Tin tức

Phát huy và đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường 19/04/2016

0
Đó là phát biểu tâm huyết của nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang tại buổi lễ bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ TN&MT cho đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - người vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TN&MT theo Nghị quyết số 137/2016/NQ-QH13 của Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 11 và Chủ tịch nước ký Quyết định số 728/QĐ-CTN ngày 09/4/2016, diễn ra chiều ngày 12/4 tại trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).





Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nguyễn Minh Quang và
Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2016 - 2021
Trần Hồng Hà đã ký Biên bản bàn giao nhiệm vụ

Tham dự lễ bàn giao có các Thứ trưởng: Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân; Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ.

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, với tình cảm và tâm huyết sâu sắc đối với ngành, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang xúc động nói: "Trọng trách của Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã kết thúc, hôm nay tôi chính thức bàn giao trọng trách Bộ trưởng cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
 
Trong nhiệm kỳ qua, với sự hợp tác của các đồng chí Lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng Bộ, Bộ TN&MT đã phát huy tốt những kết quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đạt được những kết quả tốt đẹp, các Luật liên quan đến quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã cơ bản hoàn thiện; công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được quan tâm nên hệ thống tổ chức của ngành cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giải quyết các thủ tục đầu tư; bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, cũng như bảo đảm lợi ích của nhà nước".

"Tuy nhiên so với yêu cầu phát triển của đất nước, thời gian tới Bộ cần phải quyết liệt hơn trong giải quyết các bức xúc của xã hội liên quan tới quản lý tài nguyên và cho sự phát triển bền vững của đất nước" - đồng chí Nguyễn Minh Quang trăn trở.
 
Phát huy và đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành TN&MT, trong thời gian tới, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đồng chí Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo giải quyết các vấn đề của ngành.

Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ, đây là vấn đề hết sức quan trọng cần tiếp tục quan tâm, rà soát hoàn thiện bảo đảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; quan tâm sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao tính tự chủ, phù hợp với xu thế chung của đất nước. Về công tác cán bộ, nhìn chung, đội ngũ cán bộ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ đều đang ổn định, tuy nhiên cần chú ý đến công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ đã quy hoạch của các đơn vị, chú ý tới cán bộ đã qua công tác quản lý TN&MT ở địa phương; công tác đào tạo cán bộ đầu đàn, có học vị cao ở các đơn vị trực thuộc; nâng cao trình độ ngoại ngữ của cán bộ, nhất là cán bộ làm việc có liên quan nhiều đến quốc tế.

Về công tác quản lý kế hoạch, tài chính, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cần phải quan tâm vận động các nguồn tài trợ quốc tế để nâng cao năng lực chuyên môn cho các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, môi trường, biển và hải đảo, viễn thám, các trường đại học của Bộ…; đồng thời cần quan tâm tới quản lý chi tiêu ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế lãng phí.

Về các lĩnh vực cụ thể:

(i) Đối với lĩnh vực đất đai cần tiếp tục kiểm tra thực tế việc thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn; thu hút nguồn lực, thực hiện xã hội hóa để tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai; tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng (trong đó tập trung đo vẽ hồ sơ địa chính và phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp); thanh tra việc sử dụng đất đã giao chậm đưa vào sử dụng;
 
(ii) Đối với lĩnh vực môi trường, cần tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; thanh tra trọng điểm các cơ sở gây nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm trong sản xuất hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu tại các khu công nghiệp và làng nghề, ô nhiễm không khí…;
 
(iii) Đối với lĩnh vực địa chất và khoáng sản, cần kiểm soát chặt chẽ việc điều tra, thăm dò và cấp phép khoáng sản, hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên đất nước; nâng cao năng lực điều tra địa chất khoáng sản cả trên đất liền và dưới biển; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; tham mưu cho Chính phủ làm tốt công tác quy hoạch, khai thác để hình thành một số ngành khai khoáng trọng điểm quốc gia;
 
(iv) Đối với quản lý tài nguyên nước và vấn đề quản lý tài nguyên nước sông Mê Công, cần nhanh chóng hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tập trung tham mưu, xây dựng, trình Chính phủ quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả hai mùa và kiến nghị cơ chế xử lý vi phạm; tăng cường công tác thanh tra đối với việc xả nước các hồ chứa; tăng cường hợp tác với các nước trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế; kiến nghị Ủy hội sông Mê Công quốc tế đưa kết quả Nghiên cứu tác động các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công để điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện và chuyển nước của các nước Lào, Campuchia và Thái Lan; đề nghị Chính phủ cho tiếp tục nghiên cứu tác động đến đồng bằng sông Cửu Long;
 
(v) Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, quan tâm xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Khí tượng thủy văn; tiếp tục đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, cần tranh thủ nguồn vốn quốc tế, nguồn vốn xã hội hóa cho việc đầu tư trang thiết bị và hệ thống đường truyền; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi cập nhật thông tin phục vụ dự báo thời tiết; không để xảy ra sai sót trong dự báo thời tiết, nhất là dự báo thiên tai như bão, lũ, hạn hán, mưa đá…; sớm đề nghị Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; quan tâm đầu tư, chỉ đạo hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến các vùng trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, miền Trung; cũng như tranh thủ nguồn lực quốc tế cho công tác này;
 
(vi) Đối với lĩnh vực biển và hải đảo, cần tập trung cho công tác điều tra cơ bản theo Đề án 47; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quan tâm quy hoạch sử dụng đới bờ; tăng cường kiểm tra việc bảo vệ môi trường biển, đảo;
 
(vii) Đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tiếp tục quan tâm tới vấn đề phân giới cắm mốc trên Vịnh Bắc Bộ và hợp tác với Campuchia trong công tác phân giới cắm mốc; (viii) Đối với lĩnh vực khác, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò và sự quan tâm của các Bộ, ngành, tổ chức trong ứng dụng công nghệ viễn thám; đầu tư và ứng dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin; đổi mới quản lý và nghiên cứu khoa học, công nghệ, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động quản lý của Bộ; quan tâm đầu tư hỗ trợ cho hai trường đại học của ngành; đẩy mạnh hoạt động công tác văn phòng, trong đó có công tác tham mưu, kiểm soát hồ sơ công việc và văn bản đi - đến, đánh giá hoạt động của Văn phòng một cửa và Cổng thông tin điện tử Bộ bảo đảm không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp,…
 
 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ

"Ghi nhớ và nghiên cứu kỹ những lời căn dặn đầy tâm huyết của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang -  với tư cách là người đứng đầu ngành TN&MT trong nhiệm kỳ qua; cũng như kế thừa những thành quả to lớn của các thế hệ Lãnh đạo Bộ đi trước; ngành TN&MT sẽ tiếp tục phát huy khối đoàn kết để tiếp tục xây dựng và phát triển 8 lĩnh vực quản lý TN&MT, hoàn thành nhiệm vụ trước Chính phủ và trước nhân dân; đẩy mạnh quan hệ gắn bó với địa phương, với nhân dân; triển khai những chỉ đạo của ngành TN&MT đi vào cuộc sống" - đó là khẳng định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại buổi lễ.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc tới cá nhân đồng chí Nguyễn Minh Quang cùng toàn thể gia đình và mong muốn đồng chí sẽ luôn quan tâm, đóng góp ý kiến để xây dựng và phát triển ngành TN&MT ngày càng vững mạnh hơn.
 
 
 
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2016 - 2021 Trần Hồng Hà đã ký Biên bản bàn giao nhiệm vụ./.



Nguồn tin:Theo monre.gov.vn

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ