Tin tức

Triển khai 24 dự án biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long 28/09/2017


Giai đoạn 2017-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ triển khai 24 dự án biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 9 dự án chuyển tiếp và 15 dự án khởi công mới.




Tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 tăng gấp hơn 2,7 lần so với giai đoạn trước.

Các dự án tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo đê biển, đê sông ở các khu vực xung yếu, xây dựng hệ thống kiểm soát mặn, xây dựng các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng, trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Tỉnh An Giang có 2 dự án chuyển tiếp gồm: Dự án xây dựng mô hình hồ chứa nước vùng khô hạn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân vùng núi huyện Tri Tôn và Dự án kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ thành phố Long Xuyên.

Tỉnh Sóc Trăng có 2 dự án gồm: Dự án xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng huyện Ngã Năm và Dự án trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Sóc Trăng.

Các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau, mỗi tỉnh có 1 dự án. Đối với các dự án khởi công mới, An Giang và Sóc Trăng, mỗi tỉnh có 2 dự án, 11 tỉnh, thành trong vùng còn lại mỗi tỉnh có 1 dự án.
Tổng nguồn vốn đầu tư là 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn bố trí cho các dự án chuyển tiếp là 3.269 tỷ đồng, vốn đầu tư cho các dự án mới là 7.731 tỷ đồng.

Theo ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 tăng gấp hơn 2,7 lần so với giai đoạn trước, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ cho công tác chống biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho thấy 6 tháng đầu năm 2017, tình hình sạt lở ven sông, ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp. Trên sông Tiền có 54 vị trí sạt lở, sông Hậu có 10 vị trí sạt lở.

Riêng tỉnh An Giang đã có 15 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh rạch với tổng chiều dài sạt lở là 1.039 mét, làm ảnh hưởng đến 172 căn nhà...

Sạt lở bờ biển diễn ra ở nhiều tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang có gần 70 km bờ biển bị sạt lở, trong đó có 30 km bị sạt lở nghiêm trọng.

Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu đều bị sạt lở tường kè, sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều công trình xây dựng và ảnh hưởng đến diện tích nuôi thủy sản của nông dân./


Nguồn tin:Theo baomoi.com

PHẦN MỀM QUẢN LÝ DỰ ÁN
VĂN BẢN TRỰC TUYẾN
QUẢN LÝ VB&HSCV
HỆ THỐNG QUẢN LÝ CÁN BỘ