Tin tức

COP 19: Tài chính là cơ sở của bất kỳ hành động nào để ứng phó với biến đổi khí hậu 13/02/2014

0
Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bao gồm: Hội nghị lần thứ 19 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 19), Hội nghị lần thứ 9 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP 9), Khóa họp lần thứ 39 Ban Bổ trợ về thực hiện (SBI 39), Khóa họp lần thứ 39 Ban Bổ trợ về tư vấn khoa học và công nghệ (SBSTA 39) và phần 3 Khóa họp lần thứ hai Nhóm công tác đặc biệt về thúc đẩy Diễn đàn Durban (ADP 2.3). Bên cạnh đó còn có các cuộc họp của một số nhóm nước và một loạt các sự kiện bên lề diễn ra trong suốt thời gian hội nghị.



Tại Phiên họp toàn thể của COP 19, nhiều đại biểu cho rằng, tài chính là cơ sở của bất kỳ hành động đầy kỳ vọng nào để ứng phó với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh vấn đề mới nổi là tổn thất và thiệt hại, đồng thời kêu gọi cùng hướng tới thiết lập Thỏa thuận mới với kỳ vọng cao sau năm 2020.  Thỏa thuận năm 2015 cần được tăng cường bằng cách thực hiện và làm rõ cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính với kỳ vọng cao, cấp vốn cho Quỹ khí hậu xanh (GCF) và thực hiện cam kết đóng góp tài chính của các nước phát triển.

 
Ông Marcin Korolec, Chủ tịch mới của COP 19, phát biểu tại Hội nghị

 Tại Phiên họp toàn thể của CMP 9, đại biểu nhiều nước đang phát triển kêu gọi các Bên sớm phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Doha vào Nghị định thư Kyoto và đề nghị các nước phát triển với trách nhiệm lịch sử phải tăng mức kỳ vọng cắt giảm phát thải khí nhà kính trong thời kỳ cam kết lần thứ hai (2013-2020) và các thời kỳ kế tiếp của Nghị định thư Kyoto, coi đó là nền tảng quan trọng để thông qua Thỏa thuận quốc tế mới vào năm 2015 và có hiệu lực thực hiện từ năm 2020.

Tại Phiên họp toàn thể của SBI 39, đại diện các nước đang phát triển nhấn mạnh thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ chế tổn thất và thiệt hại là những vấn đề cần ưu tiên giải quyết, đồng thời kêu gọi cam kết tài trợ mạnh mẽ, đầy đủ và kịp thời từ các nước phát triển bao gồm cả thích ứng thông qua Quỹ các nước kém phát triển (LDCF), Quỹ khí hậu xanh (GCF) và các nguồn tài chính bên ngoài khác. Nhiều nước khẳng định NAMAs tại các nước đang phát triển mang tính tự nguyện, cần sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ của các nước phát triển.

 Tại Phiên họp toàn thể của  SBSTA 39, các đại biểu đề cập đến vấn đề nông nghiệp; phát thải khí khí nhà kính từ nhiên liệu sử dụng cho hàng không và hàng hải quốc tế; chương trình hành động Nairobi; hướng dẫn phương pháp cho REDD +, các hành động giảm nhẹ trong lĩnh vực lâm nghiệp tại các nước đang phát triển; Công nghệ, nhu cầu công nghệ; nghiên cứu và quan trắc hệ thống; biện pháp ứng phó; vấn đề thị trường và các cơ chế phi thị trường; xác định rõ các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính định lượng của các nước phát triển.

Tại Phiên họp ADP, Thỏa thuận năm 2015 là tâm điểm của các nước. Đồng Chủ tịch ADP kêu gọi các Bên hoàn thành dự thảo văn bản đàm phán trước tháng 12/2014 và văn bản chính thức đàm phán vào tháng 5/2015. Các đại biểu đã trình bày quan điểm như sau:

 Về các nội dung chính về thích ứng trong Thỏa thuận năm 2015: Thỏa thuận năm 2015 cần phản ánh tính cấp bách của hành động thích ứng để kêu gọi hợp tác từ các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ và khu vực tư nhân; công nhận những nỗ lực thích ứng hiện nay của các quốc gia; tăng cường các cơ chế tài chính. Các nước cũng nhấn mạnh tính minh bạch là chìa khóa để xây dựng lòng tin, đồng thời kêu gọi hoàn tất các thể chế về MRV.

Về các nội dung giảm nhẹ trong Thỏa thuận năm 2015: Nhất trí về tầm quan trọng để đảm bảo sự tham gia rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng, thực hiện Thỏa thuận 2015 theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”, theo đó hoạt động giảm nhẹ tại các nước đang phát triển phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của các nước phát triển.

Đại biểu các nước cũng đề cập đến các vấn đề về tài chính, Quỹ khí hậu xanh (GCF), các nguồn tài chính khác; MRV; NAMAs và kinh phí thực hiện NAMAs tại các nước đang phát triển; đề xuất IPCC xây dựng phương pháp luận, trong đó nêu rõ trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển trong thực hiện Công ước khí hậu; cơ chế, sắp xếp tổ chức; cắt giảm phát thải khi nhà kính của các Bên thuộc Phụ lục I trong thời kỳ cam kết lần thứ hai của Nghị định thư cho phù hợp với các Báo cáo đánh giá gần đây của IPCC; cân đối và hợp lý của các thành phần thích ứng, giảm nhẹ, tài chính, công nghệ và các phương thức thực hiện trong Thỏa thuận năm 2015; vấn đề minh bạch và MRV trong tài chính.

Các cuộc thảo luận trên cho thấy, quan điểm của nhiều nước phát triển còn nhiều khác biệt đối với quan điểm nêu trên của các nước đang phát triển. Đến ngày 19/11/2013, Hội nghị đã có một số tiến triển nhưng còn rất hạn chế. Các Bên đã thống nhất được một số dự thảo quyết định về các yếu tố cơ bản của Thỏa thuận năm 2015 nhưng mới còn sơ lược và mang tính nguyên tắc ban đầu. Các nước phát triển cũng chưa đưa ra các cam kết đóng góp tài chính rõ ràng, minh bạch cho thời kỳ 2013-2020.

Về hoạt động của Đoàn Việt Nam, từ ngày 20 đến ngày 22/11/2013, Đoàn sẽ có các hoạt động: Các thành viên tiếp tục tham dự các cuộc họp theo COP, CMP, SBI, SBSTA, ADP và các hội thảo, hội thảo bên lề về NAMAs; chiến lược phát triển các-bon thấp; thích ứng với biến đổi khí hậu; tổn thất và thiệt hại; REDD+; LULUCF; giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải; tài chính; Quỹ khí hậu xanh; Quỹ thích ứng; chuyển giao công nghệ. Tham dự và trình bày báo cáo, tham luận tại 2 hội thảo bên lề trong 2 ngày 20 và 21/11/2013 (về hành động khí hậu hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, giảm nhẹ khí nhà kính và phát triển NAMAs…). Trưởng đoàn Việt Nam sẽ có một số cuộc tiếp xúc, cuộc họp về hợp tác đa phương và song phương cũng như có bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao vào chiều ngày 21/11/2013.


Nguồn tin:Theo Cục KTTV&BĐKH

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ