Tin tức

Tăng cường trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về quy hoạch không gian biển và quản trị đại dương 20/02/2019

0
Sáng ngày 18/2, Hội nghị thường niên lần thứ 2 của Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học khu vực châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề "Quy hoạch không gian biển và quản trị đại dương" được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị do Ủy ban UNESCO của Việt Nam và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp tổ chức đã thu hút sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.




Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, là một quốc gia ven biển có bờ biển dài, nhiều đảo, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai quản lý biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp dựa vào hệ sinh thái. Việt Nam đã xây dựng và triển khai hệ thống chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý, nổi bật là Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Quy hoạch 2017…

 

Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Mới đây, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng quát là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

“Một trong các chủ trương lớn Nghị quyết số 36-NQ/TW đề ra là “Xây dựng quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng”.” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói.

Biển và Đại dương chiếm 71% diện tích bề mặt trái đất, chứa 97% lượng nước của Trái đất, là nguồn sinh kế, cung cấp thực phẩm protein cho hơn 3 tỷ người trên trái đất. Ở quy mô toàn cầu, giá trị thị trường của tài nguyên và các ngành công nghiệp biển, ven biển ước tính khoảng 3 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm, tương ứng 5% GDP toàn cầu. Đã xác định được gần 200.000 loài nhưng thực tế có thể lên đến hàng triệu loài ở các biển và đại dương. Biển và đại dương hấp thụ khoảng 30% lượng khí CO2 do con người tạo ra, làm giảm tác động của sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên sự can thiệp lâu dài và tiêu cực của con người vào thiên nhiên trong quá trình phát triển đã làm các biển và đại dương trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm, phá hủy hệ sinh thái, khai thác quá mức làm suy giảm khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản…

Thế kỷ XXI được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển và Đại dương được nhiều quốc gia trên thế giới coi là không gian sinh tồn, là nguồn sống, nguồn hy vọng tương lai của loài người. Quy hoạch không gian biển và quản trị đại dương được nhiều quốc gia quan tâm và áp dụng.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Thứ trưởng cũng cho biết, là một thành viên tích cực, có trách nhệm của Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học (IOC) thuộc UNESCO, Việt Nam đã chủ động triển khai sáng kiến của IOC về quy hoạch không gian biển thông qua nhiều hình thức như tổ chức biên dịch, phổ biến các tài liệu, hướng dẫn của UNESCO, tổ chức và tham gia các lớp tập huấn, nâng cao năng lực do UNESCO tổ chức. Luật Quy hoạch 2017 của Việt Nam đã quy định Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo còn quy định về Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

“Đây là những công cụ quan trọng, thiết yếu cho công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo ở Việt Nam, tạo cơ sở để thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong bối cảnh đó, việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với nhiều điều kiện về biển và đại dương tương đồng trong quy hoạch không gian biển, quản trị đại dương theo phương thức tổng hợp, dựa vào hệ sinh thái là hết sức cần thiết.” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.


 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Hội nghị sẽ diễn ra trong 5 ngày với nhiều nội dung lớn, phức tạp và đều là những nội dung hết sức mới mẻ nhưng cũng rất hữu ích đối với Việt Nam trong triển khai các nhiệm vụ quản lý biển và hải đảo. Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, đối với nội dung Tăng cường quản trị toàn cầu các hệ sinh thái biển lớn và bờ biển thông qua chia sẻ và ứng dụng các công cụ chia sẻ thông tin và kiến thức, cần tập trung làm rõ và nhận diện đầy đủ các đặc thù về mối quan hệ tương tác, gắn kết giữa các quy mô toàn cầu – khu vực – quốc gia – địa phương của các hệ sinh thái biển; các điều kiện phù hợp về cơ sở hạ tầng về kỹ thuật và pháp lý để bảo đảm việc ứng dụng và triển khai công cụ chia sẻ thông tin, kiến thức một cách hiệu quả.

Hai là, làm rõ hơn nội hàm nội dung, các phương pháp, cách tiếp cận, các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá cụ thể về quản trị đại dương, vừa bảo đảm các chuẩn mực chung của quốc tế, vừa bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực quản lý và những điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Ba là, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quốc tế và đặc biệt là các sáng kiến, mô hình thành công trong lập, thực hiện quy hoạch không gian biển, trong phát triển kinh tế biển bền vững, mô hình tăng trưởng xanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm đóng góp hiệu quả hơn trong quản lý biển và hải đảo ở các quốc gia, xây dựng khu vực biển Châu Á – Thái Bình Dương an ninh, an toàn và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị cũng tổ chức đào tạo chuyên đề về Quy hoạch không gian biển và quản trị đại dương. Khóa đào tạo này là một phần của cam kết của dự án GEF LME: LEARN trong việc hỗ trợ các quốc gia thông qua các dự án về biển và hải đảo để thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030. Khóa đào tạo sẽ tưang cường năng lực kỹ thuật của các Viện nghiên cứu cấp vùng và cấp quốc gia cũng như các chuyên gia để xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến biển và hải đảo của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, như thích ứng với các ảnh hưởng của biển đổi khí hậu, sử dụng không gian biển để khuyến khích phát triển kinh tế biển xanh, giảm những tác động tiêu cực của các hiểm họa thiên nhiên…

GEF LME: LEARN là một dự án được tài trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), được thực hiện bởi Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và được quản lý bởi Ủy ban hải dương học liên chính phủ của UNESCO (Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc). GEF LME: LEARN nhằm tăng cường quản trị dựa vào hệ sinh thái trên toàn cầu đối với các hệ sinh thái biển lớn và bờ biển bằng cách tạo ra kiến thức, xây dựng năng lực, khai thác các đối tác trong cả khu vực công và tư nhân và hỗ trợ học hỏi kinh nghiệm giữa các nước trên thế giới.

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ