Tin tức

Rà soát, hoàn thiện Đề án chuyển đổi Tổng công ty TN&MT Việt Nam thành Công ty TN&MT Việt Nam 07/05/2019

0
Sáng ngày 6/5, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã chủ trì buổi làm việc để rà soát, hoàn thiện nội dung Đề án. Thứ trưởng nhấn mạnh tới việc tất yếu phải chuyển đổi mô hình của Tổng công ty, đồng thời bên cạnh những khó khăn đặt ra thì cũng có nhiều cơ hội không nhỏ.





Thứ trưởng Trần Quý Kiên chủ trì buổi làm việc

Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam được thành lập năm 2009, trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị là Công ty Đo đạc ảnh địa hình, Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình, Liên đoàn Trắc địa địa hình thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, với hơn 3.000 cán bộ công nhân viên. Năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định chuyển Công ty mẹ - Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ sở hữu.

Báo các tại buổi làm việc, ông Dương Văn Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết: Thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Tổng công ty đã chỉ đạo xây dựng và hoàn thành phương án cổ phần hóa 04 Công ty con, chuyển loại hình hoạt động từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang Công ty cổ phần. Cả 04 công ty đã hoàn tất và đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ đầu tháng 5 năm 2016. Tổng công ty đã chỉ đạo 04 Công ty cổ phần tiến hành thoái vốn Nhà nước, đến tháng 7 năm 2018 đã có 03 Công ty đã thoái xong toàn bộ vốn Nhà nước, gồm: Công ty cổ phần Tài nguyên - Môi trường Biển, Công ty cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ môi trường, Công ty cổ phần Địa chính và Tài nguyên môi trường, còn lại Công ty cổ phần Đo đạc và Khoáng sản chưa hoàn tất việc thoái vốn và đang chờ chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.
 


Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường
Việt Nam, Dương Văn Hải phát biểu tại buổi làm việc

Việc thay đổi mô hình tổ chức Tổng công ty thành Công ty nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức sản xuất kinh doanh và thích ứng với nền kinh tế thị trường trong điều kiện mới, đảm bảo sự phát triển bền vững. Công ty có cơ cấu ngành nghề phù hợp, hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ là: Điều tra, khảo sát, thu thập, xử lý các thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chính trị và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước; có đủ nguồn lực, năng lực và vị thế cạnh tranh trên thị trường; kinh doanh có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu, nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

Theo dự thảo Đề án, việc cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý của Công ty hướng đến yêu cầu tinh gọn bộ máy, cụ thể: Giải thể Hội đồng thành viên (trong cơ cấu tổ chức Công ty không có Hội đồng thành viên); thực hiện việc sáp nhập Văn phòng với Phòng Tổ chức cán bộ thành Văn phòng; giải thể Ban Quản lý trụ sở Tổng công ty và chuyển nhân sự của Ban về công tác tại Văn phòng.

Công ty cũng đề ra Chiến lược phát triển từ nay đến 2021, định hướng đến 2025 đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu của việc tái cơ cấu Công ty. Trong đó, mục tiêu xây dựng và phát triển để Công ty trở thành một trong những đơn vị hàng đầu của Bộ tại Việt Nam trong lĩnh vực Điều tra cơ bản, thu thập xử lý các thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường, phục vụ yêu cầu về quốc phòng - an ninh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và phục vụ cộng đồng, xã hội.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Sau khi nghe ý kiến góp ý của Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao sự cố gắng của Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình khá đầy đủ, chi tiết. Thứ trưởng cho rằng, việc chuyển đổi mô hình là tất yếu, mặc dù sẽ có rất nhiều khó khăn nhưng cơ hội cũng không nhỏ. Nhiều chương trình, dự án của Bộ rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, với đặc điểm chức năng nhiệm vụ, khả năng về công nghệ, nguồn nhân lực có kinh nghiệm như Tổng công ty. Việc xây dựng Đề án cũng là dịp để Tổng công ty rà soát lại tổng thể từ nguồn nhân lực, sản xuất kinh doanh và các nội dung thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Bộ giao, do vậy cần tập trung nhân lực để đảm bảo Đề án có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.

Thứ trưởng đề nghị Tổng công ty tiếp thu các ý kiến của đại biểu trong cuộc họp và nghiên cứu đề xuất các phương án nhân sự để nhất thể hóa các chức danh, giảm đầu mối; mạnh dạn hơn nữa trong việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí nhân sự và tinh giản biên chế nhất là việc giảm lực lượng lao động gián tiếp để tinh gọn bộ máy, tăng năng suất lao động.

Cần rà soát kỹ kết quả hoạt động của các lĩnh vực, làm rõ các nguyên nhân để đề xuất phương án, ngành nghề kinh doanh chủ đạo sau khi chuyển đổi, rà soát tình hình sản xuất, kinh doanh của 6 xí nghiệp trực thuộc, các xí nghiệp có ngành nghề kinh doanh không còn phù hợp, doanh thu trong 3-5 năm gần đây kém cần xem xét đề xuất để có phương án sắp xếp, bố trí hợp lý.

“Việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ Tổng Công ty thành Công ty là một cuộc cách mạng, do vậy cần xây dựng Đề án có tính cải tổ thực sự về chất và có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới” - Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.



Nguồn tin:Theo Cổng TTĐT monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ