Tin tức

Báo cáo thị trường GNSS trong lĩnh vực đo đạc 26/06/2015

0
GSA (European Global Navigation Satellite Systems) là tổ chức uy tín của Châu Âu và Thế giới chuyên đưa ra những báo cáo nghiên cứu liên quan tới các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh của các Quốc gia. “BÁO CÁO TỔNG HỢP THỊ TRƯỜNG GNSS” hàng năm là một trong số những ấn phẩm đặc biệt có giá trị do GSA tổng hợp và xuất bản.


Trong báo cáo này, GSA tiến hành phân tích chi tiết cho từng lĩnh vực thị trường cụ thể có liên quan hoặc hưởng lợi trực tiếp từ các hệ thống định vị dẫn đường vệ tinh GNSS như dịch vụ xác định vị trí LBS, giao thông đường bộ, hàng không, giao thông đường sắt, giao thông đường thuỷ, nông nghiệp, đo đạc và dịch vụ thời gian. Ngoài ra GSA cũng công bố chi tiết phương pháp luận được sử dụng trong quá trình nghiên cứu và tính toán các số liệu đưa ra trong báo cáo.

Trong loạt bản tin tiếp theo, chúng tôi sẽ gửi tới Quý Độc giả báo cáo chi tiết của GSA về thị trường GNSS riêng trong lĩnh vực ĐO ĐẠC. Mời Quý Độc giả quan tâm đón đọc.

 

Các ứng dụng của GNSS trong lĩnh vực đo đạc

Trong lĩnh vực đo đạc mặt đất:

- Đo đạc địa chính: Hỗ trợ đưa ra ranh giới giữa các thửa đất. Hầu hết các điều luật và quy định như luật đất đai, thuế sử dụng đất … đều phụ thuộc nhiều vào công tác đo đạc địa chính.
- Đo đạc xây dựng công trình: Bao gồm tất cả các bước khác nhau trong các dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp. Bao gồm cả các ứng dụng đặc thù như hướng dẫn xe máy thi công tự động cũng như các phép đo đạc trong xây dựng. Có thể chia ra:

   o Hướng dẫn xe máy thi công: Công nghệ GNSS được sử dụng phục vụ cho việc kiểm soát quá trình thi công của các loại xe máy trên công trường ví dụ kiểm soát lưỡi của máy ủi hay gầu của máy xúc sử dụng thông tin tổng hợp từ các mô hình thiết kế dưới dạng 3D.

   o Đo đạc xác định vị trí thi công: Ứng dụng cho phép thực thi rất nhiều nhiệm vụ định vị khác nhau trên công trường xây dựng như đánh dấu điểm thiết kế, kiểm soát cao độ thi công, kiểm tra trong và sau khi thi công, triển điểm từ bản vẽ lên công trường thi công, xác định vị trí của công nhân và phương tiện trên công trường …

- Bản đồ và GIS: GNSS được sử dụng để xác định chính xác vị trí các điểm quan trọng phục vụ thành lập bản đồ, quản lý môi trường và quy hoạch phát triển đô thị.

- Khai khoáng: GNSS có thể tham gia vào công tác đo đạc, xác định khu vực khai thác, cập nhật thông tin, tính toán khối lượng thể tích … gần như trong tất cả các giai đoạn từ tìm kiếm, lập bản đồ, khai thác, cập nhật thông tin tới kiểm tra đảm bảo an toàn trong khai thác.

Trong lĩnh vực đo đạc thuỷ văn:

- Đo đạc thuỷ văn là lĩnh vực ứng dụng rộng lớn, bao gồm tất cả các hoạt động như thám hiểm lập bản đồ địa hình đáy biển, đo xác định thuỷ triều và dòng chảy, đo đạc ngoài khơi phục vụ lĩnh vực dầu khí … theo đó tất cả những sản phẩm được tạo ra đều rất quan trọng cho các ứng dụng dẫn đường hàng hải.

Các nội dung trình bày trong báo cáo: 

- Xu hướng chính của thị trường: Khả năng hỗ trợ của GNSS trong các hoạt động quản lý đất đai và tài sản trên đất đã phát triển tới hạn cần tìm kiếm các ứng dụng mới.

- Phân tích ngành: Liệt kê tất cả các thành phần tham gia thông qua từng hợp phần trong chuỗi giá trị của GNSS.
- Những phát triển mới: Các hoạt động có liên quan tới bất động sản trên đất đang có sự dịch chuyển và tăng trưởng dựa trên số lượng thiết bị GNSS đã cung cấp ra thị trường.
- Những thay đổi của thị trường trong tương lai: Các hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây dựng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ đang thúc đẩy sự tăng trưởng của GNSS.
- Công nghệ người dùng tương lai: Các loại máy thu có khả năng thu tín hiệu đa tần số đồng thời từ nhiều trùm vệ tinh GNSS được tích hợp thêm các cảm biến số liệu khác đang là xu thế phát triển của các thế hệ máy mới nhằm nâng cao và bổ sung thêm chức năng cho các máy thu GNSS.
- Định hướng các hệ thống GNSS Châu Âu: EGNOS và Galileo đủ đáp ứng cho người sử dụng ở mức thấp cũng như các yêu cầu đặc thù của các ứng dụng chuyên nghiệp cấp cao.
- Biểu đồ tham khảo: Biểu đồ thể hiện số lượng các thiết bị GNSS cũng như doanh số bán hàng phân theo lĩnh vực ứng dụng và khu vực địa lý.

Xu hướng chính của thị trường: 

- Tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và tốc độ đô thị hoá ở các thị trường mới nổi là động lực tạo ra nhu cầu trong xây dựng và các hoạt động đo đạc địa chính ở các vùng đất mới trên.
- Các ứng dụng xác định vị trí trong xây dựng và hướng dẫn xe máy thi công ngày càng sử dụng nhiều thiết bị GNSS đây cũng là động lực làm tăng trưởng thị trường GNSS.
- Tăng trưởng các ứng dụng bản đồ và GIS: Việc giảm giá thành các thiết bị GNSS nhỏ đồng thời gia tăng độ chính xác định vị là những điều kiện quan trọng để thị trường GNSS dẫn chuyển dịch sang các ứng dụng bản đồ và GIS.
GNSS giúp tăng hiệu suất trong xây dựng: 
Đo đạc là phương pháp xác định chính xác vị trí của các điểm, khoảng cách và các góc tạo bởi chúng. GNSS hỗ trợ các hoạt động xây dựng thông qua việc xác định chính xác vị trí các điểm quan trọng khi thi công cũng như hướng dẫn xe máy trên công trường, GNSS có khả năng mang lại những lợi thế cho xây dựng:
- Tiết kiệm thời gian: GNSS là phương pháp đo đạc diễn ra nhanh hơn các phương pháp đo đạc truyền thống, đặc biệt phù hợp trong hướng dẫn xe, máy thi công việc đào đắp, san lấp mặt bằng hay triển điểm thi công trên các công trường rộng lớn.
- Giảm chi phí đầu vào và tiết kiệm vốn đầu tư: GNSS tạo mối liên kết liền mạch giữa khảo sát thực địa, thiết kế trên máy tính, mô hình công trình dưới dạng 3D và thực tiễn thi công trên công trường. Xe máy thi công phát huy tối đa năng lực, phương thức di chuyển và thi công trên công trường hợp lý dẫn tới chi phí nhiên liệu giảm một cách đáng kể.
- Tăng chất lượng thi công: GNSS rất phù hợp cho các ứng dụng đo đạc phải tiến hành liên tục, lặp lại và đặc biệt là khả năng trao đổi số liệu mềm dẻo, nhanh chóng giữa thiết kế và thi công.
Thị trường thiết bị bay không người lái UAV cất cánh: 
Sự bùng nổ trong việc sử dụng thiết bị bay không người lái UAV trong các ứng dụng dân sự cũng mang đến nhiều cơ hội mới cho thị trường GNSS bởi đây là hợp phần không thể thiếu trên UAV:
- UAV mang đến phương thức thu thập số liệu địa lý không gian nhanh, hiệu quả, tự động hoàn toàn trên các khu vực nhỏ và vừa.
-Với UAV chúng ta có thể tổng hợp cả số liệu ảnh hàng không và bản đồ địa hình.
- Những khu vực nguy hiểm hoặc khó tiếp cận hoàn toàn có thể đo đạc bằng UAV mà không cần con người tiếp cận trực tiếp tới khu vực đó.

CHUỖI GIÁ TRỊ CỦA GNSS TRONG ĐO ĐẠC

Việc xác định được rõ các hợp phần cấu thành chuỗi giá trị của GNSS trong đo đạc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thị trường đặc thù này. Sơ đồ dưới đây cho thấy các hợp phần tham gia vào việc hình thành chuỗi giá trị, có thể bổ sung chi tiết khi cần làm rõ hơn.

 

NGÀNH CÔNG NGHIỆP GNSS CỦA CHÂU ÂU TRONG TOÀN CẢNH THẾ GIỚI


Các công ty liên quan tới lĩnh vực GNSS phục vụ cho đo đạc thường là các công ty đa Quốc gia, phục vụ cho rất nhiều thị trường khác nhau, vượt xa lãnh thổ ban đầu nơi công ty đó ra đời. Ngày nay, những công ty giúp định hình các thị trường ứng dụng vẫn đang là những nhà sản xuất hợp phần thiết bị và máy thu dẫn đầu thị trường thế giới. Trimble được đánh giá là công ty tiên phong trong lĩnh vực đo đạc, ngay sau đó là Hexagon và Topcon. Liên quan tới các nhà tích hợp hệ thống, thị trường được tạo bởi nhiều hãng theo từng lĩnh vực ứng dụng cụ thể (các nhà sản xuất máy móc thi công xây dựng, nhà sản xuất thiết bị đo đạc, các công ty giải pháp đặc thù phục vụ các ứng dụng hàng hải …). Theo số liệu thống kê, thị phần của ngành được phân định như sau: Khu vực Bắc Mỹ chiếm 50%, khu vực Châu Á chiếm 25% và khu vực Châu Âu chiếm 25%.

Các công ty của Châu Âu hiện đang nắm giữ khoảng ¼ thị trường GNSS đối với cả hai mảng là sản xuất hợp phần, máy thu và tích hợp hệ thống. Định hướng cơ bản là tập trung sản xuất hợp phần và các loại máy thu, các công ty hàng đầu ở Châu Âu gồm Hexagon (cả Leica Geosystems) và Laid. Trong số các nhà tích hợp hệ thống, các công ty của Châu Âu chiếm 27% thị phần, với ba công ty hàng đầu là Hexagon, Kongsberg, và J.C.B.

CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG DỰA TRÊN SỐ LƯỢNG THIẾT BỊ GNSS GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG

Nếu xem xét trên tổng số lượng đơn vị GNSSđã lắp đặt thì con số đã tăng gấp ba lần trong vòng tám năm qua, từ 140.000 thiết bị năm 2006 tăng lên con số 426.000 thiết bị vào năm 2013.

Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng ổn định, chính tốc độ tăng trưởng của khu vực này đã giúp định hình và phá vỡ rào cản thị trường về mặt địa lý. Trong năm 2006, khu vực Bắc Mỹ nắm giữ 44% tổng số thiết bị GNSS đang sử dụng, nhưng đến năm 2013 con số này giảm xuống chỉ còn 30%. Ngược lại, Châu Á – Thái Bình Dương lại có sự tăng trưởng ngoạn mục từ 11% thiết bị sử dụng lên tới 30% trong cùng chu kỳ thời gian với Bắc Mỹ. Nói cách khác, GNSS có tốc độ mở rộng nhanh hơn ở các khu vực nằm ngoài các vùng Phía Tây, nơi dường như ít có sự cạnh tranh với các hệ thống cũ.
Biểu đồ dưới đây thể hiện rõ hơn tổng số lượng thiết bị GNSS đã được lắp đặt phân theo khu vực địa lý.

 
Số lượng thiết bị GNSS đã lắp đặt phân theo khu vực

Chỉ số tăng trưởng số lượng thiết bị GNSS gia nhập thị trường của các hãng sản xuất, được hỗ trợ bởi đà tăng trưởng mạnh từ các lĩnh vực ứng dụng đặc thù như đo đạc địa chính, thành lập bản đồ và xây dựng công trình (hướng dẫn xe máy thi công), các hợp phần cơ bản này khống chế tới 87% tổng số thiết bị GNSS lắp đặt trong năm 2013. Nhu cầu cao trong việc sử dụng GNSS phục vụ đo đạc địa chính là kết quả của quá trình gia tăng dân số, đô thị hoá, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cùng với xu hướng minh bạch cách thức định giá và tính thuế đất đai ở các Quốc gia bắt đầu hình thành nền kinh tế thị trường.

Các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng, tạo động lực tăng trưởng của các thiết bị GNSS ra nhập thị trường trong thời gian qua, chiếm phần lớn chính là việc bùng nổ xây dựng tại các nền kinh tế mới nổi và đã phục hồi sau suy thoái trong lĩnh vực bất động sản ở một số Quốc gia khác. Trong năm 2013, lĩnh vực xây dựng ở các nước Đông Nam Á tăng trưởng 7.5% so với con số tăng trưởng 4.5% ở Hoa Kỳ, 4% ở Nhật Bản và 2.5% ở Châu Âu thì rõ ràng đây là con số hết sức ấn tượng ở các Quốc gia Đông Nam Á.

Biểu đồ dưới đây cho chúng ta cái nhìn tổng quan hơn về số thiết bị GNSS đã ra nhập thị trường phân theo lĩnh vực ứng dụng.

 
Số lượng thiết bị GNSS gia nhập thị trường phân theo ứng dụng

 CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG Ở CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ BẮC MỸ SẼ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG CỦA THỊ TRƯỜNG GNSS


Sự phát triển bền vững của phân khúc thị trường xây dựng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy tăng trưởng của GNSS trong những năm tới. Số lượng thiết bị GNSS ra nhập thị trường theo dự đoán sẽ tăng khoảng 11% mỗi năm, tính trung bình trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2023. Theo đó tới năm 2023 Châu Á – Thái Bình Dương sẽ đại diện cho khoảng 50% tổng số thiết bị GNSS ra nhập thị trường, Bắc Mỹ và Châu Âu vẫn được kỳ vọng là hai khu vực thị trường quan trọng chia sẻ lần lượt 20% và 14% thị phần GNSS toàn cầu.

Dự báo số lượng thiết bị GNSS gia nhập thị trường phân theo khu vực


 
Dự báo số lượng thiết bị GNSS gia nhập thị trường phân theo ứng dụng



Do việc cạnh tranh thị trường giữa các nhà sản xuất đang diễn ra quyết liệt, cùng với đó là những thay đổi và nâng cấp liên tục của công nghệ, giá trung bình của các thiết bị GNSS chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới. Theo tính toán, kể từ năm 2020, giá thành thiết bị giảm song hành với số lượng thiết bị gia nhập thị trường tăng lên sẽ bổ khuyết lẫn nhau, như vậy tổng thu của thị trường vẫn tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng ổn định (con số kỳ vọng là 4.8 tỷ EURO).

Tăng trưởng kỳ vọng của thiết bị GNSS sẽ dựa vào các hoạt động gia tăng trong hai lĩnh vực cơ bản là đo đạc địa chính (Cadastral Surveying) và xây dựng (Construction). Tới năm 2023, thiết bị GNSS phục vụ cho các ứng dụng đo đạc địa chính sẽ chiếm một nửa trong tổng số 500.000 thiết bị GNSS ra nhập thị trường mỗi năm.

Thị trường hướng dẫn xe máy thi công trong xây dựng cũng được xem là thị trường tăng trưởng ổn định trong thập kỷ tới, với số lượng thiết bị GNSS là 35.000 máy năm 2013 lên con số 155.000 máy năm 2023. Phân khúc này cũng được xem như phân khúc mang lại lợi nhuận cao với doanh thu cộng dồn hàng năm vượt ngưỡng 1 tỷ EURO mỗi năm.

MÁY THU ĐA TRÙM VỆ TINH ĐA TẦN SỐ TÍCH HỢP THÊM CÁC CẢM BIẾN SỐ LIỆU KHÁC – TĂNG CƯỜNG THÊM CÁC CHỨC NĂNG ỨNG DỤNG THỰC TIỄN

Thị trường máy GNSS sử dụng trong lĩnh vực đo đạc đại diện cho phân khúc thị trường có yêu cầu cao nhất xét về phương diện độ chính xác, động lực mua của phân khúc thị trường này luôn cao, đồng thời đây cũng là thị trường luôn được tiếp cận và áp dụng những kỹ thuật công nghệ mới nhất. Một khi giá thành thiết bị GNSS phục vụ lĩnh vực đo đạc tiếp tục giảm, chắc chắn sẽ kéo theo các phân khúc thị trường khác sử dụng những tính năng kỹ thuật công nghệ mới đã được sử dụng và kiểm chứng bởi phân khúc thị trường máy GNSS phục vụ đo đạc.

Khả năng của các máy thu GNSS – Phân khúc đo đạc


 
  

Biểu đồ trên thể hiện rõ phần lớn (tới hơn 85%) các thiết bị GNSS ngày nay sử dụng ít nhất hai trùm vệ tinh định vị. Thêm vào đó, có tới xấp xỉ 40% các loại máy thu GNSS có khả năng hỗ trợ tới bốn trùm vệ tinh định vị. Điều này giúp chúng ta thấy rõ hơn về việc, sử dụng thêm các trùm vệ tinh định vị khác sẽ giúp cải thiện một cách đáng kể các dịch vụ mà máy thu sẽ khai thác, cụ thể hơn là mức độ tin cậy của tín hiệu (Reliability), thời gian khởi đo lần đầu TTFF (Time To First Fix) và mức độ khả dụng (Availability).

THAY ĐỔI TRONG ĐỊNH VỊ VỊ TRÍ CHÍNH XÁC PPP PHỤC VỤCÁC ỨNG DỤNG ĐO ĐẠC

Được phát triển vào những năm 1990, định vị vị trí chính xác PPP (Precise Point Positioning) là kỹ thuật sử dụng cho một máy GNSS độc lập thu tín hiệu định vị có độ chính xác vị trí tương đối cao sử dụng các kỹ thuật mô hình cao cấp, tự hiệu chỉnh, kiểm soát quỹ đạo và đồng hồ vệ tinh với độ chính xác cao.

Trong quá khứ, để đạt được độ chính xác vị trí điểm từ một máy thu độc lập cần rất nhiều thời gian quan sát và thu tín hiệu từ vệ tinh, ngay cả khi áp dụng các phương pháp hiệu chỉnh độ chính xác thì thời gian tiêu tốn vẫn là yếu điểm. Tuy nhiên tất cả những khó khăn này đã được khắc phục dựa trên các kỹ thuật đo GNSS khác nhau, khai thác tín hiệu từ nhiều trùm vệ tinh định vị để có độ tin cậy cao hơn, tính khả dụng thường xuyên hơn … điển hình là phương pháp hiệu chỉnh đo động thời gian thực RTK (Real Time Kinematic).

Những phát triển gần đây trong lĩnh vực cấp phát các sản phẩm hiệu chỉnh số liệu GNSS trong chế độ thời gian thực đã mang đến những thay đổi và nâng cấp đáng kể về mặt kỹ thuật cho phép tạo ra những lời giải hiệu chỉnh đo động thời gian thực (PPP-RTK) ở các dạng thức khác nhau mà vẫn duy trì được tính tin cậy ở mức cao, độ chính xác đạt được hoàn toàn có thể so sánh với phương pháp đo động RTK truyền thống với cặp máy trước đây, đồng thời khắc phục được hạn chế về vùng phủ tín hiệu hiệu chỉnh RTK do các thiết bị truyền phát radio giữa trạm cố định và trạm di động. Những kỹ thuật cấp phát số liệu hiệu chỉnh mới này đảm bảo thời gian triển khai nhanh hơn, vùng thực thi rộng lớn hơn và đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của các ứng dụng chế độ thời gian thực.

Các nhà đo đạc sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi sử dụng các máy thu có khả năng nhận tín hiệu từ hai, ba hay bốn trùm vệ tinh định vị gồm GPS, GLONASS, BeiDou và Galileo. Việc làm việc với đa trùm vệ tinh cũng giúp giảm đáng kể thời gian khởi đo RTK, đồng thời phép định vị độc lập PPP cũng có độ tin cậy cao hơn, khả năng triển khai trong các khu vực đô thị cũng được cải thiện một cách đáng kể, các phương án lựa chọn kỹ thuật hiệu chỉnh độ chính xác của GNSS cũng đa dạng hơn do mới chỉ sử dụng một hệ thống định vị vệ tinh duy nhất.

Nguồn tin:Theo anthi.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ