác Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi luôn thì rõ ràng hơn.

Hôm sau khi gặp bác Nghĩa, bác Nghĩa nói: "Đúng rồi, tôi đã trao đổi với anh Văn, nhất trí với anh Văn cử anh làm phó ban chỉ đạo". Tôi vẫn còn rất sợ vì khi đó tôi còn rất trẻ và lo lắng không biết có đảm nhiệm nổi trọng trách to lớn như thế không.

Trong buổi gặp với bác Giáp, bác nói: "Khó lắm đấy, cố lên nhé. Đây không phải là chuyến bay thông thường mà đây là cơ hội để chúng ta xây dựng chương trình quốc gia sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình, phát triển một lĩnh vực khoa học công nghệ cao nhất của thời đại với sự giúp đỡ của Liên Xô".

Như vậy ý nghĩa của chuyến bay không chỉ là đưa phi công lên tàu vũ trụ mà cái chính là qua chuyến bay này Việt Nam sẽ tham gia nghiên cứu khoa học. Bác nói, sau khi chuyến bay kết thúc phải có cái gì đó để tiếp tục làm được và phải coi những chuyến bay này là mở đầu cho chương trình nghiên cứu không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình ở Việt Nam.
 


Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Ảnh: N.P.


Tôi trả lời: “Dạ, khó lắm ạ”, bởi đó là điều tôi chưa bao giờ tôi dám nghĩ, dám mơ đến. Rồi Đại tướng động viên: “Cứ về thử làm đi, khó cũng phải làm. Chắc chắn các anh sẽ đòi hỏi Chính phủ rất nhiều. Nếu các nhà khoa học cần gì hãy viết thư riêng cho tôi. Nếu tôi có đủ thẩm quyền sẽ giải quyết ngay”.

Với tôi tất cả đều thật mới mẻ, tôi chưa bao giờ dám nghĩ, hay mơ tới chuyện đó cả. Tôi vừa mừng vừa lo, và về viện xin ý kiến chỉ đạo của bác Trần Đại Nghĩa, sau đó triệu tập viện trưởng một số viện có liên quan nói về ý tưởng của bác Giáp và đề nghị các viện đề xuất. Ngoài ra, tôi cũng đến làm việc với một số cơ quan khoa học ngoài Viện Khoa học Việt Nam mời tham gia.

Ý tưởng này không có trong quyết định của Chính phủ, quyết định chỉ nói đến chuyện bổ nhiệm những người này người kia vào ban chỉ đạo chuyến bay thôi. Ý tưởng coi đây là khởi đầu của chương trình khoa học lớn bác Giáp chỉ nói miệng thôi. Nhưng khi tôi phổ biến thì anh em phấn khởi lắm. Lúc đó, chúng tôi cũng biết Viện Khoa học Việt Nam không thể tự mình làm được mà phải mời các cơ quan nghiên cứu bên ngoài tham gia.

Sau một thời gian thảo luận, tôi và các đồng nghiệp đã soạn thảo xong chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng.

Lúc đó, Viện Vật lý đang nghiên cứu nuôi đơn tinh thể bán dẫn để phát triển công nghiệp điện tử. Trong quá trình nuôi đơn tinh thể phải tính đến sức hút của Trái đất vào phân tử và nguyên tử. Mọi người nghĩ ngay đến việc muốn hiểu rõ vai trò của trọng lực thì phải làm thí nghiệm trên mặt đất và trên tàu vũ trụ trong điều kiện không trọng lượng. Khi so sánh hai kết quả sẽ làm rõ được chuyện có trọng lượng ảnh hưởng đến quá trình nuôi đơn tinh thể như thế nào.

Viện Sinh vật đề xuất ý tưởng rất hay, trong tương lai khi con người bay lên vũ trụ dài ngày và mang theo thức ăn khiến con tàu vũ trụ thêm nặng, vì thế cần tính đến chuyện bản thân con tàu như trái đất tự sản xuất nhu yếu phẩm hàng ngày. Các nhà khoa học đề nghị thực hiện thí nghiệm nuôi bèo hoa dâu và trồng khoai lang trên vũ trụ.

Bên Học viện Quân y chuyên chăm sóc sức khỏe cho phi công đề xuất một thứ nước uống tăng thể lực cho phi công chế từ cây đinh lăng cho người đi du hành vũ trụ.

Tôi báo cáo với bác Nghĩa và bác Nghĩa cho rằng đó là mấy thí nghiệm lặt vặt, chưa chắc Liên Xô đã chấp nhận. Bác Nghĩa cử tôi sang Liên Xô đề nghị các nhà khoa học góp ý xem nên làm gì cho ra tấm ra món.

Đến Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, tôi trình bày mấy đề xuất trên. Họ bảo hay độc đáo chấp nhận hết nhưng nó lặt vặt quá. Liên Xô đưa ra một số gợi ý làm thí nghiệm quan sát tài nguyên thiên nhiên Việt Nam từ vũ trụ. Cái đó đối với chúng tôi còn rất mới.
Cụ thể, sẽ có máy ảnh đa phổ đặt trên tàu vũ trụ. Khi qua lãnh thổ Việt Nam thì phi công sẽ chụp ảnh. Các bức ảnh đó sẽ cho thấy hình ảnh đất đai, rừng biển của Việt Nam nếu được xử lý tốt. Tuy nhiên, ảnh đa phổ mới chỉ giúp người xem thấy màu sắc khác nhau, còn phản ảnh vật thể cụ thể thì chưa rõ ràng.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi làm việc có sự tham gia của
viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Ảnh: Vast.ac.


Vì thế, các nhà khoa học Liên Xô gợi ý thêm đó là thực hiện nghiên cứu khảo sát ở ba tầng. Phi công sẽ chụp ảnh từ vũ trụ, máy bay chụp ảnh ở tầng thứ hai, còn nhóm nhà khoa học dàn quân dưới mặt đất. Có như vậy mới biết ảnh trên mặt đất là gì.

Nhờ có tầm ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên chúng tôi mới thương lượng để mượn được máy bay quân sự. Để chụp ảnh bằng máy quang học đa phổ MKF6, Việt Nam mời Cộng hòa dân chủ Đức sang giúp đỡ.

Tôi về báo cáo bác Nghĩa và viết đề án mang lên trình anh Văn. Sau khi gặp và được tôi giải thích, Đại tướng quyết định sẽ làm. Thứ nhất về việc nuôi đơn tinh thể, Việt Nam có ý tưởng nhưng cơ sở vật chất và trình độ chưa đủ để làm những thí nghiệm đó. Đại tướng cử đoàn cán bộ Việt Nam sang Liên Xô làm thì nghiệm hàng năm trời để bảo đảm đúng tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, có hai nhóm khoa học thực hiện thí nghiệm, một nhóm ở Liên Xô, còn một nhóm sang Đức.

Chúng tôi còn huy động phi công, rồi Cục Đo đạc bản đồ quân sự hết sức tốn kém. Chúng tôi làm chương trình và đưa lên thì Đại tướng quyết hết, không bớt một chút nào cả.

Chúng tôi bắt tay vào làm ngay, và chuẩn bị trong vòng một năm. Tháng 7/1980, chúng tôi tập trung ở thành phố Ngôi sao tại Trung tâm huấn luyện phi công vũ trụ ở Liên Xô. Điều đầu tiên, chúng tôi phải chứng minh thí nghiệm đạt trình độ quốc tế. Khi bàn giao gần xong công việc với Liên Xô, Đại tướng không chờ chúng tôi về báo cáo mà bay sang tận nơi kiểm tra chất lượng chuyến bay như thế nào. Bác thật chu đáo và cẩn thận. Đúng là một thí nghiệm công phu và thành công, sử dụng đến hàng trăm nhà khoa học.

Người đặt nền móng cho ngành khoa học công nghệ vũ trụ Việt Nam chính là Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Tất nhiên bác không phải nhà khoa học nhưng bác tạo điều kiện và điều hành quan tâm tới các nhà khoa học, tạo điều kiện cho giới khoa học làm việc và ngành khoa học vũ trụ đã ra đời nhanh chóng chỉ trong hai năm từ 1978- 1980.

Khi chương trình kết thúc, công việc nuôi đơn tinh thể giúp chúng ta tạo ra hai nhóm rất giỏi nghiên cứu về lĩnh vực này, đồng thời tạo điều kiện mối quan hệ mật thiết với Liên Xô và Đức. Từ chỗ nuôi đơn tinh thể mới ở mức thô thiển, Việt Nam nhảy một bước đạt trình độ quốc tế. Thành công lớn nhất của chuyến bay là đào tạo được đội ngũ cán bộ nuôi đơn tinh thể. Việt Nam còn có thể biết địa hình sông núi rõ ràng từ hình ảnh vũ trụ. Năm 1980 cũng là mốc thời gian bắt đầu hình thành hướng nghiên cứu viễn thám.
Sau đó, bác Trần Đại Nghĩa quyết định thành lập trung tâm không gian, nay gọi là trung tâm viễn thám. Mong ước của bác Giáp trong chương trình sử dụng không gian vì mục đích hòa bình đã thực hiện được. Cho đến tận hôm nay, ứng dụng viễn thám được sử dụng rộng rãi ở nước ta.

Nguyễn Văn Hiệu (sinh năm 1938) là giáo sư, nhà vật lý và chính trị gia của Việt Nam. Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VI, VII, và VIII; ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá V; đại biểu Quốc hội nướcCộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam các khoá IV, V, VI, VII, và VIII; nguyên viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam, Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam, và nguyên chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông còn là hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là giáo sư, tiến sĩ khoa học ngành vật lý lý thuyết và vật lý toán học xuất sắc của Việt Nam; là viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ 3.



Nguồn tin:Theo Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)