Tin tức

Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam 24/01/2019

0
Ngày 22/01, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Dự án Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất nguy hại (PTS) tại Việt Nam trong các năm trước, đồng thời bàn giải pháp thực hiện năm 2019 và năm tiếp theo. Tham dự có đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và đại diện Bộ Công thương, Tổng cục Môi trường và các đơn vị, địa phương tham gia vào Dự án.





Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân,
Trưởng Ban chỉ đạo Dự án phát biểu chỉ đạo

Dự án quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan chủ quản; Tổng Cục Môi trường là đơn vị chủ Dự án; Cục Hóa Chất của Bộ Công thương là đơn vị đồng thực hiện với sự tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương và Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An. Trong giai đoạn 2015 – 2018, Dự án đã thực hiện và hoàn thành nhiều nội dung quan trọng như:

Về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý: Dự án đã doàn thành việc rà soát Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật liên quan từ đó đưa ra Kế hoạch cải thiện chính sách nhằm quản lý an toàn về môi trường đối với các chất POP, PTS đã được xây dựng; 02 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép đã được sửa đổi, bổ sung; Soạn thảo nhiều văn bản: Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật lập phương án bảo vệ môi trường liên quan đến hóa chất, bao gồm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất nguy hại (PTS); Dự thảo Quy định về phát thải chất ô nhiễm đã được chỉnh sửa và đã được đưa vào như một chương trong Thông tư Quy định về bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; Dự thảo các hướng dẫn kỹ thuật về phát thải chất ô nhiễm cho ngành mạ crom và ngành nhiệt điện; Bộ số liệu cơ bản về hiện trạng quan trắc các chất POP và thủy ngân tại Việt Nam và hiện trạng các trung tâm quan trắc các chất POP và thủy ngân trên cả nước đã được thu thập, tổng hợp.

Về quản lý và xử lý chất POP và PST, đãphê duyệt Kế hoạch cấp tỉnh về quản lý các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật lồng ghép với quy hoạch sử dụng đất tại tỉnh Nghệ An; Hoàn thành việc kiểm kê lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật nguyên chất và đất nhiễm có nồng độ trên 50ppm tại điểm ô nhiễm tại Lâm Hóa(Quảng Bình) và xây dựng kế hoạch quản lý các điểm ô nhiễm này; Thu gom, đóng gói và xử lý thành công hơn 50 tấn chất thải POP và đất nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật tại đây

Về đào tạo, nâng cao nhận thức và nguồn nhân lực: 160 cán bộ từ các Sở ban ngành thuộc 30 tỉnh đã được truyền thông về Kế hoạch Quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP; Đại diện của 250 doanh nghiệp đã được tuyên truyền về các quy định quản lý hóa chất và quản lý môi trường đối với hóa chất; 149 cán bộ quản lý và kỹ thuật của 43 trung tâm quan trắc/phòng thí nghiệm thuộc 34 tỉnh thành phố đã có kiến thức cơ bản về phân tích và quan trắc các chất POP và PTS; 60 lượt cán bộ quản lý và kỹ thuật của 15 trung tâm quan trắc/phòng thí nghiệm thuộc 15 tỉnh thành phố đã có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về phân tích và quan trắc PAH, Hg và PBDE.

 

Toàn cảnh cuộc họp

Năm 2019, Dự án sẽ tập trung vào xây dựng và thực thi khung chính sách quản lý an toàn về môi trường đối với hóa chất, bao gồm các chất POP và PTS, xây dựng chính sách thúc đẩy việc giảm phát thải và tiêu hủy các chất POP dựa trên cơ chế thị trường thông qua cơ chế hợp tác công tư; Thực hiện hoạt động quan trắc tổng thể các chất POP, PTS trong môi trường xung quanh và nguồn tiếp nhận, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quan trắc quốc gia và sử dụng các dữ liệu này để chuẩn bị các báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội và Ban Thư ký Công ước Stockholm; Quản lý các khu vực bị ô nhiễm các chất POP, trong đó tập trung xây dựng các chính sách, quy định và hướng dẫn kỹ thuật quan trọng để quản lý các khu vực bị ô nhiễm các chất POP.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo, Ban Giám đốc đã chỉ đạo thực hiện Dự án có hiệu quả trong những năm qua.

Dự án Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam là dự án rất quan trọng, phản ánh quyết tâm và hành động của Chính phủ Việt Nam trong tăng cường quản lý an toàn hóa chất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Mặc dù dự án được kéo dài tới giữa năm 2020 nhưng trước những yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng yêu cầu: "Ban Quản lý dự án cần tập trung triển khai, hoàn thành tất cả các hạng mục chính của Dự án ngay trong năm 2019. ". Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Giám đốc dự án ngay sau cuộc họp này, phải trình kế hoạch chi tiết thực hiện Dự án năm 2019 để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Ban Chỉ đạo cần tiếp tục phát huy tinh thần tư duy, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các tỉnh được hưởng lợi từ Dự án để thực hiện Dự án có hiệu quả mang lại lợi ích cho cộng đồng vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.

Dự án quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan chủ quản; Tổng Cục Môi trường là đơn vị chủ Dự án; Cục Hóa Chất của Bộ Công thương là đơn vị đồng thực hiện. Dự án được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP).
Thời gian triển khai: 2015-2018, được kéo dài đến 7/2020.

Mục tiêu của Dự án: Tiếp tục giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua việc giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại.

1. Xây dựng, bổ sung khung pháp lý và thể chế tích hợp để triển khai hiệu quả hơn các quy định của Công ước Stockholm về các chất POP;

2. Xây dựng và trình diễn thí điểm Hệ thống đăng ký chuyển giao và phát thải chất ô nhiễm (PRTR) và áp dụng cho ít nhất 20% nguồn thải công nghiệp tại một tỉnh được lựa chọn để quản lý an toàn về môi trường và báo cáo các chất POP và thủy ngân;
3. Phát triển khung quản lý an toàn về môi trường đối với hóa chất, hướng tới tăng cường năng lực quản lý các khu vực  bị ô nhiễm POP và kế thừa được các kết quả, kinh nghiệm từ các dự án trong chu kỳ GEF4 và chương trình, dự án quốc gia
               .

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ