Tin tức

Hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030 04/10/2019

0
Chiều 2/10, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp nghe Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam báo cáo về Đề án tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030. Thứ trưởng nhấn mạnh tới vai trò và tầm quan trọng của Đề án; đồng thời định hướng các nhiệm vụ theo hướng quản lý theo khu vực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại các địa phương.



Toàn cảnh cuộc họp

Báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng cũng như tính cấp thiết của Đề án, bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Sau 11 năm thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của Tổng cục nói chung và các đơn vị sự nghiệp nói riêng còn rất thiếu, xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Chi cục/Phòng Biển và hải đảo ở các tỉnh, thành phố ven biển chưa được đầu tư thiết bị nên gặp nhiều khó khăn rong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Đề án Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển hải đảo đến năm 2030 được xây dựng với mục tiêu chung là: Tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và phương tiện làm việc cho các cơ quan quản lý Nhà nước về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo mà trọng tâm là công tác quản lý Nhà nước và điều tra, quan trắc, kiểm soát và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo; góp phần đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36/NQ-TƯ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước biển và hải đảo trong tình hình mới.

Phạm vi của Đề án: thực hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (Sở Tài nguyên và Môi trường 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển). Thời gian thực hiện: từ năm 2020-2030.

Đề án gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính, được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 và 2026 -2030. Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, tập trung xây dựng hệ thống trạm quan trắc tài nguyên, môi trường biển; hệ thống trạm ra đa biển và hệ thống trạm phao biển, cụ thể sẽ đầu tư 32 trạm quan trắc tài nguyên môi trường biển, 22 trạm ra đa biển (trong đó có 3 trạm đã đầu tư) và 35 trạm phao biển; cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm DGPS tại Hải Phòng, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực quản lý tổng hợp; điều tra, nghiên cứu tài nguyên môi trường biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo tập trung vào đầu tư đội tàu nghiên cứu biển, điều tra tài nguyên môi trường biển; tăng cường năng lực trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên – môi trường biển và hải đảo. Đối với nhóm nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển hải đảo tập trung xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên – môi trường biển, hải đảo. Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất phục vụ điều tra cơ bản cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Phân Viện Nghiên cứu biển và hải đảo miền Trung và Phân viện Tây Nam Bộ. Đối với nhóm nhiệm vụ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành phố, căn cứ và nhu cầu và khả năng cân đối nguồn lực tài chính của từng địa phương xây dựng dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật thiết yếu.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Vụ: Tổ chức cán bộ; Khoa học và Công nghệ; Hợp tác quốc tế; Kế hoạch - Tài chính đều đánh giá cao tính cấp thiết và các nội dung chính của Đề án. Đề án được xây dựng bài bản, bao quát các định hướng, giải pháp đột phá đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW. Đồng thời đóng góp thêm ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án như bổ sung, làm rõ thêm cơ sở, căn cứ pháp lý xây dựng Đề án; rà soát lại danh mục, nhiệm vụ dự án để bảo đảm tính khả thi, bám sát yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết,…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quý Kiên một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

Thứ trưởng nhất trí cao với những đề xuất đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và bảo đảm các điều kiện triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW thì rất cần tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, khoa học công nghệ thì mới có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu này. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ, hướng tới quản lý theo khu vực, vùng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại các địa phương.

Thứ trưởng lưu ý Tổng cục rà soát lại các nội dung, nhiệm vụ được đề xuất trong dự thảo Đề án, đặc biệt là cần làm rõ tính chất, công nghệ, phương pháp trong việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ lắp đặt trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đảm bảo đầu tư hiệu quả, có tính khả thi cao, bởi vì đặc thù tại các vùng biển thường chịu tác động lớn của yếu tố tự nhiên như sóng, độ mặn, bão, lụt…dễ gây hỏng thiết bị.

Thứ trưởng cũng đề nghị, Tổng cục tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý của các đơn vị trực thuộc Bộ để hoàn thiện Dự thảo Đề án, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có biển; đồng thời tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trước khi hoàn thiện Đề án để báo cáo lãnh đạo Bộ, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ