Tin tức

Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường phải khả thi, đơn giản và dễ áp dụng 19/04/2019

0
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra chiều 18/4 nhằm sớm hoàn thiện, ban hành Bộ chỉ số này.





Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều 18/4/2019

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Môi trường, Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế; cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ chỉ số) nhằm mục đích đo lường, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức… về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ chỉ số sẽ là căn cứ để đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về công tác bảo vệ môi trường; trên cơ sở đó so sánh kết quả bảo vệ môi trường giữa các địa phương.

Thông qua việc đánh giá, cũng nhằm để xác định rõ điểm mạnh, điểu yếu; đồng thời khuyến khích nỗ lực của các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, bổ sung hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác bảo vệ môi trường của các địa phương trên cả nước.
Kết quả đánh giá của Bộ chỉ số là cơ sở để báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Bộ chỉ số dự kiến sẽ gồm 02 nhóm: Nhóm I - Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; Nhóm II - Đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về chất lượng môi trường sống.
 


Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo tiếp tục đóng góp ý kiến, hoàn thiện Bộ chỉ số. Đặc biệt, đã nêu ra nhiều bài học kinh nghiệm của các nước, các Bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội trong việc đánh giá, chấm điểm các Bộ chỉ số khác; trên cơ sở đó rút ra các cách làm có tính ưu việt để áp dụng vào việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, cũng như việc triển khai Bộ chỉ số này trong thực tế.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao Ban soạn thảo trong việc xây dựng và cơ bản hoàn thành dự thảo Bộ chỉ số. Bộ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo phải xây dựng Bộ chỉ số sao cho thuận lợi, khả thi, đơn giản và dễ áp dụng.
Theo Bộ trưởng, sau khi ban hành, việc chấm điểm theo các tiêu chí của Bộ chỉ số phải thông qua các phương pháp khoa học, hiện đại, công khai và minh bạch. Bộ trưởng yêu cầu việc đánh giá các tiêu chí cần áp dụng phương pháp điều tra xã hội học một cách khách quan, do một tổ chức độc lập đứng ra đảm nhiệm. Về Hội đồng thẩm định liên ngành cấp Trung ương, Bộ trưởng đề nghị phải có sự tham gia của một số nhà khoa học, các chuyên gia, tổ chức đánh giá độc lập có kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng cũng yêu cầu việc xây dựng các chỉ tiêu bảo vệ môi trường trong Bộ chỉ số cần phải liên tục được bổ sung hoàn thiện hàng năm để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Cuối buổi họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị: Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường; Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính sớm hoàn thiện Bộ chỉ số để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Trên thế giới, việc áp dụng Bộ tiêu chí, chỉ số liên quan đến đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường đã trở nên phổ biến. Ở cấp độ toàn cầu, Bộ chỉ số đánh giá hoạt động môi trường (EPI) được áp dụng chính thức từ năm 2008. Đến nay, Bộ chỉ số này vẫn dùng để đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động môi trường cho hầu hết các nước trên thế giới với định kỳ hai năm một lần.

Dựa trên Bộ chỉ số EPI này, từ năm 2010, Trung Quốc và Malaysia đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động môi trường riêng phù hợp với điều kiện của mỗi nước để tiến hành đánh giá, xếp hạng cho các bang, tỉnh của quốc gia. Ngoài ra, Bộ chỉ số thành phố xanh (Green City Index) đã được áp dụng tại một số nước khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Á hay Bộ chỉ số Địa phương xanh (Green Province Index) cũng đã được thực hiện tại Canada và Hoa Kỳ...

Ở Việt Nam, thời gian qua, đã có một số Bộ chỉ số trong nhiều lĩnh vực được nghiên cứu, xây dựng, ban hành và triển khai phục vụ mục đích đánh giá, so sánh, xếp hạng giữa các địa phương, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức của các Bộ, ngành như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành và địa phương (Par Index); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas); Bộ chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công; Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nông nghiệp; Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chỉ số thành phố thông minh; chỉ số đô thị xanh; Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo...


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ