Tin tức

Năm 2017: Đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trên các lĩnh vực TN&MT 02/02/2017


Phát huy các kết quả đạt được trong năm 2016, năm 2017, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thực hiện phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiếp tục đổi mới trong công tác điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Năm 2016 ghi nhận nhiều kết quả nổi bật của ngành TN&MT

Các kết quả nổi bật mà ngành TN&MT đã đạt được trong một năm vừa qua, trước hết là Bộ TN&MT đã kịp thời đổi mới tư duy theo tinh thần của Chính phủ: liêm chính, kiến tạo, hành động, gần dân. Đây là một thay đổi lớn hy vọng mang lại sinh khí mới, khơi dòng cho cuộc sống phát triển một cách mạnh mẽ, vững chắc ở nước ta trong nhiều năm tiếp theo. Sự thay đổi tư duy này được bắt nguồn từ cấp cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và phải được lan toả đến mọi cấp, mọi ngành từ Trung ương đến địa phương. Sự đổi mới tư duy này cũng có đòi hỏi rất cao về tính sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác lãnh đạo cho đến từng công chức trong hệ thống quản lý nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành TN&MT đã, đang và sẽ thấm nhuần tinh thần đổi mới này để nâng cao hiệu quả công việc của mình.
 
Trong năm 2016, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát, đánh giá hệ thống tổ chức bộ máy của ngành nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng một cơ cấu tổ chức tinh gọn và hiệu quả. Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ TN&MT đang trong quá trình hoàn thiện. Thông qua Nghị định này, cơ cấu tổ chức của ngành sẽ có nhiều đổi mới, sẽ tạo ra sự liên kết chặt chẽ theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang.

Bên cạnh hệ thống tổ chức, hệ thống chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực của ngành cũng đã được rà soát trên tinh thần xoá bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và mỗi người dân. Những văn bản pháp luật trên các lĩnh vực của ngành gây trở ngại, tốn kém, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nếu thuộc quyền hạn của Bộ TN&MT sẽ được sửa chữa hoặc thậm chí huỷ bỏ ngay. Trong trường hợp các văn bản này thuộc thẩm quyền của các cấp cao hơn thì sẽ được kiến nghị càng sớm càng tốt. Sự kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được Nhân dân đánh giá cao.
 
Trong năm 2016, Bộ TN&MT cũng đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lớn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đổi mới có sự phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương, tập trung xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm, được dư luận quan tâm, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kết quả thanh tra, kiểm tra ngoài việc xử lý, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên và môi trường còn phát hiện những bất cập, lỗ hổng trong chính sách, pháp luật để tiếp tục hoàn thiện. Kỷ luật, kỷ cương hành chính đã có sự chuyển biến tích cực; nhiều sai phạm trong thực thi công vụ  được xử lý nghiêm minh.
Trong năm qua, Bộ tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đối thoại trực tiếp với Nhân dân và doanh nghiệp nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thông qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành TN&MT để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn... Bộ TN&MT cũng đã tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành, địa phương khắc phục các rủi ro, sự cố do cả nhân tai lẫn thiên tai gây ra.
 
Triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017, ngành TN&MT lựa chọn các định hướng, nhiệm vụ ưu tiên cho từng lĩnh vực quản lý TN&MT; nhằm tạo sự chuyển biển mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT.
Thứ nhất là, phải tập trung rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật. Chính sách đúng đắn sẽ tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giải phóng được các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời ngăn ngừa tham, nhũng, tiêu cực và lãng phí hiệu quả.

Thứ hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về TN&MT tập trung vào những vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp như: vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cấp GCN trong lĩnh vực đất đai; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khai thác khoáng sản,

Thứ ba là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thiết lập cơ chế kiểm soát việc thực hiện thủ tục của các cơ quan nhà nước cấp trên và cơ chế để người dân, doanh nghiệp phản hồi, đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ để từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ Nhân dân. Triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến qua mạng để giảm tiêu cực nhũng nhiễu.

Thứ tư là, phải làm tốt vấn đề là gốc rễ đó là công tác cán bộ. Phải từng bước đổi mới chế độ công vụ, công chức; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ, đạo đức nghề nghiệp; đề cao trách nhiệm cá nhân nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ; gắn kết quả công việc với khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ. Đổi mới trong văn hóa giao tiếp, giải quyết công việc, trong phục vụ Nhân dân; coi Nhân dân là đối tượng được phục vụ, Nhân dân đánh giá chất lượng dịch vụ công mà các cơ quan nhà nước cung cấp.
 
Ngoài 4 nhiệm vụ chung, đối với từng lĩnh vực cụ thể đều đặt các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm. Lĩnh vực đất đai sẽ tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển thông qua việc tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; đẩy nhanh tích tụ đất đai trong nông nghiệp; giải quyết xử lý vấn đề lãng phí đất đai, đất của các công ty nông, lâm nghiệp, đất công, đất của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; nghiên cứu đổi mới cơ chế tiếp cận đất đai của doanh nghiệp..; cải cách hành chính, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc cấp GCN lần đầu cho người dân; xây dựng, hiện đại hóa hệ thống hồ sơ địa chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công khai, minh bạch dân chủ trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Lĩnh vực tài nguyên nước sẽ triển khai các giải pháp tổng thể để đảm bảo an ninh nguồn nước thông qua việc điều tra, quy hoạch tài nguyên nước, sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả; kiểm soát xả nước thải vào nguồn nước; kiểm soát việc vận hành hồ chứa để giảm các tác động kép do thiên tai, nhân tai; triển khai các giải pháp tìm kiếm nguồn nước cho sinh hoạt nơi khan hiếm, các tác động của việc khai thác nguồn nước quá mức; hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với các nguồn nước liên quốc gia theo Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia.

Lĩnh vực địa chất và khoáng sản tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường công tác điều tra cơ bản nắm chắc tiềm năng, trữ lượng một số loại tài nguyên có giá trị; tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhất là khai thác cát sỏi lòng sông.

Lĩnh vực môi trường ưu tiên triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao chất lượng, rõ trách nhiệm trong ĐTM, cấp phép môi trường, quản lý chất thải; rà soát, kiểm soát, phòng ngừa các nguồn thảo có nguy cơ gây ô nhiễm; khẩn trương xây dựng quy hoạch môi trường, điều chỉnh các quy hoạch về chất thải rắn, chất thải nguy hại; kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải, tăng cường công tác thanh tra; triển khai giải quyết vấn đề môi trường của các lưu vực sông.

Lĩnh vực khí tượng thủy văn tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều.

Lĩnh vực biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội để triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu; chuẩn bị khung khổ pháp lý, nguồn lực để Việt Nam sẵn sàng thực hiện các cam kết quy định tạo Thỏa thuận Paris 2015 về BĐKH; triển khai các kế hoạch, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc vùng ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Xây dựng kịch bản diễn biến tác động của BĐKH đến các vùng biển ven bờ, vùng bờ biển, tích hợp với các quy hoạch, kế hoạch.

Lĩnh vực đo đạc và bản đồ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) phục vụ Chính phủ điện tử, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường; hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới tọa độ, độ cao, độ sâu, trọng lực quốc gia.

Lĩnh vực biển và hải đảo, tổ chức thực hiện tốt việc thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; hoàn thiện quy hoạch, hế hoạch sử dụng biển tăng cường công tác điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Tăng cường các mối quan hệ hợp quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Lĩnh vực viễn thám sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát thường xuyên diễn biến về TN&MT biển, đảo, BĐKH, hoạt động khai thác tài nguyên nước ngoài biên giới bằng công nghệ viễn thám.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ