Tin tức

Hội nghị Khoa học, Công nghệ toàn quốc Ngành Đo đạc và Bản đồ năm 2018 01/10/2018

0
Hội nghị Khoa học, Công nghệ toàn quốc Ngành Đo đạc và Bản đồ năm 2018 sẽ được tổ chức ngày vào 05/10,  tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam; tại địa chỉ số 57 đường Phạm Hùng, Hà Nội.



Để chuẩn bị cho kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành Đo đạc và Bản đồ; đồng thời chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế các nhà đo đạc thế giới (FIG Working Week 2019), Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Hội nghị Khoa học, Công nghệ toàn quốc Ngành Đo đạc và Bản đồ năm 2018. Các báo cáo khoa học, công nghệ được giới thiệu tại Hội nghị toàn quốc này sẽ là những công trình khoa học công nghệ tiêu biểu về kết quả hoạt động và định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý.

Hội nghị nhằm mục đích tổng kết đánh giá các thành tựu, kết quả khoa học, công nghệ, đề xuất định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong thời gian tới phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2030; đồng thời lựa chọn các báo cáo tiêu biểu của Việt Nam trình bày tại "FIG Working Week 2019" và chào mừng Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành Đo đạc và Bản đồ. Hội nghị cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ, viễn thám trên toàn quốc và các ngành có liên quan báo cáo thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học của ngành trong giai đoạn 2002 - 2018.

Chương trình của Hội nghị dự kiến gồm 2 phần: Phiên toàn thể và 05 nhóm thảo luận chuyên đề: Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; Đo đạc cơ bản; Bản đồ; Đo ảnh và viễn thám; Đo đạc ứng dụng.

Cụ thể, nhóm chuyên đề về Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (NSDI): sẽ tập trung trình bày, thảo luận các nội dung chuyên đề về quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý ở các cấp: địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu; chuẩn thông tin, dữ liệu không gian địa lý; phương pháp, công nghệ xây dựng, mô hình hóa, phân tích, xử lý, lưu trữ và phổ biến dữ liệu không gian địa lý; tích hợp hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trong địa chính, sử dụng đất, môi trường, kinh tế xã hội; dữ liệu không gian địa lý hỗ trợ chính phủ điện tử, quy hoạch; ứng dụng dữ liệu không gian địa lý trên điện thoại di động và các ứng dụng khác,…

Nhóm chuyên đề về Đo đạc cơ bản: sẽ tập trung trình bày, thảo luận về các phương hướng và các kết quả nghiên cứu hoàn thiện hệ tọa độ, hệ độ cao quốc gia; các kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình quasigeoid quốc gia, phát triển công tác đo đạc trọng lực và xây dựng cơ sở dữ liệu trọng lực quốc gia; ứng dụng các phương pháp GNSS; ứng dụng phương pháp altimetry, xây dựng hải đồ trên vùng biển Việt Nam; ứng dụng phương pháp đạo hàng – quán tính trong đo đạc; chuyển dịch vỏ Trái đất trên lãnh thổ Việt Nam; đo đạc biển và thành lập bản đồ biển (bản đồ địa hình đáy biển và hải đồ...); địa động lực Biển Đông,…

Nhóm chuyên đề về Bản đồ: sẽ tập trung trình bày, thảo luận về các nội dung liên quan đến chuẩn dữ liệu bản đồ; tiêu chuẩn bản đồ 2D, 3D; chất lượng bản đồ và dữ liệu địa lý – mối liên quan, lý luận và các giải pháp ứng dụng thực tế; bản đồ và GIS 3D: mô hình hóa, thuật toán, hiển thị, mô phỏng, phân tích không gian và các ứng dụng của nó; Webmap và WebGIS; ứng dụng bản đồ WebMap, bản đồ động- Mobile-mapping; Sản phẩm bản đồ và dữ liệu địa lý phi truyền thống, những ứng dụng mới của bản đồ số, bản đồ chuyên đề trong cuộc sống (quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, đáp ứng các nhu cầu khác của con người) - tiềm năng, hạn chế, xu hướng của các ứng dụng bản đồ trong thời gian tới; giải pháp bảo mật dữ liệu bản đồ, bảo vệ quyền sở hữu, quyền trao đổi, truy cập dữ liệu bản đồ; dữ liệu và hệ thống dữ liệu bản đồ công trình ngầm, quản lý, cập nhật chia sẻ dữ liệu- hiện trạng và những giải pháp cần thiết xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu bản đồ công trình ngầm; công nghệ mới trong thiết kế và thành lập bản đồ; kỹ thuật tự động hóa trong tổng quát hóa bản đồ; bản đồ biên giới và địa giới hành chính; chuẩn hóa địa danh,…

Nhóm chuyên đề về Đo ảnh và viễn thám: bao gồm các nội dung như ứng dụng viễn thám trong theo dõi biến động lớp phủ; học máy (machine learing) và ứng dụng liên ngành của viễn thám (ứng dụng tích hợp dữ liệu viễn thám và các loại dữ liệu khác); xử lý dữ liệu đa thời gian dựa trên nền tảng đám mây; ứng dụng công nghệ UAV và các phương pháp xửlý dữ liệu UAV; viễn thám ứng dụng trong lĩnh vực đô thị; viễn thám ứng dụng trong quản lý tài nguyên và môi trường,…

Nhóm chuyên đề về Đo đạc ứng dụng: sẽ tập trung trình bày, thảo luận các nội dung về đo đạc và bản đồ quốc phòng; đo đạc và bản đồ giao thông; đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đo đạc công trình; đo đạc mỏ,…

Ngay từ khi thành lập năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới trong công tác đo đạc và bản đồ. Trong giai đoạn này, công nghệ đo GPS, công nghệ ảnh số và công nghệ GIS đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế sản xuất tại Việt Nam.

Các dự án lớn như xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:10.000 kèm mô hình số độ cao phù trùm cả nước và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 cho khu vực đô thị và kinh tế phát triển đã được thực hiện trên nền các công nghệ hiện đại trên. Việc xây dựng hệ thống lưới các trạm quan trắc GPS liên tục (Continuously Operating Reference Station - CORS) đã được khởi động và bắt đầu triển khai thực hiện. Bên cạch các dự án trên, nhiều nhiệm vụ trọng điểm đã được thực hiện để đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg. Đến nay, việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2030 cũng đang được triển khai. Do đó, việc đánh giá lại các kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn trước là cần thiết làm cơ sở để xây dựng các chương trình mục tiêu tiếp theo.


Nguồn tin:Theo Bộ tài nguyên và Môi trường

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ