Tin tức

Ngành quản lý đất đai với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước 07/12/2020

0
Ngành Quản lý đất đai Việt Nam (QLĐĐ) tính từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41 ngày 03/10/1945 để kết thúc hoạt động của cơ quan quản lý đất đai thuộc Thực dân Pháp và mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tới nay đã trải qua 75 năm phát triển. Ngành đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, ngành QLĐĐ đều đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức Nhà nước.





Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao
Cờ thi đua của Bộ TN&MT cho Tổng cục Quản lý đất đai

Thời gian qua, phát huy khả năng và năng lực của công chức, viên chức và người lao động, với khí thế thi đua sôi nổi, công tác thi đua, khen thưởng (TĐ, KT) của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, động viên và nâng cao tinh thần lao động - sáng tạo, tạo động lực to lớn thúc đẩy mỗi người, mỗi tập thể phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình vừa xây dựng vừa phát triển, ngành QLĐĐ Việt Nam từng bước trưởng thành và có những đóng góp to lớn, đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Ngành QLĐĐ Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng và tác động mạnh mẽ, tích cực đến mọi mặt về kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường.
 Đối với việc thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế

Công tác quản lý đất đai đóng góp tích cực cho việc đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo quốc phòng, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội của cả nước và các địa phương, qua đó đã hình thành lên các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ đồng bộ, có quy mô sử dụng đất lớn đóng góp trực tiếp cho quá trình chuyển dịch kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu.

Thông qua hoạt động giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ) cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, Ngành đã có những đóng góp đáng kể cho việc thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, trong đó đất đai đã tham gia trực tiếp như một nguồn vốn nội lực thông qua thị trường bất động sản và gián tiếp thông qua các chính sách pháp luật đất đai làm tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành như công nghiệp và xây dựng, sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ.

 

Lãnh đạo Bộ TN&MT và các đại biểu tham dự Kỷ niệm
75 năm Ngày truyền thống Quản lý Đất đai Việt Nam

Từ năm 1994, nguồn thu từ đất chủ yếu từ thuế SDĐ nông nghiệp, thuế nhà đất và thuế chuyển quyền SDĐ, tổng thu chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Tổng thu từ đất năm 1999 là 3.641 tỷ đồng, trong đó từ thuế SDĐ nông nghiệp là 1.286 tỷ đồng, từ thuế nhà đất 295 tỷ đồng, từ thuế chuyển quyền SDĐ 327 tỷ đồng, từ tiền SDĐ 376 tỷ đồng, từ tiền thuê đất 339 tỷ đồng, từ bán nhà sở hữu Nhà nước 478 tỷ đồng.

Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, các khoản thu từ đất có rất nhiều thay đổi. Tổng thu từ đất năm 2004 là 17.594 tỷ đồng, trong đó: Thuế SDĐ nông nghiệp là 130 tỷ đồng; thuế nhà đất 438 tỷ đồng; thuế chuyen quyền SDĐ 640 tỷ đồng; tiền SDĐ 14.202 tỷ đồng; tiền thuê đất 846 tỷ đồng; bán nhà sở hữu Nhà nước 1.338 tỷ đồng. Lúc này, nguồn thu chính là tiền SDĐ, chiếm tới 80% tổng thu từ đất.

Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, hàng năm nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất chiếm khoảng 10,75% tổng thu ngân sách. Năm 2020, dự kiến thu khoảng 141.766 tỷ đồng, trong đó: Thuế SDĐ nông nghiệp 13 tỷ đồng; lệ phí trước bạ 32.270 tỷ đồng; thuế SDĐ phi nông nghiệp 1.303 tỷ đồng; tiền SDĐ 85.900 tỷ đồng; tiền thuê đất, thuê mặt nước 20.148 tỷ đồng; tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước 549 tỷ đồng; thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác 1.582 tỷ đồng. Với chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT, nguồn lực đất đai đang và sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển KT-XH của đất nước, phấn đấu đến năm 2030 mức thu đạt 15 - 20% tổng thu ngân sách.
Đối với việc giải quyết các vấn đề xã hội

Tăng kim ngạch xuất khẩu

Từ năm 1979, Chính phủ có quyết định về việc tận dụng đất nông nghiệp, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 100/CT-TW và đến Đại hội Đang VI, Đại hội của đổi mới (tháng 12/1986) đã giải quyết được những vấn đề cơ bản về quan hệ đất đai thời gian trước đó. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai đã góp phần đáng kể vào sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế đất nước. Sau Khoán 10, chính sách đất đai không chỉ là mệnh lệnh hành chính mà còn được xem xét dưới góc độ kinh tế đã tạo ra nguồn nội lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả, với trên 3/4 diện tích đất tự nhiên của cả nước đã được giao cho các đối tượng sử dụng là thành tựu lớn nhất của ngành QLĐĐ đạt được trong những năm qua. Bước chuyển biến rõ nét nhất là từ một nước thiếu lương thực, nước ta đã sản xuất đảm bảo đủ lương thực tiêu dùng trong nước, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu, đưa nước ta lên vị trí hàng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới.

Góp phần xoá đói giảm nghèo

Phần lớn các hộ nghèo hiện nay ở nông thôn là những hộ có ít đất hoặc không có đất sản xuất do chuyển nhượng, “gán nợ”, hoặc bỏ hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả do thiếu vốn đầu tư,... Chínhvì vậy, chính sách QLĐĐ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xoá đói giảm nghèo không chỉ trước mắt mà còn cả lâu dài. Nâng cao an toàn pháp lý về quyền SDĐ thông qua việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ la một trong các giải pháp quan trọng trong việc tạo vốn từ đất đai; người SDĐ có thể góp vốn bằng quyền SDĐ, thế chấp quyền SDĐ để vay vốn đầu tư cho sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền SDĐ trồng lúa; việc quy định hạn mức giao đất nông nghiệp để đảm bảo mọi người dân đều có đất sản xuất.

Góp phần đảm bảo an ninh lương thưc

Tính đến 31/12/2019, tổng diện tích đất cả nước phân theo đơn vị hành chính là 33.123.597,0 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 27.289.454,0 ha, chiếm 82,39% (đất sản xuất nông nghiệp 11.498.497,0 ha, chiếm 34,71% (đất trồng lúa 4.120.498,0 ha, chiếm 12,44%); đất lâm nghiệp 14.940.863,0 ha, chiếm 45,11%; đất nuôi trồng thủy sản 795.311,0 ha, chiếm 2,4%); đất phi nông nghiệp 3.773.750,0 ha, chiếm 11,39% (đất ở 721.676,0 ha chiếm 2,18%; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp 279.876,0 ha, chiếm 0,84%; đất có mục đích công cộng 1.219.176,0 ha, chiếm 3,68%); đất chưa sử dụng 2.060.393,0 ha, chiếm 6,22%.
Tính đến năm 2019, cả nước có khoảng 96,484,0 nghìn người, trong đó dân số ở thanh thị là 33.816,6 nghìn người chiếm 35,05%, ở nông thôn 62.667,4 nghìn người chiếm 64,95%. Dân sống ở vùng nông thôn, sản xuất lương thực là chủ yếu. Thông qua hệ thống quản lý Ngành từ trung ương tới địa phương, việc quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa nước ở mức trên dưới 4 triệu ha, ngành QLĐĐ Việt Nam đang tiếp tục góp phần đảm bảo vững chắc chiến lược an ninh lương thực quốc gia trong thời kỳ hiện nay và những thập niên tiếp theo.

Nâng cao đời sống người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội

Nhà nước có chính sách thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng như dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế,... tạo được nhiều công ăn việc làm cho nhân dân tại các địa phương, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo đời sống cho người lao động. Bên cạnh đó, còn quan tâm đến đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân thông qua việc thu hồi đất đối với các công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giả trí phục vụ công cộng, xây dựng, chỉnh trang đô thị mới, khu dân cư nông thôn. Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Với việc tiến hành quy hoạch SDĐ đai ở các cấp và được lập từ tổng thể đến chi tiết, kết hợp với các chính sách đất đai hợp lý, ngành QLĐĐ Việt Nam đang tạo cơ sở cho việc giao đất và SDĐ hợp lý, có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh  phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa tăng cường đóng góp cho tăng trưởng KT-XH, vừa góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Cơ chế giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ nhìn chung tại các địa phương đã dần đi vào quỹ đạo, góp phần nâng cao hiệu quả SDĐ, cũng như đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển KT-XH, QP-AN và bảo vệ môi trường. Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất bước đầu khắc phục có hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan, dẫn đến SDĐ lãng phí, kém hiệu quả.

Việc đẩy mạnh và khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp can đất đai thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, SDĐ đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; chu động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Đối với việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường

Ngành QLĐĐ đã cùng với các bộ, ngành khác thực hiện Chương trình 327, 661,... đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế. Đất rừng tự nhiên trong 10 năm (1980 - 1990) bị giảm gần 3 triệu ha (diện tích đất lâm nghiệp có rừng năm 1990 là gần 9,4 triệu ha). Sau năm 1990, nhất là sau khi Luật Đất đai năm 1993, tác dụng của việc giao đất khoán rừng trên cơ sở hệ thống hồ sơ từ tiểu khu đến thôn, bản và hộ gia đình đã bắt đầu ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng nghiêm trọng trước đó. Việc giao đất gắn với giao rừng được tiếp tục thể chế tại Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến năm 2019, kết quả thống kê đất đai cho thấy diện tích đất rừng đã được khôi phục trở lại (14,94 triệu ha), đạt đo che phủ bằng cây rừng trên 45%.

Như vậy, chặng đường 75 năm qua của ngành QLĐĐ đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đó là: Tài nguyên đất quốc gia ngày càng được điều tra một cách toàn diện hơn, xác định đúng tiềm năng làm cơ sở cho việc khai thác, SDĐ đai tiết kiệm, có hiệu quả theo hướng phát triển bền vững; tài sản đất đai quốc gia đã được giao đến tận tay người SDĐ (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) đúng pháp luật để sản xuất, khai thác làm giàu cho bản thân và làm giàu cho đất nước; hệ thống pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn chỉnh, giác ngộ pháp luật của nhân dân được nâng cao, tổ chức thi hành pháp luật về đất đai ngày càng hiệu quả, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai.

Công tác thi đua, khen thưởng đạt được những thành tựu đáng khích lệ

Hưởng ứng các đợt vận động, phát động thi đua của Bộ TN&MT, thời gian qua, Tổng cục đã phát động nhiều đợt thi đua. Nội dung, chủ đề của các đợt thi đua gắn liền với công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị là xây dựng, phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đất đai, thực hiện các nhiệm vụ quản lý về quy hoạch, kế hoạch SDĐ; đo đạc, đăng ký và cấp giấy chứng nhận; kiểm kê, thống kê đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thanh tra, kiểm tra việc quản lý và SDĐ; mở rộng hợp tác quốc tế lĩnh vực đất đai, điều tra, đánh giá tài nguyên đất, nghiên cứu khoa học đất đai; ứng dụng công nghệ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; đào tạo và truyền thông đất đai; hiện đại hóa ngành; củng cố và phát triển vững mạnh bộ máy đảm bảo đáp ứng yêu của Ngành trong tình hình hiện nay.

Qua các đợt thi đua, công chức, viên chức, người lao động từng bước nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong công việc, phát huy vai trò làm chủ của mình, ra sưc học tập, rèn luyện, làm tròn trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Mức đăng ký thi đua năm sau cao hơn năm trước, tạo tiền đề cho công tác thi đua, khen thưởng dần đi vào cuộc sống, không tách rời với nhiệm vụ chuyên môn của từng công chức, viên chức và người lao động.

Trong các năm qua, Tổng cục được Bộ đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã được biểu dương, khen thưởng kịp thời. Nhiều tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Tập thể lao động tiên tiến cấp cơ sở; được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Cờ thi đua của Bộ. Ngoài ra, có rất nhiều danh hiệu khen thưởng và bằng khen đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động TN&MT của Tổng cục.

Để hoạt động thi đua đi vào nền nếp, Tổng cục đã làm tốt công tác đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò quan trọng của công tác TĐ, KT đến cán bộ, công chức và người lao động của Tổng cục. TĐ, KT được gắn liền với thi đua yêu nước theo hướng tập trung vào hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật nhà nước và hướng tới mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị.

Phát huy thành tích đạt được, trong giai đoạn 2015-2020, Tổng cục đã tổ chức triển khai phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục thực hiện và đổi mới công tác dân vận; triển khai phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ công chức, viên chức và người lao động. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục quyết tâm thi đua thực hiện có hiệu quả cao các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực đất đai được Chính phủ, Bộ TN&MT giao phục vụ phát triển bền vững đất nước; đồng thời, tiếp tục thi đua thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài như: Thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; thi đua xây dựng tập thể tiên tiến, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng các tổ chức đảng, công đoàn và tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng và chống tham nhũng,... Mặt khác, trong các năm tiếp theo, Tổng cục sẽ tạo ra những điểm nhấn trong phong trào thi đua để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII và các ngày lễ lớn của đất nước, của ngành TN&MT.
Kỷ yếu Đại hội TĐYN ngành TNMT lần thứ IV


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ