Tin tức

Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ 17/12/2018

0
Ngày 11/12/2018, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã chủ trì cuộc họp để nghe Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trình bày về 02 dự thảo Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác,sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ.





Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng biển lớn đứng thứ 27 trong 157 quốc gia ven biển và các quốc đảo. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, diện tích biển của nước ta khoảng 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông (diện tích Biển Đông khoảng 3,5 triệu km2). Vùng biển nước ta được công nhận là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, địa chính trị quan trọng ở khu vực và thế giới.

Thay mặt đơn vị chủ trì soạn thảo 02 Quy hoạch, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết: Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ với mục tiêu bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển, hải đảo và vùng ven bờ trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh trên các vùng đất ven biển, vùng trời, vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Đối với Quy hoạch không gian biển quốc gia, phạm vi không gian bao gồm vùng đất ven biển, vùng trời, vùng biển và các hải đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Quy hoạch được lập đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện đối với mỗi kỳ quy hoạch là 05 năm.

Đối với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, phạm vi không gian bao gồm vùng nước biển ven bờ có ranh giới phía ngoài cách bờ biển khoảng 06 hải lý và vùng đất ven biển là các xã, phường, thị trấn giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Tuy nhiên, để đảm bảo tính vẹn toàn của các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng và quan tâm đầy đủ đến sự tương tác mạnh giữa đất liền và biển, phạm vi không gian vùng bờ ở một số khu vực có thể được mở rộng hoặc thu hẹp hơn cả về phía đất liền và biển. Quy hoạch được lập đến năm 2050. Mỗi kỳ kế hoạch thực hiện quy hoạch là 05 năm, từ năm 2021 đến năm 2025.

Để thực hiện các nhiệm vụ Quy hoạch, Tổng cục đã nghiên cứu, tham khảo quy hoạch của các nước về tính chất, phạm vi cũng như mức độ chi tiết để các Quy hoạch mang tính chất định hướng, về chi tiết cụ thể ở từng phần sẽ ở các quy hoạch ở ngành, lĩnh vực hoặc ở quy hoạch lãnh thổ, đảm bảo quy hoạch không mâu thuẫn đến các ngành khác, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.
 
Sau khi nghe ý kiến tham gia, góp ý của đại diện các đơn vị và các báo cáo giải trình của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao sự cố gắng của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khi xây dựng 02 Quy hoạch mới, hết sức phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều Bộ, ngành. Thứ trưởng đề nghị khi xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia phải có cái nhìn toàn diện, bao quát đầy đủ các nguồn tài nguyên quốc gia, đảm bảo sự liên kết, kế thừa, tích hợp với các Quy hoạch đã, đang và sẽ thực hiện. Đơn vị chủ trì phải khẩn trương đôn đốc các bộ, ngành và địa phương và các đơn vị sớm gửi góp ý về Quy hoạch không gian biển quốc gia để tổng hợp, hoàn thiện trình Chính phủ vào tháng 6/2019.

Đối với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến và hoàn thiện để khi có Nghị định chính thức hướng dẫn Luật Quy hoạch sẽ cụ thể hóa, chuẩn hóa các nội dung, các loại bản đồ tỷ lệ theo đúng yêu cầu của Nghị định.

Nguồn tin:Theo Báo tài nguyên môi trường

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ