Tin tức

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Doanh nghiệp Cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý sử dụng 28/05/2018

0
Tại phiên thảo luận ở Hội trường sáng 28/5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu giải trình làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai cũng như định giá đất đai tại các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.





Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trần Hồng Hà phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 28/5. Ảnh: Quốc Khánh

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, qua ý kiến thảo luận buổi sáng hôm nay, khi bàn về vấn đề thất thoát khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, hầu hết các ý kiến đã dành sự quan tâm và đặt ra vấn đề thách thức hiện nay đó là vấn đề thất thoát nguồn vốn của nhà nước từ nguồn lực đất đai từ các doanh nghiệp nhà nước.

Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giải trình làm rõ một số vấn đề như: Liên quan đến thực trạng, nguyên nhân; Về phía cơ quan tham mưu Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện công việc này như thế nào. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải tập trung khẩn trương để giải quyết rốt ráo từ cơ chế chính sách đến công tác tổ chức triển khai thực hiện.
 
Hoàn toàn có thể thu hồi lại quỹ đất mà doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo

Thứ nhất, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước đây, đặc biệt là trước khi có Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, các quy định của pháp luật về đất đai cũng như về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thì phương án rà soát quỹ đất đai, sử dụng đất đai, nhu cầu sử dụng đất đai của doanh nghiệp…, thông thường khi cổ phần hóa chưa được xem xét trước khi tiến hành cổ phần hóa.

Bởi vậy nguồn lực đất đai có thể nói chưa được quản lý cũng như chưa có đánh giá về giá trị đất đai ở các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa. Đây là một nguyên nhân chính gây ra hiện tượng khi đánh giá giá trị của doanh nghiệp thì không thể đánh giá giá trị từ đất đai để đưa vào giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Trên thực tế, theo Bộ trưởng, đây là điều cũng không sai bởi thực tế khi giao đất cho các doanh nghiệp nhà nước thì chủ yếu là giao đất không thu tiền sử dụng hoặc giao đất có thu tiền sử dụng hàng năm nên việc đưa ngay vào đối với giá trị của doanh nghiệp là không thể.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng đồng tình với quan điểm của các vị đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rất rõ đó là việc nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa thì trên thực tế nhu cầu sử dụng đất đai không phải như vậy. Và thứ hai đó là việc nhiều khu vực đất đai đang sử dụng rất lãng phí, quản lý chưa tốt và nhiều khu đất vàng.

Và trên thực tế, theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, việc sử dụng đất, thông thường sau khi cổ phần hóa xong, các doanh nghiệp lại đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng các tiêu chí, mục đích của doanh nghiệp này phải thực hiện. Và việc chuyển đổi mục đích đó không thể tính toán được việc đưa ra đấu giá là do có tài sản ở trên đất đó. Nên khi áp dụng giá đất đai hiện hành thì còn có sự khác rất lớn so với đất theo thị trường. “Trên thực tế chúng ta chưa đánh giá được giá trị về mặt vị thế khu đất đó.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trước tình hình này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành kịp thời Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Nghị định 01 đã cập nhật, quy định về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó quy định rõ: Doanh nghiệp nhà nước khi Cổ phần hóa có trách nhiệm phải rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo pháp luật đất đai và sắp xếp xử lý đất thuộc sở hữu nhà nước trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi cổ phần hóa. “Đây là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng. Qua việc rà soát này, chúng ta hoàn toàn có thể thu hồi lại quỹ đất mà hiện nay doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo hoặc không cần thiết và sử dụng không hiệu quả. Thu hồi lại để tạo quỹ đất phục vụ các mục đích khác” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
 
 

Quang cảnh phiên họp sáng 28/5

Định giá để xác định giá trị quyền sử dụng đất do UBND tỉnh quyết định

Thứ hai, Bộ trưởng cho biết, việc xác định giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Trên thực tế hiện nay, giá đất này có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có một nguyên nhân là việc xác định giá đất của cơ quan tư vấn cũng như của cơ quan quản lý nhà nước, của hội đồng giá đất… là do chúng ta chưa tính đến quy hoạch, chưa tính đến vị trí, lợi thế nên giá đất không phù hợp với cơ chế thị trường. Và đây là nội dung trong Luật Đất đai yêu cầu là khi mà xác định giá đất phải công bố công khai giá đất này.

Ở nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng nếu chúng ta công bố công khai thì sẽ thấy rõ được cái tính bất hợp lý khi xác định giá đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Và chính khi không công khai minh bạch nên mới có chuyện lợi dụng của các nhóm lợi ích vào làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Thứ ba, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề xuất việc xử lý tồn tại trước khi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ ra đời. Và đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa thì chúng ta thấy xã hội, nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội và cử tri hết sức quan tâm việc thất thoát rất lớn nguồn lực trong khi chúng ta cần phải đưa nguồn lực đất đai vào phục vụ phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị xem xét việc thanh tra, kiểm tra. Và trên thực tế hiện nay thì chúng ta đang tiến hành thanh tra tất cả các dự án có đất vàng. Và hiện nay các bộ, các ngành đang thực hiện công việc này.

“Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có vấn đề gì thiếu minh bạch, không đảm bảo phù hợp về vấn đề xác định giá đất đai thì chúng ta sẽ xem xét để có những biện pháp để xử lý thích hợp” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, trong việc xử lý này Bộ Tài chính đã tham gia hết sức quan trọng liên quan đến vấn đề kinh tế đất đai. Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần đã thể hiện điều này.

Theo Bộ trưởng, trong phiên thảo luận sáng nay 28/5 đã có nhiều đại biểu phát biểu ý kiến. Tất nhiên, khi xem xét nếu chúng ta làm đầy đủ như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP và như Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Bộ trưởng cho rằng vấn đề thất thoát trong vấn đề đưa nguồn lực đất đai khi cổ phần hóa chắc chắn sẽ cải thiện về cơ bản.

Đồng tình ý kiến của các đại biểu hôm nay đã nêu đặc biệt là khi cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chúng ta cần phải tính đến đa mục tiêu đó là đối với việc xem xét về vấn đề quản lý sao cho hiệu quả hơn quỹ đất dung cho các doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở chúng ta tính toán quy hoạch lại đặc biệt là nhiều doanh nghiệp nhà nước có vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường hoặc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị xây dựng… một cách không phù hợp thì chúng ta cũng phải tính toán thu hồi lại quỹ đất này để đấu giá và tiền đấu gia thu được dành để chỉnh trang, phát triển đô thì và một phần để hỗ trợ các doanh nghiệp di dời ra khỏi các khu vực đông dân cư như hiện nay… Bộ trưởng nhận định đây là vấn đề hết sức đúng đắn.

Bên cạnh đó Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề cập việc hiện nay có một quỹ đất của doanh nghiệp nhà nước rất lớn nhưng quản lý hết sức lỏng lẻo trong thời gian dài mà đại biểu cũng như cử tri cả nước đã nêu vấn đề này trong nhiều kỳ họp Quốc hội đó là vấn đề liên quan đến đất đai của nông lâm trường. Đặc biệt như các đại biểu ở vùng Tây Nguyên đã nêu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là vấn đề, là công việc mà chúng ta cần phải thực hiện sớm việc giải quyết vấn đề đã tồn tại bấy lâu nay đó là liên quan đến vấn đề đất không được quản lý trên cơ sở các hồ sơ địa chính, vấn đề tranh chấp đất đai có nguồn gốc nông lâm trường đang diễn ra rất nhiều trong đó có nhiều nông lâm trường có lượng đất đai bị lấn chiếm, chiếm dụng rất lớn.

“Và trên thực tế các nông lâm trường hiện nay đang hoạt động trong tình trạng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất ít và không đóng góp trách nhiệm tài chính đối với nhà nước. Việc giải quyết vấn đề đất đai ở các công ty, nông lâm trường với quỹ đất rất lớn nếu giải quyết được thì chúng ta có thể chuyển quỹ đất hiện nay về các địa phương để giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội và đặc biệt là giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào các dân tộc cũng như nâng cao hiệu quả đối với đất đai nông lâm trường...” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Việt Hùng (lược ghi) - Ảnh: Quốc Khánh

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ