Tin tức

Thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường 09/11/2015

0
Sáng ngày 06/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường.







TS Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT và PGS.TS Phạm Mạnh Hùng,
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì Hội nghị

TS Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT và PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở đào tạo liên quan tới lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước.

Đào tạo chuyên ngành tài nguyên và môi trường cả nước ngày càng được chú trọng

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, ngành tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý 08 lĩnh vực chuyên ngành gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; viễn thám. Đây là các lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, sự phát triển kinh tế, xã hội; là ngành điều tra cơ bản, dự báo gắn liền với các hoạt động điều tra, thăm dò, quan trắc với mạng lưới tổ chức rộng khắp cả nước và gắn liền với yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường, là yếu tố quan trọng của một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu khai mạc Hội nghị


Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận; hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện; tổ chức bộ máy của ngành tiếp tục được kiện toàn; đội ngũ cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ; công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực.

“Để đạt được kết quả này, việc kiện toàn và nâng cao năng lực cán bộ cho toàn ngành từ Trung ương đến cơ sở là một trong những yếu tố then chốt. Nhận thức được tầm quan trọng này, những năm qua lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách; tăng cường đào tạo, tập huấn đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành. Chất lượng và số lượng công chức, viên chức, người lao động của Bộ, của ngành đã tăng lên đáng kể, đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.” – Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.

 

 Ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ TN&MT phát biểu


Phát biểu tại Hội nghị, Ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ TN&MT cho biết, Bộ TN&MT có 03 Trường: Đại học TN&MT Hà Nội, Đại học TN&MT thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng TN&MT miền Trung và 03 Viện đang đào tạo trình độ tiến sỹ: Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Lưu lượng đào tạo của các Trường hiện là khoảng 9.000 sinh viên hàng năm. Trong giai đoạn 2010 đến nay, các Trường đã đào tạo 10.000 sinh viên hệ cao đẳng và 4.000 sinh viên hệ trung cấp, và đã có khóa tốt nghiệp đại học đầu tiên với gần 800 sinh viên. Sinh viên sau khi tốt nghiệp đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu; tiếp cận với xu thế khoa học công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng; được đa số các đơn vị, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá chất lượng đào tạo ở mức tốt.

Về các cơ sở đào tạo chuyên ngành tài nguyên và môi trường ngoài Bộ, hiện cả nước có khoảng 80 trường đại học, cao đẳng đào tạo các chuyên ngành tài nguyên và môi trường; có gần 20 cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Theo số liệu thống kê của các cơ sở đào tạo lớn, trong giai đoạn 2010 – 2015, đã đào tạo được hơn 70.000 người trình độ đại học và trên đại học, 5000 người trình độ cao đẳng, đã cơ bảo đảm chất lượng về chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhìn chung, công tác đào tạo nhân lực của các cơ sở ngoài Bộ đã đáp ứng được một phần nhu cầu nhân lực ngành tài nguyên và môi trường, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.
 
 

Toàn cảnh hội nghị

Liên kết các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường của cả nước trong tương lai

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, hiện nay, đội ngũ công chức, viên chức của ngành còn nhiều bất cập về số lượng, chất lượng, độ tuổi và cơ cấu ngành nghề. Ở Trung ương, một số lĩnh vực có sự hụt hẫng về đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu; ở địa phương nhìn chung đội ngũ công chức, viên chức về tài nguyên và môi trường, đặc biệt các lĩnh vực địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý; phần lớn số công chức, viên chức được đào tạo về các chuyên ngành kỹ thuật, thiếu kỹ năng quản lý; trong khi đó, chính sách thu hút học sinh, sinh viên học tập một số chuyên ngành về tài nguyên và môi trường chưa được quan tâm xây dựng, đặc biệt là một số ngành khó tuyển như khí tượng thủy văn, đo đạc, bản đồ.... Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn nhiều bất cập, hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường còn chưa có sự liên thông, liên kết và quy hoạch mạng lưới; cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy còn khó khăn và kém so với mức chung của khu vực; chương trình, giáo trình đào tạo, chuẩn đầu ra của sinh viên các ngành chưa đồng bộ, thống nhất; đội ngũ giảng dạy còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Đây là những vấn đề cấp bách của xã hội nói chung và của ngành tài nguyên và môi trường nói riêng cần được giải quyết kịp thời.

Vì vậy, Hội nghị mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường được tổ chức nhằm rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và xây dựng, thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Việc thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo lĩnh vực tài nguyên và môi trường là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy được thế mạnh của ngành tài nguyên và môi trường trong sự phát triển của xã hội; việc thiết lập mạng lưới cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2012-2020.

Bên cạnh đó, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế tri thức của thế giới đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu mỗi quốc gia, mỗi Bộ, ngành, địa phương phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, ngành giáo dục đang dốc sức cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

“Các ý kiến thu nhận được tại Hội nghị sẽ là nguồn cung cấp thông tin quý báu để Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá được toàn diện về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các nhà tuyển dụng sẽ cùng nhìn nhận, đánh giá, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường.” – Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nhóm vấn đề: (1) Tổng kết, đánh giá thực trạng công tác đào tạo nhân lực các ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại các cơ sở đào tạo trên cả nước; (2) Đề xuất, kiến nghị trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường; (3) Đề xuất thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, qua đó tăng cường sự hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giữa các cơ sở đào tạo; (4) Đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chiều cùng ngày, sẽ diễn ra 8 hội nghị chuyên đề về đánh giá thực trạng và giải pháp tăng cường công tác đào tạo các ngành, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường, gồm: biển và hải đảo; địa chất và khoáng sản; đất đai; môi trường; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; tài nguyên nước; viễn thám.

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ